Câu chuyện “nước nôi”

Cập nhật ngày: 21/12/2018 11:17:18

http://baodongthap.com.vn/database/video/2018122201413522-12 Cau chuyen nuoc noi-Xich Lo.mp3

Đây là bài thứ tư trong loạt bài nói về 4 yếu tố cần thiết để làm nông nghiệp xứ mình từ xưa tới giờ, đó là: nước nôi, phân phướng, cần cù, giống má. Mà nói đến chữ “nước” chợt liên tưởng tới mấy chữ “nước nhà”, “nước non”. Hổng biết có phải tầm quan trọng không mà chữ “nước” luôn đi trước những ý niệm như vậy. Làm nông dù là trồng trọt hay là chăn nuôi không thể không cần tới nước dù là nước mưa từ trên trời, nước mặt trong sông rạch hay nước ngầm dưới đất.


Hệ thống tưới phun tự động của một nông dân tại làng hoa Sa Đéc. Ảnh: H.Nghĩa

Lần theo lịch sử thì chuyện “nước nôi” còn sâu xa hơn nhiều. Từ hơn mười ngàn năm trước, Việt Nam đã là một trong những cái nôi của “nền văn minh lúa nước”. Và văn minh lúa nước không chỉ phục vụ cho trồng trọt, sinh hoạt mà còn là điều kiện hình thành các làng xã. Vậy là câu chuyện “nước nôi” đâu phải chỉ là hữu hình, là tưới tiêu mà còn là văn hoá, là cả một nền văn minh của một cộng đồng dân cư, của cả một dân tộc. Xứ mình là xứ sông nước nên ai ai cũng đều cảm nhận được hàng ngày thì có nước lớn nước ròng, hàng tháng thì có nước rong nước kém, hàng năm có mùa nước mùa khô. Quy luật thiên nhiên bao đời là vậy, là điều kiện để trồng cây này, nuôi con kia. Trời nắng thì tốt dưa, trời mưa thì tốt lúa. Khô hạn thì mong trời mưa, ngập úng thì mong nước mau rút. Khi thì bơm nước vào, khi lại vội vã tháo nước ra.

Công cuộc chinh phục Đồng Tháp Mười trải dài ba mươi năm chính là con người đào kênh múc mương để đưa dòng nước ngọt vào nội đồng tháo chua rửa phèn, để mà làm lúa ở những nơi tưởng chừng như không thể làm được.

Rồi từ làm một vụ, sau tăng lên hai vụ, cho đến khép kín đê bao để mỗi năm làm được ba vụ nhờ chủ động tưới tiêu, ứng phó với lũ tràn đồng. Những hạt lúa trĩu bông, những vụ mùa thắng lớn. Năng suất tăng lên, sản lượng bội thu. Người người đều vui, nhà nhà đều mừng. Nông dân thì hả hê, chính quyền thì phấn khích.

Cho đến một ngày, đúng như các nhà khoa học cảnh báo, đất đai suy kiệt chất dinh dưỡng do không đón được dòng nước phù sa như trước giờ. Vậy là phải dùng nhiều phân thuốc bù vào để đảm bảo năng suất, sản lượng. Chi phí đầu vào lại tăng lên, được giá thì còn vui nhưng giá thấp tính tới tính lui thì không thấy lợi nhuận là bao, thậm chí trắng tay nếu đê vỡ nước tràn, thu hoạch chạy lũ không kịp.

Vậy mà đâu có hết khổ vì chuyện nước nôi. Trong từng ô bao thì chỗ lung, chỗ gò, nên chỗ này thì trồng lúa, chỗ kia lại làm vườn, cùng một thời điểm người thì cần nước, người lại sợ ngập. Vậy là xung đột với nhau. Trăm năm trước, ngàn năm trước, nhờ nguồn nước mà con người cấu kết với nhau thành cộng đồng làng xã, thôn xóm; ngày nay lại vì nguồn nước mà bà con mình lại xung đột với nhau, trở nên xa cách nhau. Ngày xưa thì “bán bà con xa, mua láng giềng gần”, ngày nay vì nguồn nước mà lục đục với nhau, thậm chí phải nhờ chính quyền phân xử.

Ai cũng nói quê mình được thiên nhiên ưu đãi. Thì đó, đất đai thẳng cánh cò bay, mưa thuận gió hoà, nước ngọt phù sa quanh năm bồi đắp, ruộng vườn xanh tươi, trên cơm dưới cá. Đó là câu chuyện của ngày xửa ngày xưa. Bây giờ thì đối mặt với biến đổi khí hậu, với thời tiết cực đoan, với tình trạng suy giảm nguồn nước.  Hết “thiên tai” rồi lại “nhân tai”, do con người đi ngược lại với quy luật của tạo hoá, làm mất cân bằng hệ sinh thái tự nhiên. Vậy mới có chuyện Thủ tướng Chính phủ chủ trì một hội nghị được gọi là “Hội nghị thuận thiên” để nền nông nghiệp thích ứng với điều kiện mới mà hợp với quy luật của trời đất.

Trên thế giới, nhiều quốc gia không có điều kiện thiên nhiên ưu đãi, đất đai sa mạc khô cằn, nước mặt cũng thiếu mà nước ngầm cũng thiếu, lại ít mưa. Vậy mà họ vẫn làm được điều kỳ diệu từ cách tưới nhỏ giọt. Cây cối cần mấy giọt là nhỏ đúng mấy giọt kèm theo những chất dinh dưỡng phù hợp thời gian sinh trưởng. Vậy mà năng suất vẫn cao, chất lượng vẫn tốt, giá vẫn cạnh tranh được trên thị trường thế giới. Tất cả là nhờ vào ý chí và sự thông minh của con người. Thiên không thời, địa không lợi, thì họ làm giàu nhờ điều kiện “nhân hoà”. Thay vì ngồi than trách ông trời hay đổ lỗi cho đất, họ chọn con đường hành động, đưa ra nhiều giải pháp sáng tạo để khắc phục những điều kiện bất lợi cho mình.

Nguồn nước không phải vô tận mà ngày càng ít đi và khó lường. Vậy nên trên thế giới mới có cuộc chiến tranh để tranh giành nguồn nước. Xứ mình chưa có chiến tranh nhưng bắt đầu có những xung đột và hiểm hoạ khó lường do nguồn nước. Nước không dồi dào về số lượng mà còn thấp về chất lượng. Những dòng sông chết. Lượng phù sa ngày càng ít đi, ô nhiễm do quá trình sử dụng thuốc bảo vệ thực vật từ đồng ruộng chảy xuống sông rạch, kênh mương, rồi từ đó được bơm trở lại đồng ruộng. Một vòng tuần hoàn đáng lo, lo cho chất lượng nông sản, lo cho sức khoẻ bà con mình.

Người đồng bằng sông nước quê mình hào sảng lắm. Thì đó, “Biển cạn, sông cạn, lòng qua không cạn. Núi lở, non mòn, nghĩa bạn không quên”. Vậy thì tất cả hãy chung tay bảo vệ nguồn nước cho thế hệ hôm nay và thế hệ mai sau. Để mà “ Ngày nay nước bạc, ngày sau cơm vàng”.

Xích Lô

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn