Phòng bệnh cho trẻ khi thời tiết chuyển mùa
Cập nhật ngày: 14/07/2014 05:01:59
Thời tiết chuyển mùa, lượng bệnh nhân đến khám và điều trị tại Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) huyện Cao Lãnh tăng cao, nhất là trẻ em. Các bệnh có số ca khám và nhập viện tăng là viêm phổi, viêm đường hô hấp, tiêu chảy cấp, tay chân miệng (TCM) và sốt xuất huyết. Các bậc phụ huynh cần chủ động và tăng cường các biện pháp phòng bệnh cho trẻ.
Khám bệnh cho trẻ tại Bệnh viện Đa khoa huyện Cao Lãnh
Bác sĩ Đặng Văn Mười Hai, Trưởng Khoa nhi BVĐK huyện Cao Lãnh cho biết: “Hiện tại, các bệnh có khuynh hướng tăng là TCM, sốt xuất huyết, tiêu chảy, viêm phổi. Các bệnh này thường tăng cao do các yếu tố gây bệnh như bàn tay của bé bị bẩn, bé ngậm đồ chơi, môi trường bị ô nhiễm ẩm thấp, bụi rậm, ao tù nước đọng là điều kiện để cho muỗi phát triển...”.
Hiện tại Khoa nhiễm BVĐK huyện Cao Lãnh còn gần 44 trường hợp trẻ nằm viện, chủ yếu là bệnh TCM (trên 20 trường hợp). Đây là bệnh chưa có vắc xin phòng ngừa và thuốc đặc trị, bệnh có thể lây qua nước bọt, bỏng nước, phân của trẻ, đường tiêu hóa. Nếu ở gia đình có trẻ mắc bệnh thì nên cách ly trẻ bệnh với những trẻ khác để tránh lây mầm bệnh.
Chị Nguyễn Thị Bích Tuyền ở ấp 4, xã Tân Hội Trung là mẹ của bé Nguyễn Duy Anh, 16 tháng tuổi đang điều trị bệnh TCM ở BVĐK huyện Cao Lãnh cho biết: “Bé bị nóng, tôi đi mua thuốc cho bé uống, chiều thấy bàn tay bé nổi hột đỏ, nghi bé bị bệnh TCM nên chở bé lên bác sĩ, bác sĩ bảo đến bệnh viện”.
Chị Nguyễn Thị Tâm ở ấp Mỹ Thới, xã Mỹ Xương đang chăm sóc cho con trai Nguyễn Văn Tấn, 25 tháng tuổi cũng bị bệnh TCM chia sẻ: “Trong nhà và xung quanh hàng xóm không có ai bị bệnh TCM. Tự nhiên thấy bé nổi lên mấy mục bỏng, tôi chở bé ra bác sĩ thì mới biết bé bị bệnh TCM nên nhập viện luôn”.
Khi thời tiết đang nắng nóng bất chợt có những cơn mưa ập đến làm không khí thay đổi đột ngột từ nóng sang lạnh. Sự thay đổi đó khiến nhiều người không thích nghi kịp dẫn đến mắc bệnh, nhất là ở trẻ nhỏ. Các bậc phụ huynh nên chủ động phòng ngừa, ngăn chặn những nguy cơ có thể gây bệnh cho trẻ nhằm hạn chế trẻ nhiễm bệnh trong thời điểm này.
Nói về các loại bệnh thường xảy ra và công tác phòng bệnh cho trẻ trong thời điểm chuyển mùa bác sĩ Đặng Văn Mười Hai cho biết thêm: “Phòng bệnh và chăm sóc ban đầu cho trẻ là quan trọng nhất, như sử dụng nguồn nước sạch, rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh, vệ sinh cá nhân cho bé, vệ sinh nhà cửa, phát quang bụi rậm, không để ao tù, nước đọng quanh nhà, cần cho bé ăn, bú đầy đủ để tăng sức đề kháng cho trẻ”.
Ngoài ra, để chủ động phòng bệnh, ngành y tế còn khuyến cáo khi trẻ có biểu hiện bệnh, các bậc phụ huynh tuyệt đối không được tự ý cho trẻ dùng thuốc khi chưa có sự chỉ định của bác sĩ để tránh tình trạng lờn thuốc cũng như khiến trẻ bệnh nặng thêm. Khi trẻ có những dấu hiệu nhiễm bệnh, cách tốt nhất là đưa trẻ đến các cơ sở đi tế để được điều trị kịp thời.
Thành Ngưỡng