Tháp Mười chủ động phòng, chống bệnh tay chân miệng và sốt xuất huyết

Cập nhật ngày: 16/09/2013 05:45:26

Hiện nay, tình hình bệnh tay chân miệng (TCM), sốt xuất huyết (SXH) đang diễn biến khá phức tạp trên địa bàn huyện Tháp Mười. Từ đầu năm 2013 đến nay toàn huyện có 253 ca mắc TCM và 106 ca mắc SXH, trong đó có 1 ca TCM tử vong vào tháng 4/2013 tại ấp Phú Mỹ B, xã Mỹ An. So với cùng kỳ năm 2012, số ca mắc TCM tăng 14 ca, SXH giảm 14 ca.


Người dân ấp Mỹ Thạnh, xã Phú Điền phát quang
bụi rậm phòng, chống dịch bệnh

Trước tình hình trên, ngành y tế huyện Tháp Mười đã thực hiện nhiều biện pháp phòng, chống dịch bệnh ở các xã, thị trấn trong huyện. Đối với các xã, thị trấn có số ca mắc nhiều như thị trấn Mỹ An, xã Phú Điền, Trường Xuân, Thanh Mỹ, Mỹ Quý, ngành y tế cử cộng tác viên y tế đến từng nhà tuyên truyền cho người dân biết về bệnh TCM và SXH, mức độ, triệu chứng, diễn biến và cách phòng bệnh để họ biết tự phòng, tránh dịch bệnh. Bên cạnh đó, những nơi đã xảy ra ổ dịch, ngành y tế huyện tổ chức phun xịt hóa chất, vệ sinh môi trường.

Theo Trung tâm Y tế huyện Tháp Mười, thời điểm xảy bệnh TCM và SXH nhiều nhất trong năm từ tháng 3 đến tháng 5 và từ tháng 9 đến tháng 12. Tuy nhiên, đây chỉ là thời gian dự báo, còn hai bệnh này diễn ra hầu như quanh năm. Do điều kiện khí hậu nhiệt đới cộng với người dân ở nông thôn không có thời gian chăm sóc con, vệ sinh môi trường thường xuyên nên nguy cơ dịch bệnh xảy ra rất cao. Đối tượng mắc SXH và TCM chủ yếu là trẻ em, điều kiện lây truyền bệnh là môi trường sinh hoạt tập thể như: nhà trẻ, trường mẫu giáo, các điểm vui chơi tập trung hay những nơi có nhiều ao tù nước đọng...

Bệnh TCM và SXH là 2 bệnh nguy hiểm, đến nay vẫn chưa có thuốc đặc trị, nên việc phòng ngừa, phát hiện bệnh sớm để điều trị kịp thời là quan trọng nhất. Ông Trương Thanh Luật - Bác sĩ chuyên khoa I, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Tháp Mười cho biết: “Sắp tới, huyện sẽ ra quân chiến dịch vệ sinh môi trường vào 2 ngày 18 - 19/9 ở các xã, thị trấn có nguy cơ xuất hiện dịch bệnh. Hiện tại, số ca mắc TCM là 253 ca, SXH 106 ca chỉ là số liệu quản lý, nhưng thực tế có thể nhiều hơn do một số ca người dân đi khám ở các phòng khám tư nhân nên không thể quản lý được.

Do đó để khống chế dịch bệnh, ngành y tế huyện khuyến cáo người dân nên chủ động phòng, chống dịch bệnh bằng cách giữ vệ sinh cho trẻ, rửa tay trước và sau ăn, chăm sóc trẻ kĩ và chú ý vệ sinh môi trường xung quanh nhà ở tránh để nước đọng trong các vật dụng xung quanh nhà ở để hạn chế bệnh TCM và SXH xảy ra.

Mỹ Xuyên

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn