Hóc xương cá ở trẻ và cách phòng tránh
Cập nhật ngày: 25/12/2023 13:26:37
ĐTO - Tại các cơ sở y tế, hằng ngày, có nhiều trường hợp đến khám vì nghi ngờ hóc xương cá, thường gặp nhất là trẻ em. Đa phần các trường hợp do trẻ nuốt vội cơm lẫn với cá chưa được loại bỏ xương hoàn toàn nên dễ dẫn đến hóc xương.
Bác sĩ kiểm tra tình trạng trẻ bị hóc xương cá
Biểu hiện của trẻ nghi bị hóc xương
Thường gặp nhất là trong quá trình trẻ ăn cơm với cá, sau đó có đau họng, khó uống, khó nuốt, nuốt đau hoặc một số ít trường hợp trẻ sẽ bị chảy nước bọt do không nuốt được vì đau, hiếm hơn là trẻ bị khàn tiếng hoặc tắt tiếng do xương hóc vào thanh quản. Đặc biệt, triệu chứng đau họng khi hóc xương cá là cảm giác đau liên tục, tăng lên khi nuốt, khiến trẻ khó chịu, bứt rứt, quấy khóc.
Hóc xương là tai nạn sinh hoạt khá thường gặp, tuy nhiên có thể xử lý đơn giản nếu đến khám sớm để lấy dị vật qua nội soi họng, hoặc nội soi thực quản, dạ dày. Khi trẻ có biểu hiện nghi ngờ hóc xương cá, phụ huynh cần đưa trẻ đến ngay các cơ sở y tế để được kiểm tra kịp thời và có hướng điều trị thích hợp, không nên tự ý chữa mẹo theo dân gian hoặc ăn miếng thức ăn to để xương trôi xuống dưới vì xương cá càng di chuyển sâu hơn xuống dưới, càng khó xử lý qua nội soi và có nguy cơ biến chứng nặng nếu xương cá chọc thủng đường tiêu hóa.
Thủng đường tiêu hóa là biến chứng hiếm gặp, tuy nhiên, đây là biến chứng nặng, nguy cơ tử vong cao nếu không được phát hiện kịp thời. Xương cá sau khi nuốt vào có thể mắc kẹt tại bất kỳ vị trí nào trong đường tiêu hóa và gây những tổn thương khác nhau tùy vào từng vị trí từ thực quản đến hậu môn.
Để phòng ngừa trẻ em bị hóc xương cá
Cá là một loại thực phẩm rất giàu dinh dưỡng, giúp cung cấp đạm và có một số vitamin rất cần thiết cho sự tăng trưởng và phát triển của trẻ. Vì vậy, trong khẩu phần ăn hàng ngày, cá là món không thể thiếu. Để trẻ có được bữa ăn đầy đủ chất dinh dưỡng cũng như phòng tránh các tai nạn đáng tiếc gây ra do hóc xương cá, các bậc phụ huynh cần chú ý:
Nên lựa chọn những loại cá lớn thịt nhiều, xương ít, hoặc loại cá có xương lớn dễ bóc cho khẩu phần ăn của trẻ.
Khi bóc xương cá cho trẻ nên cẩn thận kiểm tra lại một lần nữa trước khi cho trẻ ăn.
Với trẻ em lớn, cần giáo dục trẻ về mức độ nguy hiểm của hóc xương cá cũng như hướng dẫn cho trẻ cách ăn cá để không bị hóc xương như: nhai kĩ thức ăn, phát hiện vẫn còn xương thì cho ra ngoài không nuốt vội xuống... Với trẻ nhỏ, phụ huynh tuyệt đối không để trẻ ăn cơm với cá một mình, khi chưa bóc hết xương.
Khi trẻ có biểu hiện đau họng nên đưa trẻ đến khám bác sĩ, không tự ý mua thuốc uống vì có thể là một tình huống hóc xương không điển hình mà chúng ta không nhận biết được.
Mỹ Hạnh CDC Đồng Tháp