Phòng ngừa bệnh trước thời tiết nắng nóng
Cập nhật ngày: 16/03/2015 13:38:07
Những ngày gần đây, thời tiết khá oi bức, nhiệt độ ngoài trời có khi lên đến 370C, ảnh hưởng đến sức khỏe nhiều người. Thời tiết nắng nóng cũng là điều kiện thuận lợi làm nảy sinh các bệnh về da, hô hấp, tiêu hóa và tim mạch.
Trẻ nhập viện do mắc bệnh đường tiêu hóa tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Tháp Mười
Hai tháng đầu năm nay, có trên 400 bệnh nhân mắc bệnh thủy đậu điều trị tại Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) Đồng Tháp, tuy nhiên, thực tế số ca mắc bệnh trong cộng đồng có thể còn cao gấp nhiều lần do đây là căn bệnh người dân có thể mua thuốc tự điều trị tại nhà. Một chủ cửa hiệu thuốc tây nằm trên đường Hùng Vương, phường 2, TP.Cao Lãnh cho biết, gần đây mỗi ngày có trên chục trường hợp đến mua thuốc tự điều trị bệnh thủy đậu. Bệnh thủy đậu lây truyền từ người sang người bằng tiếp xúc trực tiếp, qua các đồ vật bị nhiễm mầm bệnh từ dịch tiết đường hô hấp, dịch từ nốt phỏng thủy đậu, lây qua đường hô hấp do hít phải vi rút do người bị bệnh thủy đậu nói, hắt hơi, ho. Bệnh xảy ra ở mọi lứa tuổi, nhưng phổ biến ở trẻ em.
Theo Trung tâm Y tế dự phòng Đồng Tháp, bệnh thủy đậu có thời gian ủ bệnh khoảng 2 - 3 tuần. Người bệnh có biểu hiện mệt mỏi, nhức đầu, sốt nhẹ, chảy nước mũi, đau họng và trên da xuất hiện các nốt ban đỏ bắt đầu ở vùng đầu, mắt rồi lan ra toàn thân. Bệnh không có triệu chứng nặng nhưng cũng có thể gây ra biến chứng nhiễm trùng da. Phụ nữ mang thai mắc bệnh thủy đậu sẽ rất nguy hiểm cho thai nhi, có thể gây sẩy thai hoặc để lại dị tật cho thai nhi. Người mắc bệnh thủy đậu sẽ tự khỏi sau khoảng 10 ngày, kể từ ngày mắc bệnh, cần phải giữ vệ sinh sạch sẽ, tránh gãi làm tăng thêm trầy xước và nhiễm trùng. Để ngừa bệnh, cần sử dụng các vật dụng sinh hoạt cá nhân riêng và tiêm vắc xin phòng bệnh.
Ngoài bệnh thủy đậu, những tháng đầu năm nay, tại nhiều bệnh viện trong tỉnh, tình trạng bệnh nhân nhập viện mắc các chứng bệnh có ảnh hưởng đến thời tiết nắng nóng như bệnh tiêu hóa, bệnh lý về tim mạch có chiều hướng tăng. Trưa 12/3/2015, tại Khoa Nhiễm - BVĐK khu vực Tháp Mười, hầu hết giường bệnh đều có bệnh nhi nằm điều trị các chứng bệnh tiêu chảy, sốt,... Theo BVĐK khu vực Tháp Mười, số bệnh nhân nhập viện vào những tháng vừa qua đều tăng so với những tháng cuối năm 2014. Cụ thể, tháng 12/2014 chỉ có 1.200 trường hợp nhập viện, nhưng 2 tháng gần đây, mỗi tháng có 1.400 trường hợp, riêng số trẻ em điều trị nội trú là trên 600 ca, tăng gần gấp đôi so với tháng 12/2014 (các bệnh tăng đột biến chủ yếu là tiêu chảy, tiêu chảy nhiễm trùng, viêm phổi). Về điều trị ngoại trú, tháng 12/2014 điều trị trẻ em là 2.000 trường hợp nhưng 2 tháng đầu năm nay, mỗi tháng có 2.500 trường hợp điều trị tại BV. Bác sĩ Nguyễn Văn Ngan - Trưởng Khoa Nhi, BVĐK khu vực Tháp Mười cho biết, nhiều trẻ nhập viện có triệu chứng sốt cao, có trường hợp co giật, tuy nhiên không có trường hợp nguy hiểm đến tính mạng. Bác sĩ Ngan cũng khuyên các bà mẹ, khi con em bị tiêu chảy nặng, mất nước, uống nước vô ói ra thì nên đưa trẻ nhập viện.
Thời tiết nắng nóng không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe trẻ mà ở những người lớn cũng dễ mắc nhiều chứng bệnh. Bác sĩ Trần Thị Mỹ Duyên, Trưởng Khoa Cấp cứu - Hồi sức - Chống độc, BVĐK khu vực Tháp Mười cho biết, những ngày cuối năm 2014, 1 ngày có từ 1 - 2 ca đột quỵ (tai biến), gần đây có ngày lên đến 6, 7 ca. Nhiều ca đột quỵ nguyên nhân một phần do nắng nóng ảnh hưởng đến huyết áp bệnh nhân tăng cao đột ngột. Để phòng ngừa đột quỵ, người có bệnh lý tim mạch nên uống thuốc cho đều theo toa bác sĩ, thường xuyên đo huyết áp ở nhà hoặc trạm y tế, tuân thủ đúng chế độ ăn lạt, uống mỗi ngày 2 lít nước. Ngoài ra, mùa nắng nóng, nguy cơ tiêu chảy nhiễm trùng dẫn đến nhiễm trùng huyết và sốc nhiễm trùng ở người lớn rất cao, thường có biến chứng nặng hơn nhiều so với trẻ em, nguy hiểm đến tính mạng với tỷ lệ tử vong trên 80%.
Bác sĩ Huỳnh Ngọc Diệp - Giám đốc BVĐK khu vực Tháp Mười cho biết, qua tiếp xúc với người nhà bệnh nhân, chúng tôi biết nhiều bệnh nhân còn sử dụng nguồn nước sông không đảm bảo vệ sinh, thói quen trước khi ăn, uống, cho con bú không rửa tay, không có thói quen sử dụng nước chín, bảo quản thức ăn không kỹ. Đó là những nguyên nhân chính dẫn đến việc trẻ mắc các bệnh tiêu chảy mùa nắng nóng. Để hạn chế nguy cơ các bệnh mùa nắng nóng tăng cao, về phía BV đã tích cực phối hợp với các ngành liên quan thông báo tình hình dịch bệnh. Ngoài ra, BV cũng tuyên truyền đến bệnh nhân và người nhà bệnh nhân trong việc phòng bệnh bằng cách phát trên hệ thống loa của BV và bác sĩ tuyên truyền miệng cho bệnh nhân trong những lần thăm khám.
Hữu Nghĩa