Chủ động phòng, chống dịch hạch

Cập nhật ngày: 15/12/2014 13:32:24

Thời gian qua, dịch hạch (DH) bắt đầu bùng phát ở một số quốc gia như Madagascar, Mỹ, Trung Quốc với hàng trăm ca mắc, nhiễm. Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, ngày 25/11, Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế đã có văn bản gửi các sở Y tế, đề nghị chủ động phòng chống bệnh DH. Báo Đồng Tháp có cuộc trao đổi với ông Đoàn Tấn Bửu - Phó Giám đốc Sở Y tế về công tác triển khai phòng, chống DH ở Đồng Tháp.

PV: Xin ông cho biết DH là loại bệnh như thế nào? Những biểu hiện, mức độ nguy hiểm của nó?

Ông Đoàn Tấn Bửu (Đ.T.B): DH là bệnh truyền nhiễm cấp tính do trực khuẩn Yersinia pestis gây ra, lây truyền chủ yếu bằng đường máu (do bọ chét đốt, truyền). Bệnh cảnh lâm sàng là tình trạng nhiễm trùng nhiễm độc toàn thân nặng, tổn thương hạch đặc hiệu, phổi và một số cơ quan khác. Các triệu chứng của bệnh DH tùy theo thể bệnh và tiến triển của bệnh có thể có: sốt, ớn lạnh, yếu mệt, nhức đầu, ho ra máu, khó thở, đau ở ngực. Nhiều trường hợp khác có biểu hiện buồn nôn, nôn mửa và tiêu chảy, viêm hạch bạch huyết, chảy máu dưới da..., ngón chân, tay hoặc mũi có màu xạm đen, bất thường đông máu, sốc suy đa tạng và gây tử vong. Bệnh DH được xếp vào bệnh truyền nhiễm nhóm A (tối nguy hiểm) bởi diễn tiến bệnh nhanh, tốc độ lây lan mạnh và tỷ lệ tử vong cao. DH có ổ bệnh thiên nhiên ngoài môi trường. Nguồn bệnh là loài gặm nhấm hoang dã (khoảng 7.200 loài), chủ yếu là các loài chuột (chuột cống, chuột đồng, chuột nhắt...). Người đang mắc DH hoặc vừa khỏi có thể là nguồn bệnh (đặc biệt dịch hạch thể phổi).

PV: Môi trường ở nước ta nói chung và tỉnh Đồng Tháp nói riêng có dễ xảy ra bệnh DH không?

Ông Đ.T.B: Cục Y tế Dự phòng cho rằng điều kiện sinh địa cảnh, môi trường, vật chủ tại Việt Nam rất thuận lợi cho bùng phát và lan truyền bệnh DH. Bệnh DH trên động vật hoang dã có thể theo chuột và bọ chét mang vi khuẩn từ Trung Quốc xâm nhập vào Việt Nam như đã từng xảy ra vào cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, gây ra tiến trình 100 năm bệnh DH ở Việt Nam. Dịch được ghi nhận lần đầu tiên ở Việt Nam vào năm 1898 ở Nha Trang do tàu, thuyền từ Hồng Kông xâm nhập vào. Năm 1911, từng xảy ra vụ dịch lớn tại Châu Đốc, Long Xuyên, Thủ Dầu Một với nhiều bệnh nhân DH thể phối làm 886 người tử vong.

Từ những năm 1991, dịch có chiều hướng giảm về số mắc và tử vong; phạm vi dịch thu hẹp, tập trung chủ yếu ở miền Trung và Tây Nguyên. Đến nay sau 12 năm Việt Nam không phát hiện ca bệnh trên người cũng như mầm bệnh trên chuột và bọ chét. Tuy nhiên, mẫu giám sát trên động vật còn hạn chế, chưa thể kết luận DH hoàn toàn chấm dứt... Tại Đồng Tháp chưa từng xảy ra ca DH hạch nào.

PV: Gần đây, các quốc gia như Mỹ hay Trung Quốc đã xuất hiện DH, do đó Bộ Y tế chỉ đạo các địa phương chủ động phòng ngừa dịch bệnh. Vậy, ngành y tế Đồng Tháp sẽ thực hiện những giải pháp gì?

Ông Đ.T.B: Thực hiện chỉ đạo của Bộ Y tế, ngành y tế Đồng Tháp tập trung củng cố hệ thống giám sát, đặc biệt lưu ý giám sát các cảng tiếp nhận tàu đến từ các vùng dịch trên thế giới; cửa khẩu đường bộ, kho chứa lương thực, khu chăn nuôi, chợ... Cần tăng cường giám sát DH trên chuột, bọ chét, người. Nếu có hiện tượng chuột tự nhiên chết nhiều thì cần phải giám sát ngay, xem chúng chết vì nguyên nhân gì. Chú ý giám sát các ca bệnh nghi ngờ DH để cách ly điều trị kịp thời, hiệu quả. Đồng thời, triển khai ngay các biện pháp phòng, chống, xử lý ổ dịch, không để dịch lây lan ra cộng đồng.

Chỉ đạo các đơn vị y tế tuyến tỉnh khẩn trương tiến hành đào tạo, tập huấn lại cho nhân viên y tế về giám sát, xét nghiệm, cũng như phác đồ chẩn đoán, điều trị bệnh; rà soát lại trang thiết bị, thuốc men theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Củng cố các đội đặc nhiệm, phản ứng nhanh phòng, chống dịch các cấp; tập huấn phòng, chống bệnh DH, giám sát, xử lý khi có ca nghi ngờ bệnh DH. Chuẩn bị sẵn sàng thuốc, hóa chất, phương tiện bảo hộ cá nhân, trang thiết bị cho việc giám sát, xử lý ổ dịch. Chuẩn bị khu vực cách ly, điều trị tránh lây lan ra cộng đồng.

PV: Ông có khuyến cáo gì đối với người dân trong phòng ngừa bệnh hạch?

Ông Đ.T.B: DH từ trước đến nay không lưu hành tại Đồng Tháp, không có ổ dịch cũ tại địa phương. Do đó, người dân không cần quá hoang mang, lo sợ. Tuy nhiên, người dân cũng cần phải chủ động giám sát chặt chẽ dịch hạch xâm nhập để dập tắt kịp thời, tránh chủ quan, lơ là. Ngành y tế tỉnh khuyến khích người dân diệt chuột, tăng cường vệ sinh môi trường; tránh tiếp xúc với chuột và các loài gặm nhấm. Nếu có hiện tượng chuột tự nhiên chết nhiều mà không rõ nguyên nhân thì cần phải báo cáo ngay cho cơ quan y tế gần nhất để giám sát DH trên chuột và bọ chét.

Tuy đây là bệnh tối nguy hiểm, có thể lây lan nhanh thành dịch lớn, nhưng trong điều kiện hiện nay bệnh có thể điều trị khỏi hoàn toàn nếu phát hiện ca bệnh sớm điều trị đúng. Xử lý dịch tốt sẽ khống chế được dịch không thể lan rộng trong cộng đồng.

PV: Xin cảm ơn ông!

Phước Lộc (Thực hiện)

Các đường lây truyền dịch hạch

DH có 4 đường lây, trong đó chủ yếu lây qua đường máu.

Đường máu: Lây qua vết đốt của côn trùng, chủ yếu là do bọ chét Xenopsylla cheopis, thứ yếu là chấy, rận, rệp. Bọ chét hút máu làm lan truyền bệnh trong các giống chuột và từ chuột sang người.

Đường tiêu hoá: Thực phẩm, nước bị ô nhiễm do chuột trực tiếp gieo rắc mầm bệnh vào. Đường lây này trên thực tế ít nguy hiểm vì trực khuẩn dịch hạch dễ bị chết khi đun sôi, nấu chín.

Đường hô hấp: Từ bệnh nhân DH thể phổi có thể lây trực tiếp cho người xung quanh qua các giọt đờm, nước bọt bắn ra khi bệnh nhân ho, hắt hơi, nói chuyện.

Đường da, niêm mạc: Qua tiếp xúc trực tiếp với vùng da tổn thương (hiếm gặp).

 

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn