Những điểm đáng chú ý về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế

Cập nhật ngày: 25/10/2020 05:37:06

Từ ngày 15/11, hút thuốc lá (HTL) tại địa điểm có quy định cấm có thể bị phạt tới 500.000 đồng

Nghị định số 117 ngày 28/9/2020 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế, có hiệu lực từ ngày 15/11/2020. Cụ thể, tại Khoản 1 Điều 25 quy định phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 - 500.000 đồng đối với hành vi HTL tại địa điểm có quy định cấm.


Hút thuốc lá tại địa điểm có quy định cấm có thể bị phạt tới 500.000 đồng

Trường hợp HTL trên máy bay thực hiện theo quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng không dân dụng. Ngoài ra, một số hành vi vi phạm khác về địa điểm cấm HTL bị xử phạt: Phạt tiền 3 - 5 triệu đồng đối với một trong các hành vi không có chữ hoặc biểu tượng cấm HTL tại địa điểm cấm HTL theo quy định của pháp luật; không tổ chức thực hiện, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện đúng quy định về cấm HTL tại địa điểm thuộc quyền quản lý, điều hành.

Quy định mới cũng phạt tiền từ 5 - 10 triệu đồng đối với một trong các hành vi tại nơi dành riêng cho người HTL như: không có phòng và hệ thống thông khí tách biệt với khu vực không HTL; không có dụng cụ chứa mẫu, tàn thuốc lá; không có biển báo tại vị trí phù hợp, dễ quan sát; không có thiết bị phòng cháy, chữa cháy.

Ngoài ra, theo Điều 11 của Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá năm 2012, có 4 địa điểm cấm HTL hoàn toàn trong nhà và trong phạm vi khuôn viên là: bệnh viện, trạm y tế; trường học, trừ trường cao đẳng, học viện; nơi chăm sóc, nuôi dưỡng vui chơi, giải trí dành riêng cho trẻ em; khu vực có nguy cơ cháy, nổ cao. 3 địa điểm cấm HTL hoàn toàn trong nhà: cơ quan, công sở, nơi làm việc; trường cao đẳng, đại học, học viện; địa điểm công cộng.

Phạt đến 30 triệu đồng khi tiếp thị thuốc lá trực tiếp

Khoản 4 Điều 29 Nghị định 117 quy định phạt tiền từ 20 - 30 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau đây: tiếp thị thuốc lá trực tiếp tới người tiêu dùng dưới mọi hình thức; để cho tổ chức, cá nhân tiếp thị thuốc lá trực tiếp tới người tiêu dùng tại cơ sở thuộc quyền quản lý, điều hành; sử dụng tên, nhãn hiệu và biểu tượng của sản phẩm thuốc lá với sản phẩm, dịch vụ khác; chậm nộp khoản đóng góp bắt buộc theo quy định pháp luật; khai sai dẫn đến nộp thiếu khoản đóng góp bắt buộc theo quy định pháp luật; sử dụng kinh phí hỗ trợ của Quỹ phòng, chống tác hại của thuốc lá không đúng quy định pháp luật; doanh nghiệp, các phương tiện thông tin đại chúng đưa tin, thông báo về việc tài trợ của tổ chức, cá nhân kinh doanh thuốc lá. Chủ các quán cà phê, quán nhậu... để nhân viên tiếp thị thuốc lá tại cơ sở kinh doanh của mình cũng bị xử phạt.

K.N

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn