Dinh dưỡng cho mẹ bầu 3 tháng đầu tiên

Cập nhật ngày: 16/09/2023 05:38:45

ĐTO - 3 tháng đầu tiên trong thai kỳ là cực kỳ quan trọng đối với mỗi người phụ nữ khi mang thai, thời gian này quyết định hầu hết mọi mặt sức khỏe của người mẹ và cả sự phát triển của thai nhi. Đây là giai đoạn cơ thể người mẹ có nhiều sự thay đổi, sức đề kháng suy giảm làm tăng khả năng nhiễm bệnh.


Hình ảnh minh hoạ

Để bảo đảm sức khỏe tốt cho bản thân và thai nhi, thai phụ nên thực hiện một chế độ ăn lành mạnh, nhiều trái cây, rau quả, các dạng protein ít chất béo và chất xơ, đầy đủ dinh dưỡng; chú ý ăn đủ calo (nhiều hơn bình thường khoảng 300 calo); uống đủ nước, bổ sung vitamin theo hướng dẫn của bác sĩ. Thường xuyên tập luyện, vận động phù hợp; giữ tinh thần luôn vui vẻ, thoải mái.

Món ăn bổ dưỡng cho bà bầu trong 3 tháng đầu của thai kỳ

- Cháo gà: thịt gà chứa lượng lớn protein, sắt, kẽm và chất vi lượng tốt cho mẹ và bé. Mẹ bầu có thể nấu cháo gà nấm hương, cà rốt... giúp tăng khẩu vị, dễ ăn hơn.

- Cháo cá: cháo cá hồi, cá chép... cung cấp omega 3, lượng lớn chất đạm cho cơ thể.

- Súp lơ xanh xào, là loại thực phẩm bổ sung cho cơ thể các loại vitamin A, B, C, D, canxi, sắt, folate, chất xơ. Súp lơ xanh có thể xào với thịt heo, thịt bò.

- Các loại sinh tố nước ép: mẹ bầu 3 tháng đầu cần bổ sung các loại sinh tố nước ép như: sinh tố xoài, chuối, bơ, dâu, nước ép cam, táo. Bởi vì sinh tố trái cây giàu vitamin C, D, sắt... tốt cho sức khỏe của mẹ và bé.

Tuy nhiên, cũng có những thực phẩm mẹ bầu nên tránh, đặc biệt là trong 3 tháng đầu thai kỳ

Hải sản chứa thủy ngân: thủy ngân là một kim loại có thể làm chậm sự phát triển của trẻ, gây tổn thương não và ảnh hưởng đến thính giác và thị giác của trẻ, nên tránh ăn các loại cá như: cá kiếm, cá ngừ mắt to, cá thu vua,...

Thực phẩm sống hoặc nấu chưa chín: có nguy cơ nhiễm các loại vi khuẩn gây ngộ độc như: toxoplasmosis, Salmonella hoặc listeria,... khiến mẹ bầu mất nước do tiêu chảy hoặc ói mửa, ảnh hưởng tới cả em bé mới hình thành.

Sữa chưa tiệt trùng và các sản phẩm từ sữa như phô mai có thể chứa vi khuẩn như listeria gây ngộ độc thực phẩm. Điều này có thể ảnh hưởng đến mẹ và thai nhi, thậm chí có thể dẫn đến sẩy thai hoặc thai chết lưu. Hãy kiểm tra nhãn để đảm bảo rằng sản phẩm bạn mua đã được thanh trùng.

Rau hoặc trái cây chưa rửa kỹ: rau và trái cây là một phần thiết yếu trong chế độ dinh dưỡng của mẹ bầu. Chính vì vậy cần đảm bảo rằng chúng được rửa sạch sẽ trước khi ăn. Tuyệt đối không nên ăn salad đóng gói sẵn, salad tự chọn hoặc ở các quán salad vì chúng có thể bị nhiễm vi khuẩn listeria.

 Uống quá nhiều cà phê: mặc dù lượng caffeine vừa phải được cho phép trong thời kỳ mang thai, nhưng lượng caffeine cao có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng lượng caffeine dư thừa có thể làm tăng nguy cơ sẩy thai.

Thức uống có cồn: phụ nữ mang thai và cho con bú nên kiêng uống rượu, bia trong suốt thời gian thai kỳ và cho bé bú. Tiêu thụ cồn có thể ảnh hưởng tới sự phát triển của em bé và dẫn đến hội chứng nghiện rượu ở thai nhi. Vì vậy, mẹ bầu cần kiêng tuyệt đối rượu trong suốt thai kỳ.

Vitamin A: trong 3 tháng đầu tiên của thai kỳ, bà mẹ tuyệt đối không bổ sung vitamin A và tránh tiêu thụ các thực phẩm giàu vitamin A. Hàm lượng vitamin A cao có thể gây độc cho em bé và gây dị tật bẩm sinh do gan của bé vẫn chưa phát triển đầy đủ và không thể xử lý nhiều vitamin A.

Mỹ Hạnh - CDC Đồng Tháp

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn