Phòng, chống thừa cân, béo phì
Cập nhật ngày: 16/10/2017 10:27:39
Người bị thừa cân, béo phì ngoài thân hình phì nộn nặng nề, khó coi... còn có nguy cơ mắc nhiều bệnh không lây nhiễm như các bệnh lý tim mạch: tăng huyết áp, đột quỵ nhồi máu cơ tim...
Người bị béo phì có nguy cơ đột quỵ tăng gấp 6 lần và nguy cơ mắc bệnh động mạch vành tăng gấp 4 lần so với người có trọng lượng bình thường. Người thừa cân còn có nguy cơ mắc các bệnh về xương khớp hoặc một số bệnh ung thư: ung thư túi mật, ung thư vú, ung thư tử cung; đái tháo đường tuýp 2; bệnh Gout...
Ở phụ nữ béo phì thường bị rối loạn kinh nguyệt, buồng trứng đa nang, khó có thai, nguy cơ vô sinh cao. Nếu có thai nguy cơ đẻ khó, con dễ bị rối loạn chuyển hóa. Nam giới béo phì thường yếu sinh lý, nguy cơ vô sinh.
Nguy cơ mắc bệnh và nguy cơ tử vong càng cao khi chỉ số BMI càng lớn. Thừa cân và béo phì là nguy cơ tử vong thứ năm trên toàn cầu. Có ít nhất 2,8 triệu người tử vong mỗi năm do thừa cân hoặc béo phì. Ngoài ra, 44% gánh nặng bệnh tật do tiểu đường, 23% gánh nặng bệnh tật do tim thiếu máu cục bộ và 7-41% gánh nặng ung thư do thừa cân và béo phì.
Nguyên nhân của thừa cân, béo phì
Nguyên nhân cơ bản của thừa cân, béo phì do chế độ ăn, uống thiếu khoa học, ăn những thực phẩm giàu năng lượng, nhiều chất béo... làm tăng năng lượng dư thừa trong cơ thể, dẫn đến tăng cân nặng. Bên cạnh đó một số thói quen khác như bỏ bữa sáng, ăn quá nhiều cơm, tinh bột vào buổi tối, ăn nhiều bánh kẹo, thức ăn nhanh, uống nhiều nước ngọt có gas, hoặc ăn quá mặn...cũng làm tăng nguy cơ thừa cân, béo phì.
Bên cạnh đó, do lối sống ít hoạt động thể lực cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến nguy cơ thừa cân, béo phì...
Những giải pháp phòng, chống thừa cân, béo phì
Hai yếu tố làm giảm tỷ lệ thừa cân, béo phì một cách hiệu quả cần được quan tâm là chế độ dinh dưỡng và các hoạt động thể lực. Đối với mỗi cá nhân, để chủ động phòng thừa cân, béo phì thì cần thực hiện những khuyến nghị sau: thực hiện chế độ dinh dưỡng hợp lý, cân đối giúp kiểm soát tốt lượng năng lượng đưa vào cơ thể; giảm năng lượng ăn vào bằng cách: ăn bớt cơm; hạn chế ăn thực phẩm có nhiều đường (đường mật, mứt, kẹo, bánh ngọt, socôla, nước ngọt,...) và nhiều muối (thức ăn nhanh, thịt hộp, xúc xích, mì ăn liền...); hạn chế ăn các loại chất béo, nhất là chất béo bão hòa (bơ, mỡ, thịt ba chỉ, thịt mỡ,...).
Tăng cường thực phẩm chứa nhiều chất xơ: rau, củ, trái cây; nên ăn các món luộc, hấp, rau củ trộn salad, nấu canh, làm gỏi, hạn chế các món chiên, xào; uống đủ lượng nước mỗi ngày và hạn chế các loại đồ uống có cồn; tạo thói quen ăn uống một cách khoa học; không nên ăn muộn và buổi tối trước khi đi ngủ.
Bên cạnh chế độ ăn hợp lý, nên tăng cường hoạt động thể lực để làm tiêu hao năng lượng dư thừa (60 phút mỗi ngày cho trẻ em và 150 phút mỗi tuần cho người lớn). Các hoạt động thể lực nên được lựa chọn cho phù hợp với lứa tuổi, cũng như tình trạng sức khỏe, bệnh lý của từng người.
Để kiểm soát cân nặng cũng như giảm béo, cần tập luyện với cường độ thấp và thời gian vận động phải dài. Tập mỗi ngày ít nhất phải liên tục từ 30-60 phút, hít thở đều đặn để cung cấp oxy cho cơ thể đốt cháy mỡ thừa. Càng tập luyện đều đặn, thường xuyên và lâu dài thì tác động càng lớn. Vì thế, nên có các biện pháp tạo sự thích thú khi tập luyện, đặc biệt là các biện pháp khuyến khích trẻ em tập luyện thể dục thể thao từ sớm sau những giờ học tập căng thẳng, để giúp trẻ phát triển chiều cao và khỏe mạnh, phòng chống được thừa cân, béo phì.
Nguyễn Hiền - Trung tâm TT-GDSK (tổng hợp)