Bùng phát bệnh đau mắt đỏ
Cập nhật ngày: 30/09/2013 04:49:15
Dịch bệnh đau mắt đỏ đang bùng phát tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh như: thành phố Cao Lãnh, huyện Cao Lãnh,... Theo bác sĩ Trần Thành Long, Trưởng Khoa Mắt - Bệnh viện Đa khoa Đồng Tháp, bệnh bùng phát nhiều do vào mùa nước nổi, mưa gió nhiều dẫn đến thời tiết ẩm ướt, cuối tháng 9 và đầu tháng 10 năm nay là cao điểm của bệnh. Đáng lưu ý là bệnh này dễ lây lan.
Bệnh nhân điều trị bệnh đau mắt đỏ tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Tháp
Bệnh dễ lây lan
Những ngày gần đây, tại Khoa Mắt - Bệnh viện Đa khoa Đồng Tháp liên tiếp khám và điều trị nhiều bệnh nhân bị đau mắt đỏ. Riêng trong ngày 26/9, trong tổng số 101 bệnh nhân đến khám mắt thì có đến gần 80 bệnh nhân tại nhiều địa phương trong tỉnh mắc phải bệnh đau mắt đỏ. Người bệnh phần nhiều dưới 11 tuổi và trên 50 tuổi. Còn tại Bệnh viện Đa khoa huyện Cao Lãnh, trong ngày 26/9 có 19 ca mắc bệnh. Số bệnh nhân thực tế trong cộng đồng còn cao hơn, vì người bệnh có thể đến khám tại các cơ sở y tế tư nhân hoặc mua thuốc tự điều trị.
Chị Trần Thị Ngọc Loan ngụ ấp 2, xã Bình Hàng Trung, huyện Cao Lãnh cho biết, bé trai 7 tháng tuổi con chị bị mắc bệnh 2 ngày nay, gia đình dùng thuốc nhỏ mắt rửa mắt cho bé nhưng không hết. Gia đình chị có 7 người thì đã có 5 người mắc bệnh đau mắt đỏ trong đợt này.
Nói về đường lây lan của bệnh, bác sĩ Trần Thành Long cho biết, bệnh có thể lây từ người này sang người khác do vi rút gây bệnh, có thể lây qua vật dụng sinh hoạt như do dùng chung khăn và chậu rửa mặt, bệnh nhân dụi mắt và cầm vào các đồ vật sẽ lây cho những người dùng chung đồ vật đó, có thể do tay đụng vào mắt đã bị bệnh sau đó đụng vào mắt người khác hoặc lây qua môi trường bể bơi.
Bệnh cũng có thể lây qua đường nước bọt bằng cách nước mắt tiết ra sẽ thoát qua lệ đạo xuống mũi, họng và khi bệnh nhân nói chuyện, ho hoặc hắt hơi thì vi rút theo nước bọt bắn ra ngoài và lây bệnh cho người khác. Bệnh không lây khi 2 người nhìn nhau.
Triệu chứng và cách phòng, điều trị
Thời gian ủ bệnh khoảng 3 ngày, bệnh nhân có triệu chứng ngứa, chói, cộm, đau nhức và đỏ mắt, đồng thời sợ ánh sáng, chảy nước mắt, khi ngủ dậy 2 mí dính chặt lại khiến bệnh nhân khó mở mắt. Khi khởi bệnh thường một mắt bị viêm trước, vài ngày sau mới đến mắt kia, một số trường hợp có xuất huyết kết mạc, gây đỏ mắt kéo dài, nếu nặng có thể mờ mắt, chảy nước mắt, bệnh gây khó nhìn nhưng không giảm thị lực; bệnh có thể gây cho người bị bệnh sưng hạch và viêm họng. Bệnh thường hết sau 1 đến 2 tuần.
Bệnh rất dễ lây truyền và chưa có thuốc dự phòng, do đó bác sĩ Trần Thành Long cho rằng việc cách ly người bệnh là rất cần thiết. Nếu trong lớp học có học sinh bị bệnh thì nhà trường nên cho em học sinh bệnh nghỉ học về nhà điều trị đến khi khỏe mới đi học lại. Trong quá trình chăm sóc người bệnh, người nhà cần rửa tay, giữ vệ sinh sạch sẽ và không đưa tay dụi mắt dễ dẫn đến lây bệnh.
Để phòng bệnh cần giữ gìn vệ sinh sạch sẽ, người mắc bệnh phần nhiều tập trung vào những người có sức đề kháng yếu nên những người này hạn chế đi nắng, dầm mưa. Để tăng cường sức đề kháng cần có chế độ ăn uống phù hợp và bổ sung các vitamin nhóm B, C. Đối với những người mắc bệnh khi đi ngoài đường nên đeo kính mát để tránh gió, bụi gây ảnh hưởng đến mắt.
Bác sĩ Trần Thành Long cũng khuyến cáo, khi nghi ngờ bị bệnh, bệnh nhân nên đến khám tại các cơ sở khám chữa mắt để có chẩn đoán và phương pháp điều trị hợp lý, tránh tự mua thuốc về nhỏ gây ra biến chứng nguy hiểm, đặc biệt là tuyệt đối không dùng thuốc nam đắp mắt tránh gây nhiễm độc mắt. Khi mắc bệnh, bệnh nhân không tự ý dùng thuốc và nhà thuốc tư nhân cũng không được bán cho bệnh nhân thuốc nhỏ mắt dexacol, polydexa, neodex, tobradex,... mà nên dùng thuốc nhỏ mắt chỉ có kháng sinh không có chất dexa.
Hữu Nghĩa