Dấu hiệu nhận biết bệnh tim mạch và cách phòng ngừa
Cập nhật ngày: 27/09/2021 09:09:17
Bệnh tim mạch là do các rối loạn của tim và mạch máu; là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong trên toàn cầu, chiếm tới 31% tổng số ca tử vong.
Bệnh tim mạch do nhiều nguyên nhân gây ra, đặc biệt là liên quan đến các thói quen sinh hoạt hàng ngày như: hút thuốc lá; chế độ ăn uống nhiều muối, chất béo và cholesterol; ít hoạt động thể lực; thừa cân, béo phì...
Rau, củ, trái cây là những loại thực phẩm tốt cho tim của bản (Ảnh: Internet)
Các bệnh tim mạch thường gặp ở người cao tuổi: tăng huyết áp; bệnh mạch vành (bệnh tim thiếu máu cục bộ, nhồi máu cơ tim); đột quỵ (tai biến mạch máu não); xơ vữa động mạch; rối loạn nhịp tim; suy tim; bệnh lý van tim...
Các bệnh lý tim mạch ở người cao tuổi thường diễn tiến lặng lẽ không triệu chứng tăng dần và chỉ được phát hiện khi có ảnh hưởng rõ rệt đến khả năng lao động, sinh hoạt của người bệnh hoặc có biểu hiện của các biến chứng hoặc các biến cố tim mạch (cơn đau thắt ngực, đột quỵ,...) gây nặng nề hơn là tử vong trước khi được chẩn đoán và điều trị.
Các bệnh lý tim mạch ở người cao tuổi có thể dẫn đến các di chứng nặng nề ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh như: giảm hoặc mất khả năng vận động dẫn đến không tự chăm sóc bản thân; suy giảm nhận thức, sa sút trí tuệ; giảm ngưỡng gắng sức trong sinh hoạt hằng ngày; các bệnh lý tim mạch có thể dẫn đến tổn thương các bệnh lý khác như: võng mạc gây giảm thị giác, mù, gây suy thận,... góp phần làm giảm chất lượng cuộc sống và tăng gánh nặng điều trị cho bệnh nhân.
Khi bị mắc phải các căn bệnh về tim mạch thì người cao tuổi cần nên lưu ý những điều gì để cải thiện tình trạng bệnh lí, sức khỏe của mình?
Thực hiện chế độ ăn uống hợp lý, khỏe cho tim: ăn lạt, giảm muối; ăn giảm béo, ít cholesterol, nên chọn ăn dầu thực vật, nên ăn cá, thịt nạc, gà, vịt bỏ da; hạn chế ăn thức ăn chế biến sẵn, đóng hộp; bổ sung đầy đủ chất xơ, rau xanh, Vitamin, chất khoáng; uống đủ nước theo nhu cầu, hạn chế nước uống nhiều đường, có ga.
Thực hiện chế độ luyện tập phù hợp, tập thể dục hàng ngày 30 phút, lựa chọn hình thức thể dục phù hợp với sức khỏe của mỗi người: đi bộ, tập dưỡng sinh, chạy xe đạp, làm vườn, nấu ăn, đi chợ...
Nếu cảm thấy: đau ngực, đau lưng, đau vai, hoa mắt, chóng mặt, buồn nôn, khó thở, mệt, nhịp tim đập nhanh hoặc đập chậm... hoặc khi bạn thấy bạn bị nói ngắt quãng khi đang tập thể dục nên ngừng tập thể dục.
Điều chỉnh các thói quen sinh hoạt hàng ngày và kiểm soát các bệnh lý đi kèm: bỏ thuốc lá, hạn chế rượu bia, làm việc và nghỉ ngơi hợp lý, tránh căng thẳng, giận dữ, luôn giữ ấm cơ thể, tránh lạnh đột ngột, kiểm soát tốt huyết áp, đường huyết, mỡ máu.
Thuốc điều trị: uống thuốc theo đúng hướng dẫn của bác sĩ và tái khám theo lịch hẹn. Tuy nhiên, trong quá trình điều trị, nếu cơ thể thấy có dấu hiệu không khỏe nên liên hệ với bác sỹ điều trị hoặc đến cơ sở y tế gần nhất để được khám lại; không được tự bỏ thuốc khi thấy bệnh ổn định.
Để có thể phòng ngừa các căn bệnh về tim mạch thì người cao tuổi cần nên thực hiện những điều gì?
Thực hiện lối sống lành mạnh: không hút thuốc lá, thuốc lào; hạn chế rượu bia, nước giải khát có ga, nhiều đường; ăn giảm muối; hạn chế ăn mỡ động vật và thức ăn có nhiều Cholesterol, nên chọn ăn cá, thịt nạc, dầu thực vật; hạn chế ăn thức ăn chế biến sẵn, thức ăn nhanh; bổ sung đầy đủ chất xơ, rau xanh, Vitamin, chất khoáng; uống đủ nước; làm việc và nghỉ ngơi hợp lý, tránh căng thẳng, giận dữ; tập thể dục hàng ngày 30 phút, lựa chọn hình thức thể dục phù hợp với sức khỏe của mỗi người: đi bộ, tập dưỡng sinh, chạy xe đạp, bơi lội...; hạn chế thừa cân, béo phì; luôn giữ ấm cơ thể, tránh lạnh đột ngột.
Đồng thời kiểm soát tốt huyết áp, đường huyết, Cholesterol máu; khám sức khỏe định kỳ 6 tháng – 12 tháng/lần.
BS.Lan Trinh (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh)