Câu chuyện hợp tác xã

Cập nhật ngày: 12/09/2018 09:51:44

http://baodongthap.com.vn/database/video/20180912094423cc.mp3

Hôm rồi, tham dự Hội nghị thành lập Hợp tác xã Dịch vụ Nông nghiệp Bình Hàng Tây mà thấy ấm áp vô cùng. Đây là Hợp tác xã thứ hai được thành lập trên nền của Hội quán. Cái đầu tiên là Hợp tác xã Nông sản an toàn An Hòa mình đó! Vậy là lại có hơn 300 người nông dân không còn “Đèn nhà ai nấy sáng, ruộng vườn nhà ai nấy làm”, sống thì lủi thủi một mình, làm thì manh mún một mình rồi. Dẫu biết “vạn sự khởi đầu nan”, dẫu biết hành trình phía trước còn khó khăn lắm, nhưng bấy nhiêu thôi là đã có niềm tin rằng: một khi người nông dân nhận ra giá trị của việc hợp tác làm ăn thì đã là một cuộc cách mạng rồi!

 
Bí thư Tỉnh ủy Lê Minh Hoan trong chuyến thăm và làm việc với Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Mỹ Đông 2, huyện Tháp Mười (ảnh: Mỹ Nhân)

Hợp tác xã là điều mà thế giới họ làm trăm năm nay chứ đâu phải của riêng đất nước mình! Lợi thế dựa trên sức mạnh của số đông, của quy mô lớn đã làm cho hợp tác xã trở thành giá trị phổ quát của nhân loại từ Đông sang Tây, từ Bắc chí Nam, từ nước giàu đến nước nghèo. Vậy mà ở đất nước mình sao lại khó khăn vô cùng! Có phải quan niệm ấu trỉ của hợp tác xã kiểu cũ dẫn đến nỗi ám ảnh và hiểu không đúng về giá trị của nó? Có phải do tinh thần hợp tác của người mình yếu kém? Hay do đội ngũ cán bộ lãnh đạo, các ngành chuyên môn, nhất là người đúng đầu cấp ủy, chính quyền “không” hay “chưa” nhận ra giá trị của kinh tế hợp tác chính là cứu cánh cho nền nông nghiệp xứ mình? Vậy, có phải 3 yếu tố “Hợp tác - Liên kết - Thị trường” trong Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh mình đến nay vẫn chưa thẩm thấu vào đội ngũ lãnh đạo địa phương và cả hệ thống chính trị cơ sở?!?

Hợp tác xã, xét về bản chất, là hình thức tự nguyện, trên cơ sở tự chủ, tự chịu trách nhiệm, bình đẳng và dân chủ của người dân... Nhưng muốn có được những chữ “tự” đó, thì phải có người nói cho bà con hiểu ra để rồi “tự mình quyết định vận mệnh của mình”. Người ấy là ai, nếu không phải là đội ngũ lãnh đạo cấp huyện, cấp xã, nơi hàng ngày tiếp xúc với bà con? Nếu người lãnh đạo còn biểu hiện thờ ơ thì đang làm gì đây trong lãnh đạo phát triển kinh tế của địa phương mình? Hay là, ngồi đó để cộng dồn thành tích về năng suất, sản lượng của bà con, thành tích của đảng bộ, chính quyền, để rồi mỗi khi gặp rủi ro về thời tiết, thị trường thì lại đổ cho người nông dân thiếu tinh thần hợp tác hoặc do tư thương ép giá?

Đến thăm nhiều địa phương, thấy nhiều lãnh đạo hăng hái, kiên trì kiến nghị xin được đầu tư cây cầu này, con đường kia. Đúng rồi, hạ tầng mà yếu kém là nút thắt trên con đường phát triển, làm tăng thêm chi phí vận chuyển, làm nản lòng nhà đầu tư tìm đến. Nhưng dường như lãnh đạo địa phương còn “bỏ quên” hay không nhìn ra một “nút thắt” còn “trói chặt” hơn nhiều - đó chính là tinh thần hợp tác trong cuộc sống và trong nền nông nghiệp của mình. Hạ tầng dù có tốt đến mấy nhưng chi phí sản xuất vẫn cao thì làm sao cạnh tranh được với thiên hạ đây? Dẫu cho có “đường rộng, cầu cao” nhưng nông sản vẫn chứa đầy dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc tăng trọng độc hại thì làm sao mà xây dựng được thương hiệu, làm sao lấy lại được niềm tin của người tiêu dùng, của thị trường!

Nói vậy không phải phủ nhận nhu cầu về điều kiện đi lại, giao thương hàng hóa. Người lãnh đạo biết đề xuất những nguyện vọng chính đáng của người dân là cần thiết, nhưng cần hơn nữa là biết được điểm nghẽn khi bà con không hợp tác cùng nhau. Biết để hun đúc, để khơi gợi cho người dân phải thay đổi trong cuộc sống và trong sản xuất. Người lãnh đạo nhìn ra được nhu cầu đối với những cái hữu hình như cây cầu, con đường..., nhưng điều cần hơn ở người lãnh đạo là nhìn ra được sức mạnh từ những điều vô hình. Đó là: phát huy sức mạnh tinh thần hợp tác của người dân!

Không có sự thay đổi nào là dễ dàng cả! Sự thay đổi là một hành trình sẽ có nhiều thách thức. Nhưng suy cho cùng, thách thức lớn nhất là đội ngũ lãnh đạo không nhận ra giá trị của sự thay đổi đó! Từ không nhận ra, hoặc nhận ra được rồi nhưng thờ ơ, thiếu bền bỉ, không kiên trì đồng hành với bà con trên hành trình dài hướng đến mục tiêu cuối cùng. Lại có lãnh đạo nhận ra rồi nhưng lại tự động viên mình “phải từ từ thôi, chờ coi bên trên, bên trái, bên phải thế nào đã!”; “từ từ” nhưng lại không bắt đầu thì biết chừng nào tới đích đây? Nhiều bà con ở các hội quán, nhiều thành viên hợp tác xã tâm sự: “Có phải chúng tôi đang bị “bỏ quên” không - hôm khai trương ra mắt thì xôm tụ lắm, đông đủ từ cấp tỉnh đến cấp xã, nhưng rồi quên dần, xa dần”.

Đừng để “cái vô hình” bị che lấp bởi “cái hữu hình”!

XÍCH LÔ

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn



Tin cùng chuyên mục
Các tin khác