Câu chuyện “phát động”
Cập nhật ngày: 13/03/2019 13:11:44
Nói nào ngay, xứ mình mỗi tuần, mỗi tháng, mỗi năm không biết có ai đếm được có bao nhiêu lễ phát động hưởng ứng chủ đề gì đó, kêu gọi cộng đồng chung tay thực hiện việc gì đó? Đã có lễ rồi thì thế nào chắc cũng sẽ có phần hội. Rồi thì, thế nào cũng rợp trời cờ hoa, băng-rôn, khẩu hiệu. Rồi thì, đồng phục áo vàng, áo xanh, áo trắng. Rồi thì có diễn văn khai mạc, có phát biểu hứa hẹn. Rồi thì, diễu hành khắp phố phường. Nhưng có ai đó đã tổng kết, rất nhiều chuyện có “phát” nhưng không thấy “động”!!!
Quang cảnh một buổi lễ phát động (ảnh minh họa). Ảnh: M.X
Mỗi lễ phát động phải chi ra bao nhiêu tiền cho khoản này, mục nọ của các lễ phát động có thể tính ra được, nhưng còn những lãng phí về thời gian thì chắc là chưa ai ngồi lượng hóa ra bao nhiêu?!? Thời gian cũng là tiền bạc mà! Làm gì tốn kém mà mang lại hiệu quả thiết thực thì không nói gì, chi ra bao nhiêu cũng không “xót”. Nhưng mà đâu đó sau lễ phát động rồi “đâu lại hoàn đấy”, không thấy chuyển biến được gì, để năm sau lại tiếp tục phát động. Vậy là, lãng phí chứ còn gì biện minh đây?!?
Nhiều buổi lễ xứ mình dường như đã được “đúc khuôn” luôn rồi. Trước hết là vài tiết mục văn nghệ chào mừng, kế đến là tuyên bố lý do, rồi giới thiệu đại biểu này khách nọ, rồi phát động chủ đề gì đó, cuối cùng là một đại biểu lên cam kết, hứa hẹn. Nhiều khi nhìn xuống thấy có người “ngáp vắn, ngáp dài”, ngồi “thở ra” ngao ngán do dài lê thê, trên đầu thì nắng mà dưới đất thì đôi chân đã mỏi. Vậy là, mới đầu thì góc này xầm xì nói nhỏ, chỗ kia học sinh lại ồn ào như “vỡ chợ”, phải có người đi tới đi lui nhắc nhở. Trên nói cứ mặc nói, dưới nói chuyện riêng cứ mặc nói chuyện riêng, đùa giỡn, cấu nhéo...
Nhớ lại mình đang sống và làm việc trong thời buổi truyền thông đa phương tiện mà dường như không chú ý tận dụng sức mạnh của các kênh hiện đại như vậy. Bây giờ báo chí, phát thanh, truyền hình đưa tin nhanh nhạy hàng ngày, hàng giờ, kèm theo hình ảnh, âm thanh, màu sắc sống động, mà sao cứ mãi “trên đọc, dưới dò”, có khi còn “tra tấn nhau”? Sao không tận dụng những ưu việt của các công nghệ, mà cứ mãi bám víu vào cái xưa cũ vậy? Thời buổi bây giờ người ta tính thời gian bằng đơn vị giây chứ đâu còn tính bằng đơn vị giờ, đơn vị buổi nữa. Và người ta còn đong đếm chi li các khoản lãng phí “hữu hình” và “vô hình”, còn xem đó là thước đo của sự tiến bộ, văn minh nữa kìa. Chúng ta hay nhắc đến mà hình như cũng mau quên rằng mình đang sống trong cuộc cách mạng 4.0.
Muốn truyền thông điều gì đó hãy đưa xuống tận cộng đồng dân cư, từng ô phố, từng tuyến phố, từng tổ tự quản cộng đồng. Sáng làm cũng được mà tối làm cũng được, miễn là bà con rảnh rỗi. Trong không gian gần gũi đó có thể nói hết ý nghĩa, lợi ích mang lại mà mỗi người, mỗi cộng đồng cần chung tay thực hiện. Nào là, trước hết là lợi cho chính mình, con cháu của mình, sau đó là lợi cho cộng đồng xã hội. Người này đưa ra sáng kiến này, nhà kia đưa ra ý tưởng kia, rồi thật sự bắt tay vô mần liền. Cán bộ, đảng viên gương mẫu xung phong đi trước để kéo “làng nước” đi theo. Rồi bổ sung thành hương ước, quy chế. Đâu phải “ngày một, ngày hai” là thay đổi được thói quen, chuyển biến được hành vi đã tồn tại từ lâu đâu?!? Vậy phải nhắc nhở nhau hàng ngày, hàng tuần, hàng tháng. Ai làm tốt thì được khen, ai chưa làm tốt thì động viên, uốn nắn dần...
Có người nói “cần gì nhắc nhở, chỉ phạt cho thật nặng thì người ta sợ phải làm theo thôi”. Thì đó, thấy nước này nước nọ hông, người ta sạch sẽ, văn minh là do họ xử phạt thật nghiêm đó.! Suy nghĩ đó không gì là sai cả, nhưng làm gì để mỗi người cảm thấy trong lòng tự nguyện, thấy đem lại điều gì đó hạnh phúc cho mình, cho gia đình mình, cho cộng đồng thì sẽ bền vững hơn nhiều.
Thường thì hội họp quá đông người lại chưa chắc hiệu quả bằng ít người hơn. Khi đó sẽ có ai đó suy nghĩ rằng: “Ôi thôi, chỉ mỗi “mình ên tui” mần thì có thay đổi được gì đâu, mà hổng chừng bị người khác cho tui là “lập dị” nữa, để người khác mần trước coi sao rồi tui sẽ mần. Một tay tui thôi thì làm sao mà “bẻ nạng chống trời” cho được?”. Cứ như vậy, cho nên sau phát động vì thành phố “xanh - sạch - đẹp” xong thì rác vẫn từ trong hàng quán ra đến phố xá, sau phát động giữ gìn môi trường cho con cháu đời sau thì vẫn đầy túi ny-lông, hộp nhựa, những thứ mà cả trăm năm sau vẫn chưa phân hủy được, sau phát động an toàn giao thông thì vẫn “hàng đôi, hàng ba”, vẫn lạng lách, đánh võng.
Tất nhiên, nói như vậy không phải là cực đoan để sau này không có những buổi lễ phát động, những buổi mít-tinh chào mừng những sự kiện lớn. Có lúc, cũng cần tạo ra khí thế sôi nổi để truyền đi những thông điệp mạnh mẽ. Tuy nhiên, làm lớn hay nhỏ không quan trọng bằng làm hiệu quả, thiết thực, tránh phô trương hình thức, lãng phí sức người, sức của. “Phát” thì phải làm sao cho “động”. Phải vậy không?
Xích Lô