Đảm bảo an toàn thực phẩm, kiểm soát rượu và phòng tránh ngộ độc rượu
Cập nhật ngày: 29/03/2017 17:11:49
ĐTO - Thực phẩm an toàn là nhu cầu thiết yếu và là đòi hỏi chính đáng của mọi người. Vấn đề an toàn thực phẩm (ATTP) hiện đang được Đảng, Nhà nước và toàn xã hội hết sức quan tâm và cần phải có những giải pháp triệt để nhằm đảm bảo cuộc sống hàng ngày.
Rau, thịt, thủy sản là những thực phẩm chủ lực và phổ biến trong bữa ăn hàng ngày của mọi người. Tuy nhiên, những thực thực phẩm này cũng tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ như tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, kim loại nặng trên rau; tồn dư thuốc kháng sinh trên thịt, thủy sản,… Từ đó, khi sử dụng có thể dẫn đến ngộ độc thực phẩm, gây ra các bệnh mãn tính, tiềm ẩn ảnh hưởng trực tiếp và lâu dài tới sức khỏe người tiêu dùng. Gần đây xảy ra nhiều vụ ngộ độc rượu nghiêm trọng dẫn đến tử vong tại một số địa phương gây hoang mang trong xã hội.
Xác định việc đảm bảo ATTP trong tình hình hiện nay là vấn đề quan trọng, tỉnh ta đã tập trung triển khai nhiều giải pháp nhằm đảm bảo ATTP trên địa bàn tỉnh và đã đạt được một số kết quả bước đầu như: thực hiện việc ngăn chặn sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, xử lý nghiêm các trường hợp sản xuất, kinh doanh thực phẩm không đảm bảo an toàn. Công tác thông tin truyền thông về ATTP được đẩy mạnh đã góp phần củng cố niềm tin của người tiêu dùng. Tuy nhiên, tình hình vệ sinh ATTP còn phức tạp, cần tập trung giải quyết một cách cơ bản, tận gốc trong thời gian tới.
Ảnh internet
Với chủ đề của “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” năm 2017 là “Sản xuất kinh doanh và tiêu dùng thực phẩm tươi sống, an toàn; kiểm soát rượu, phòng tránh ngộ độc rượu” sẽ được triển khai thực hiện từ 15/4/2017 đến 15/5/2017. Với những mục tiêu quan trọng là giải quyết căn bản vấn đề xã hội đang bức xúc như việc sử dụng tạp chất hay cồn công nghiệp trong sản xuất rượu, sử dụng chất cấm trong chăn nuôi; đảm bảo ATTP tươi sống (rau, thịt, thủy sản); giảm thiểu rõ nét mức tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trong rau, quả;… nhằm cải thiện niềm tin cho người tiêu dùng. Nâng cao ý thức chấp hành chính sách, pháp luật về ATTP của các tổ chức, cá nhân trong việc sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng rượu, các thực phẩm tươi, sống; giảm thiểu tình trạng lạm dụng rượu. Tăng cường công tác kiểm tra bảo đảm ATTP tại các cơ sở sản xuất, sơ chế, chế biến, nhập khẩu, lưu thông, buôn bán thực phẩm tươi sống, đặc biệt là các cơ sở giết mổ, cơ sở chế biến, cung ứng thực phẩm; kiểm tra việc sản xuất, kinh doanh rượu, đặc biệt là các cơ sở nhỏ lẻ, các làng nghề. Đảm bảo giảm thiểu ngộ độc do tiêu dùng thực phẩm không an toàn nói chung và rượu, thực phẩm tươi sống nói riêng.
Vai trò, trách nhiệm của các cấp chính quyền địa phương, các đoàn thể chính chị - xã hội cần được nâng cao trong việc chỉ đạo, tổ chức thực hiện, phối hợp trong công tác đảm bảo ATTP. Tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức trách nhiệm với cộng đồng của cá nhân, tổ chức sản xuất kinh doanh, người tiêu dùng đối với công tác đảm bảo chất lượng vệ sinh ATTP.
ĐỒNG DAO