Phòng các bệnh trong mùa mưa lũ
Cập nhật ngày: 25/08/2014 05:18:03
Hàng năm, mỗi khi đến mùa mưa lũ, nhiều vùng, khu vực ở địa phương thường phải đối mặt với lũ, ngập úng, ẩm ướt, bụi, rác, đặc biệt là các loại chất thải, dễ tạo điều kiện gây bệnh do môi trường, nguồn nước bị ô nhiễm chứa nhiều vi khuẩn gây ra... kéo theo đó là những hậu quả về bệnh tật, ảnh hưởng đến sức khỏe và cuộc sống của người dân địa phương.
Thông thường, sau những đợt mưa, bão, lũ lụt xảy ra, các bệnh đường ruột tăng lên đáng kể, thêm vào đó là các bệnh về đường hô hấp, bệnh về da, nước ăn chân, tai mũi họng, đau mắt... Nguyên nhân chính là do vệ sinh kém, nguồn nước bị ô nhiễm, thiếu nước sạch, thực phẩm không đảm bảo vệ sinh...
Vì vậy, để phòng ngừa các bệnh nói trên chúng ta cần phải thực hiện các biện pháp để bảo vệ sức khỏe của cộng đồng và của bản thân mình.
Trước hết, cần lưu ý đến việc vệ sinh nguồn nước, khi sử dụng nước cần được xử lý bằng dung dịch Cloramin B, phèn chua; thực hiện ăn chín, uống sôi, ăn ngay khi thức ăn vừa nấu chín xong, thức ăn cần được che đậy tránh bụi, ruồi nhặng xâm nhập vào thức ăn; tuyệt đối không ăn rau sống, không sử dụng gia cầm, súc vật chết để chế biến thức ăn; không ăn các thực phẩm bị ôi thiu, nấm mốc hoặc nhiễm bẩn; không đưa quá nhiều thức ăn còn ấm hoặc thức ăn đang nóng vào tủ lạnh; phải đun lại thức ăn cũ ở nhiệt độ sôi ngay trước khi ăn; không để lẫn thực phẩm sống và thức ăn chín; không để các hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật hoặc các chất gây độc khác ở trong khu vực chế biến thực phẩm; không dùng khăn ẩm mốc, nhờn mỡ để lau khô bát đĩa; không dùng các chất tẩy uế, chất sát trùng vệ sinh nhà cửa hoặc xà phòng giặt để rửa dụng cụ ăn uống, không dùng tay bốc thức ăn; không đi vệ sinh bừa bãi; không nên tắm ở ao, hồ, sông vừa bị lũ, lụt; không ngâm mình dưới nước thời gian lâu.
Cần rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh; giữ gìn vệ sinh cá nhân, an toàn thực phẩm; khai thông cống rãnh để hạn chế muỗi lưu trú gây bệnh sốt xuất huyết; tiêm chủng phòng các bệnh như: tả, sốt xuất huyết, sởi... Ăn đủ dinh dưỡng với nhóm chất đạm và bổ sung nhóm vitamin và chất khoáng với các loại rau xanh, quả chín.
Để đảm bảo an toàn, cần chọn các loại rau quả tươi, không bị dập nát, không có màu sắc, mùi vị lạ; chọn các loại thịt và thủy sản còn tươi; chọn vỏ trứng màu sáng, không có những vệt xám đen, không bị dập; các thực phẩm đóng hộp, đóng gói sẵn nên lưu ý hạn sử dụng và không sử dụng các loại thực phẩm khô đã mốc.
Đối với vùng mưa lũ, khi nước rút đến đâu thì cần làm vệ sinh môi trường đến đó, tổ chức thu gom xử lý, chôn xác động vật. Sử dụng vôi bột hoặc các hóa chất để xử lý khi chôn cất gia súc, gia cầm chết. Ngoài ra, người dân sống trong vùng mưa lũ cần có kiến thức phòng, chống một số bệnh ngoài da như nấm, ghẻ, viêm da, nhiễm ký sinh trùng trên da; bệnh về da, niêm mạc miệng do tiếp xúc trực tiếp với nước, đất, bùn chứa vi khuẩn gây bệnh. Khi bị bệnh ngoài da cần phải lau rửa bằng cồn sát khuẩn hoặc dung dịch sát khuẩn. Uống thuốc kháng sinh để bệnh mau khỏi và tránh những biến chứng nguy hiểm như viêm cầu thận.
Lưu ý đối với bệnh nước ăn chân, người dân cần hạn chế lội nước, lau chân khô trước khi đi giày dép...
Trung tâm Truyền thông giáo dục sức khỏe