Tập đoàn Sao Mai - Một thế giới không khói thuốc

Cập nhật ngày: 24/03/2017 10:58:39

Năm 2009, Sao Mai được xem là tập đoàn kinh tế đầu tiên trong cộng đồng doanh nghiệp nói không với thuốc lá ở bất kỳ nơi đâu, khi phát động chiến dịch “vận động bằng các chế tài” đến tất cả cán bộ, công nhân viên (CBCNV) trong Tập đoàn. Như một mệnh lệnh trái tim xuất phát từ tâm huyết của người đứng đầu để bảo vệ sức khỏe cho hơn 3.000 CBCNV Sao Mai lúc bấy giờ và đã được mọi người đồng loạt hưởng ứng. Vậy là, 8 năm qua, môi trường làm việc trong Tập đoàn đã trở nên “trong lành” hẳn, cho đến bây giờ đã có một tập thể trên 8.000 người làm việc trong môi trường không khói thuốc. Không chỉ ở công sở mà tại tư gia của các CBCNV cũng không khói thuốc. Điều này đã trở thành niềm tự hào và nét văn hóa rất riêng của Sao Mai. Thế mới biết ý chí mãnh liệt và đồng lòng chia sẻ, sẽ cho ta những nghị lực và sáng tạo để làm nên những điều kỳ diệu.


Tập đoàn Sao Mai rạng ngời sức sống tuổi đôi mươi

Tác hại và những hệ lụy đến từ thói quen hút thuốc

Xóa bỏ một thói quen không đáng có của một con người quả là không dễ nhưng phải làm và làm cho bằng được vì thói quen ấy rất có hại cho chính bản thân người ấy nói riêng và cho cả cộng đồng nói chung. Thói quen “Điếu thuốc, miếng trầu mở đầu câu chuyện” đã có lịch sử từ lâu đời. Nó được xem như một mặc nhiên của dân gian được “lưu truyền” cho đến ngày nay. Nhưng ít ai biết được phía sau tập tục đó là cả một hệ lụy rất lớn liên quan đến sức khỏe của con người. Hút thuốc chủ động và thụ động đã cướp đi sinh mạng của gần 6 triệu người/năm. Con số này không dừng lại nếu như cuộc sống vẫn còn tồn tại một thói quen “trên môi phì phèo điếu tẩu vô tư nhả khói” của rất nhiều người. Hút thuốc lá gây nên nhiều loại ung thư, tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch, nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não... 90% số trường hợp ung thư phổi trên thế giới là người hút thuốc trực tiếp và 5% số ca ung thư phổi là gián tiếp.

Theo báo cáo mới nhất của WHO, mỗi năm thuốc lá gây thiệt hại cho nền kinh tế thế giới khoảng 1 nghìn tỷ USD. Riêng Việt Nam chi phí cho hút thuốc tiêu tốn khoảng 8.400 tỷ đồng/năm. Không chỉ có bấy nhiêu, chi phí y tế để khám và điều trị các bệnh liên quan do hút thuốc gây ra thì còn cao gấp nhiều lần. Thực tế đã cho thấy, mặc dù, ngành công nghiệp thuốc lá có những đóng góp cho ngân sách của Quốc gia, nhưng phần đóng góp đó không đáng kể để bù đắp những tổn thất kinh tế và sức khỏe khủng khiếp cho xã hội do sử dụng thuốc lá gây ra. Những tổn thất này bao gồm chi tiêu cho hút thuốc, chi cho khám, điều trị bệnh liên quan đến hút thuốc, mất khả năng lao động vì bệnh tật và tử vong sớm, tổn thất do cháy nổ, hủy hoại môi trường làm việc nói riêng, môi trường sống nói chung. Thậm chí, thuốc lá còn len lỏi vào thế giới thần tiên của các cháu thiếu nhi để đe dọa sự phát triển, tương lai của trẻ em.

Sao Mai nói không với khói thuốc

“CBCNV nam của Sao Mai sẽ phải chi ít nhất hơn 20 tỷ đồng/năm để mua thuốc lá và cộng thêm 20% của con số trên để chi phí cho khám và điều trị bệnh do hút thuốc gây ra. Đấy là chúng tôi lấy con số tối thiểu nếu như Tập đoàn không phát động chiến dịch “Nói không với thuốc lá”. Như vậy, 8 năm qua, CBCNV Sao Mai đã tiết kiệm được vài trăm tỷ đồng để đóng góp vào sự nghiệp phát triển Tập đoàn. Sao Mai có được tầm vóc như ngày nay cũng từ những cách làm như vậy”- một thành viên của Ban Tổng Giám đốc bật mí. Đó là những lợi ích hữu hình, còn những giá trị vô hình khác mà ít ai thống kê được từ việc không khói thuốc trong Sao Mai:

- Bảo vệ sức khỏe - tăng năng suất và hiệu quả làm việc.

- Môi trường làm việc trong lành - đảm bảo chất lượng hàng hóa.

- Nâng cao ý thức và tác phong làm việc của người lao động trong thế giới hội nhập.

- Phòng, chống cháy nổ; bảo vệ sinh mạng con người do hệ lụy của thuốc lá gây ra.

- Điều quan trọng là giúp người lao động biết thượng tôn pháp luật khi chính họ tự điều chỉnh hành vi chấp hành qui tắc làm việc nơi công sở.

Thoạt nhìn, có vẻ như quá dễ thực hiện nhưng hoàn toàn không đơn giản vì có nhiều doanh nghiệp, quốc gia muốn thực hiện song mấy nơi đã làm được? Tập đoàn Sao Mai được xem là một nhân tố điển hình. Để chiến dịch đi vào cuộc sống, ăn sâu vào trong ý thức của người lao động là cả một quá trình. Ban đầu việc thuyết phục nhân viên không hút thuốc lá cũng đã rất vất vả. Thậm chí, không loại trừ áp dụng triệt để các hình thức xử phạt khá mạnh tay. Nhưng cái cốt lõi vẫn là giúp họ nhận thức được tác động tiêu cực đến “hầu bao của gia đình” và sức khỏe, tính mạng cho chính các thành viên của gia đình và bản thân họ. Các chế tài về kinh tế và liệu pháp về tinh thần mà trước hết Sao Mai áp dụng cho các cán bộ cao cấp của họ, rồi xuống dần tới cơ sở một cách khoa học và kiên quyết. Nhờ vậy mà tất cả CBCNV trong Tập đoàn của họ không còn hút thuốc. Những người nghiện thuốc thì sức khỏe cải thiện rõ rệt, có thái độ tích cực hơn trong công việc. Được hỏi làm sao để phân biệt được ai hút ai không, Chủ tịch Tập đoàn Sao Mai cười và trả lời: “Nhìn vào nước da và cái môi của anh thì tôi sẽ biết anh có hút thuốc lá hay không”.

Với rất nhiều nơi, không khói thuốc trong công sở - nhà xưởng là chuyện rất mới - lạ, nhưng riêng với Sao Mai thì đây là hình ảnh mặc nhiên, thường nhật. Tập đoàn Sao Mai - Thế giới không khói thuốc đã thể hiện rõ tính kỷ cương của người lao động. Họ biết tôn trọng giá trị bản thân mình và giá trị của người xung quanh. “Mọi sự tự nguyện bắt đầu từ sự bắt buộc, ngẫm ra cũng đúng khi Sao Mai đã thực hiện. Người Sao Mai tự nguyện nói không với khói thuốc khởi sự từ “chiến dịch vận động bằng các chế tài”.

Sự kiên trì và cách ứng xử hợp tình hợp lý nên Sao Mai trở thành doanh nghiệp tiên phong trong thực hiện tốt phòng, chống thuốc lá, từ đó kiến tạo nên một môi trường công sở trong sạch, lành mạnh, góp phần nâng cao đời sống người lao động ngày một tốt hơn.

Trần Kiệt

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn