Gian nan đời chạy thận

Cập nhật ngày: 06/01/2024 05:03:29

http://baodongthap.com.vn/database/video/20240106050512dt3-1.mp3

 

ĐTO - Người mắc bệnh suy thận mạn (STM) đang từng ngày chống chọi với bệnh tật, nhiều bệnh nhân rơi vào hoàn cảnh vô cùng khắc nghiệt.


Bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Sa Đéc kiểm tra quá trình chạy thận nhân tạo của bệnh nhân

NHỮNG PHẬN ĐỜI SỐNG NHỜ MÁY

Cuộc sống của bệnh nhân STM rất khắc nghiệt, do thận không còn chức năng bài tiết, chất thải sẽ tích tụ lại trong cơ thể, từ đó dẫn đến tổn thương các cơ quan khác như: tim, phổi, thần kinh, tiêu hóa... và thậm chí có thể gây tử vong. Do vậy, để duy trì sự sống không còn cách nào khác là chạy thận nhân tạo (CTNT) hoặc ghép thận.

Đơn vị Thận nhân tạo, Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) Sa Đéc mỗi lần CTNT cho khoảng 40 bệnh nhân, từ 20 tuổi cho đến ngoài 60 tuổi. Các bệnh nhân đến từ nhiều địa phương khác nhau, ở độ tuổi khác nhau, hoàn cảnh kinh tế khác nhau, nhưng đều có một điểm chung là... sống nhờ máy. Bệnh nhân Ngô Minh Trí (ngụ xã Tân Phú Trung, huyện Châu Thành) chỉ mới 29 tuổi nhưng có 6 năm đến bệnh viện để CTNT. Trước đây, anh Trí làm tài xế, khi có triệu chứng chán ăn, mệt mỏi, anh đến bác sĩ khám và biết mình bị suy thận giai đoạn đầu. Thời gian sau, bệnh ngày một nặng, nhưng hiện anh phải lọc máu theo chu kỳ. “Hiện mỗi tuần, tôi CTNT 3 lần vào các ngày thứ 3,5,7. Gia đình chỉ làm nông, hoàn cảnh khó khăn, chi phí đi lại để chạy thận mỗi tháng trên 2 triệu đồng. Từ khi chạy thận, tôi không còn làm việc được nữa”, Minh Trí chia sẻ. Bị STM và CTNT, chị Phạm Thị Mỹ Hộp (36 tuổi) ngụ xã Long Hưng B, huyện Lấp Vò, kể: “Em bị bệnh cách đây 8 năm, cuộc sống gia đình khó khăn, chồng mất, một mình em đi làm nuôi 2 con nhỏ. Từ ngày bị bệnh, công việc không còn làm nhiều như trước, bữa nào chạy thận về mệt quá thì nghỉ làm, hôm sau khỏe hơn lại đi làm”.

Cũng bị bệnh STM giai đoạn cuối, hoàn cảnh của anh Nguyễn Hồng Kỳ (35 tuổi) ngụ xã Tân Mỹ, huyện Thanh Bình gặp rất nhiều khó khăn, do lịch chạy thận được bố trí 3 lần/tuần, nhà ở xa, chi phí đi lại tốn kém nên anh chọn cách thuê phòng trọ để ở, chờ tới chu kỳ vào BVĐK Đồng Tháp CTNT. Ngoài giờ chạy thận, anh đi bán vé số kiếm tiền lo chi phí sinh hoạt. Anh Hồng Kỳ bộc bạch: “Trước đây, tôi đi làm ở Bình Dương, ban đầu bị sốt, mệt mỏi, nên vào bệnh viện khám, bác sĩ chẩn đoán bị STM. Lúc đầu chưa đăng ký được máy chạy thận định kì, tối phải vô Bệnh viện Tâm Trí chạy cấp cứu, 2 tháng sau mới được BVĐK Đồng Tháp tiếp nhận CTNT định kì cho đến nay được gần 8 năm. Hiện mỗi tuần chạy 3 lần, vào ngày thứ 2,4,6. Tôi đang ở trọ tại TP Cao Lãnh để CTNT và đi bán vé số kiếm tiền trang trải cuộc sống”.

Trên đây chỉ là một số trường hợp bệnh nhân đang CTNT tại các cơ sở y tế, bệnh viện trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp, đa phần các bệnh nhân bị STM kinh tế đều khó khăn.


Bệnh viện Đa khoa Đồng Tháp tăng lịch chạy thận lên 3 ca/ngày nhưng vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu chạy thận cho bệnh nhân

TỪNG BƯỚC THÁO GỠ KHÓ KHĂN

Theo thống kê của Sở Y tế Đồng Tháp, số lượng bệnh nhân có nhu cầu CTNT ngày càng tăng với hơn 1.331 bệnh nhân. Tuy nhiên, ngành y tế tỉnh hiện chỉ đáp ứng được khoảng 50% nhu cầu của bệnh nhân. Tại Đơn vị Thận nhân tạo, BVĐK Đồng Tháp hoạt động liên tục từ thứ 2 đến thứ 7 hàng tuần, lịch lọc máu gần như dày đặc, mỗi ngày có 3 ê-kíp CTNT. Đây là thách thức rất lớn trong đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân trên địa bàn.

Bác sĩ CKII Bùi Ngọc Thành - Trưởng Khoa Hồi sức tích cực - chống độc, BVĐK Đồng Tháp, chia sẻ: “BVĐK Đồng Tháp đang chạy thận định kỳ cho 152 bệnh nhân. Bên cạnh đó vẫn còn có 140 bệnh nhân đang chờ máy chạy thận, nên hiện giờ chỉ đáp ứng được khoảng 50% bệnh nhân. Ngoài ra, mỗi ngày còn có hàng chục bệnh nhân mới chạy cấp cứu. Bệnh viện hiện có 30 giường bệnh, với 28 máy đang hoạt động, chia làm 3 ca trực chạy thận từ 7 giờ đến 20 giờ. Để chống quá tải, bệnh viện đã đề nghị mua thêm máy”.

Tại BVĐK Sa Đéc cũng đang quá tải bệnh nhân chạy thận, bác sĩ CKII Ngô Văn Thuyền - Phó Giám đốc BVĐK Sa Đéc, cho biết: “Đơn vị Thận nhân tạo bệnh viện chỉ có 40 giường bệnh, 2 hệ thống RO cấp nước cho máy chạy thận; triển khai chạy thận mỗi tuần 6 ngày, mỗi ngày 2 - 3 ca cho tổng số 186 bệnh nhân. Đơn vị Thận nhân tạo bệnh viện mới chỉ đáp ứng được khoảng 10% nhu cầu CTNT của bệnh nhân có địa chỉ tại TP Sa Đéc và các huyện phía Nam sông Tiền, do đó, bệnh viện cần được đầu tư thêm máy để người dân địa phương không phải vượt tuyến đi xa và đỡ tốn chi phí đi lại”.

Toàn tỉnh Đồng Tháp hiện có 7 đơn vị đủ điều kiện CTNT gồm: BVĐK Đồng Tháp, BVĐK Sa Đéc, BVĐK khu vực Hồng Ngự, BVĐK khu vực Tháp Mười, Bệnh viện Quân - Dân Y, Trung tâm Y tế huyện Lấp Vò và Bệnh viện Tâm Trí Đồng Tháp, với tổng số 144 máy lọc thận. Các đơn vị chỉ đáp ứng CTNT cho 685 bệnh nhân trong tổng số bệnh nhân mắc bệnh hiện có là 1.331 cần CTNT. Do đó, có những đơn vị phải tổ chức chạy 3 ca/ngày nhưng vẫn chưa đáp ứng đủ cho nhu cầu chạy thận ngày càng lớn như hiện nay.

Bên cạnh khó khăn về cơ sở vật chất, giường bệnh, máy CTNT và thiết bị y tế... thì khó khăn về nhân sự y tế, bác sĩ chuyên khoa trong lĩnh vực CTNT cũng là một thách thức lớn. Theo Sở Y tế Đồng Tháp, bác sĩ chuyên khoa trong lĩnh vực này hiện chỉ có 14 bác sĩ, 47 điều dưỡng có chứng chỉ đào tạo chuyên môn sâu về các dịch vụ kỹ thuật bệnh lý thận - tiết niệu.

Cùng với những khó khăn nêu trên, chi phí điều trị cho các bệnh nhân STM khá cao, chưa kể các khoản bệnh nhân tự chi trả, nên bệnh nhân gặp rất nhiều khó khăn. Do vậy, nhiều bệnh nhân mong muốn, Nhà nước có chính sách riêng để tạo điều kiện cho những bệnh nhân STM, bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo...

Bác sĩ Lê Hoàng Hiếu - Phó trưởng Khoa Hồi sức tích cực chống độc, BVĐK Sa Đéc, cho biết: “Bệnh STM giai đoạn cuối rất nghiêm trọng, thường phát hiện là giai đoạn 4 - 5 sẽ rất khó khăn trong điều trị. Giai đoạn này, chức năng thận đã mất đi trên 90% nên hầu như bệnh nhân không còn loại bỏ được lượng muối, nước dư thừa, nếu kéo dài thời gian, bệnh nhân sẽ dẫn đến nguy cơ suy tim, phù phổi, có thể dẫn đến tử vong. Do đó, những bệnh nhân STM phải được chẩn đoán và điều trị kịp thời”.

Trước thực trạng quá tải bệnh nhân CTNT, ngành y tế tỉnh đã có chủ trương thành lập Đề án mở rộng thêm các đơn vị thận nhân tạo để đáp ứng lượng bệnh nhân cần chạy thận đang đợi tiếp nhận; đầu tư hệ thống máy CTNT. Ngoài ra, Sở Y tế chỉ đạo các đơn vị CTNT cần tăng cường thêm nhân lực bố trí ca kíp đủ để phục vụ bệnh nhân; tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng nhân sự; tiếp tục nghiên cứu giải pháp CTNT, giúp bệnh nhân được tiếp cận với kỹ thuật cao, đỡ chi phí đi lại. Bên cạnh đó, ngành y tế vận động nguồn lực tài chính từ ngân sách, từ nguồn xã hội hóa để nâng cấp hệ thống thận nhân tạo trong thời gian tới.

Một số bệnh viện đã chủ động xây dựng Đề án liên doanh liên kết đặt thêm máy CTNT để chạy thận cho bệnh nhân. Hình thức thực hiện là liên kết với y tế ngoài công lập triển khai kỹ thuật CTNT và tiếp tục đẩy mạnh công tác xã hội hóa y tế, đầu tư phát triển thêm nhiều máy móc kỹ thuật cao phục vụ tốt hơn cho bệnh nhân CTNT. Bác sĩ CKII Ngô Văn Thuyền - Phó Giám đốc BVĐK Sa Đéc, cho biết: “Bệnh viện đang trình xin chủ trương các cấp có thẩm quyền về Đề án liên doanh liên kết đặt thêm 20 máy CTNT để chạy cho khoảng 80 bệnh nhân. Hy vọng việc đầu tư nguồn lực như trên sẽ cơ bản giải quyết được tình trạng quá tải bệnh nhân có nhu cầu CTNT hiện nay”.

SÔNG NGÂN

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn