Cần triển khai các quy định về phòng, chống tác hại thuốc lá
Cập nhật ngày: 30/10/2015 12:36:06
Triển khai một số điều trong Luật phòng, chống tác hại thuốc lá (PCTHTL) và Nghị định 170/2013/NĐ- CP đến người dân trên địa bàn tỉnh là rất cần thiết, nhằm giảm nhu cầu sử dụng và kiểm soát để từng bước giảm mức cung cấp các sản phẩm thuốc lá tiêu thụ tại thị trường Việt Nam; giảm nguy cơ bệnh tật và tử vong do sử dụng thuốc lá gây ra.
Luật PCTHTL gồm 3 Chương 35 Điều
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh:
Luật này quy định về các biện pháp giảm nhu cầu sử dụng thuốc lá, biện pháp kiểm soát nguồn cung cấp thuốc lá và điều kiện bảo đảm để phòng, chống tác hại của thuốc lá.
Điều 3. Nguyên tắc PCTHTL
Tập trung thực hiện các biện pháp giảm nhu cầu sử dụng thuốc lá kết hợp với biện pháp kiểm soát để từng bước giảm nguồn cung cấp thuốc lá.
Chú trọng biện pháp thông tin, giáo dục, truyền thông để nâng cao nhận thức về tác hại của thuốc lá nhằm giảm dần tỷ lệ sử dụng thuốc lá và tác hại do thuốc lá gây ra.
Thực hiện việc phối hợp liên ngành, huy động xã hội và hợp tác quốc tế trong phòng, chống tác hại của thuốc lá.
Bảo đảm quyền của mọi người được sống, làm việc trong môi trường không có khói thuốc lá và được thông tin đầy đủ về tác hại của thuốc lá.
Điều 5. Trách nhiệm quản lý nhà nước về PCTHTL
2. Bộ Y tế chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về PCTHTL:
a) Trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành và ban hành theo thẩm quyền văn bản quy phạm pháp luật, chiến lược, chính sách, kế hoạch về PCTHTL, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về thuốc lá.
b) Chỉ đạo và tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật, chiến lược, chính sách, kế hoạch về PCTHTL.
c) Tổ chức thông tin, giáo dục, truyền thông về PCTHTL.
d) Tổ chức bồi dưỡng và tăng cường nhân lực tham gia PCTHTL.
đ) Tổ chức nghiên cứu, tư vấn, phòng ngừa, chẩn đoán, điều trị nghiện thuốc lá.
e) Thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý hành vi vi phạm pháp luật trong PCTHTL theo thẩm quyền.
g) Hằng năm, tổng hợp, báo cáo Chính phủ về kết quả PCTHTL.
h) Hợp tác quốc tế về PCTHTL.
Điều 6. Trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, địa phương trong PCTHTL
Đưa nội dung PCTHTL vào kế hoạch hoạt động hằng năm, quy định không hút thuốc lá tại nơi làm việc vào quy chế nội bộ.
Đưa quy định về việc hạn chế hoặc không hút thuốc lá trong các đám cưới, đám tang, lễ hội trên địa bàn dân cư vào hương ước.
Gương mẫu thực hiện và vận động cơ quan, tổ chức, địa phương thực hiện các quy định của pháp luật về PCTHTL.
Nghị định 176/2013/NĐ – CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế (gồm 4 Chương 97 Điều).
Điều 23. Vi phạm các quy định về địa điểm cấm hút thuốc lá
Cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
Hút thuốc lá tại địa điểm có quy định cấm.
Bỏ mẩu, tàn thuốc lá không đúng nơi quy định khi hút thuốc lá tại những địa điểm được phép hút thuốc lá.
Phạt tiền từ 3 triệu đồng đến 5 triệu đồng đối với chủ cơ sở thực hiện một trong các hành vi sau đây:
a. Không treo biển có chữ hoặc biểu tượng “cấm hút thuốc lá” tại địa điểm cấm hút thuốc lá.
b. Không yêu cầu người vi phạm chấm dứt việc hút thuốc lá trong cơ sở của mình.
c) Không tổ chức thực hiện, hướng dẫn, kiểm tra đôn đốc thực hiện đúng quy định về cấm hút thuốc lá tại địa điểm thuộc quyền quản lý, điều hành.
Phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Không có phòng và hệ thống thông khí tách biệt với khu vực không hút thuốc lá đối với nơi dành riêng cho người hút thuốc lá.
b) Không có dụng cụ chứa mẩu, tàn thuốc lá.
c) Không có biển báo tại vị trí phù hợp, dễ quan sát.
d) Không có các thiết bị phòng cháy, chữa cháy.
Điều 27. Vi phạm khác về PCTHTL:
Phạt tiền từ 3 triệu đồng đến 5 triệu đồng đối với các hành vi sau đây:
Không đưa nội dung PCTHTL vào kế hoạch hoạt động hàng năm, không qui định cấm hút thuốc lá tại nơi làm việc vào qui chế nội bộ.
Cẩm Lụa