Câu chuyện ngõ xóm
Cập nhật ngày: 25/07/2018 16:15:55
Đi thăm thú một nơi nào đó thì thường sẽ thấy vẻ choáng ngợp của những dãy phố chính tấp nập “kẻ ngược - người xuôi”, “người mua - kẻ bán”. Nhưng hãy đi sâu vào các ngõ ngách phía sau đó để phát hiện được nhiều điều thú vị. Những khung cảnh khác, những cuộc sống khác, và cuộc sống của những con người dường như cũng khác. Thú vị cũng có, nặng lòng cũng có! Có niềm vui nho nhỏ, mà cũng gặp phải những chuyện nghẹn lòng! Hôm đi thăm các gia đình chính sách nhân kỷ niệm Ngày Thương binh, Liệt sĩ năm nay cũng vậy...
Một ngôi nhà đơn sơ, một cuộc sống đạm bạc. Di ảnh liệt sĩ hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ được treo trang trọng trên tường. Anh con trai của người đã hiến cả cuộc đời mình cho hòa bình, độc lập giờ chạy xe ôm cùng với người vợ tần tảo. Không kể lể nhiều về gia đình, chỉ nói về hiện tại, anh tâm tình rằng: “Tôi luôn tự nhủ trong lòng mình là con liệt sĩ thì phải sống sao cho đúng truyền thống gia đình, đúng với tâm nguyện của người cha!”. Và việc làng xóm, chuyện cộng đồng, anh đều xắn tay cùng lo. Còn công việc mưu sinh trong điều kiện khó khăn của nghề xe ôm mà anh tham gia Nghiệp đoàn thì vẫn phải sống cho thật tử tế! Có nghề nào kiếm tiền một cách chân chính mà không “đổ mồ hôi, sôi nước mắt” đâu?!? Cuộc sống còn nhiều gian khó nhưng hàng ngày anh vẫn dõi theo từng bước phát triển của quê hương mình với lòng tự hào khi nghe những người khách phương xa đi xe khen ngợi, nghe tỉnh mình vươn xa... Anh nói về “tái cơ cấu nông nghiệp”, về “Hội quán”, về “Làng hoa quê mình” với niềm tin và sự kỳ vọng chân thành, mộc mạc. Thật xúc động và tự hào! Xin chân thành cảm ơn những con người hiền hòa, dung dị, giàu lòng nhân ái như vậy!
Đến một gia đình khác, cha mẹ liệt sĩ thì tuổi cao sức yếu, cái bệnh của người già đeo đẳng, con cái thì đi làm ăn xa. Nhưng nụ cười vẫn trên môi. Rồi những gia đình khác cũng vậy, vẫn cười và cười. Có khi tiếng cười giòn tan nhưng cũng có những tiếng cười như giấu vào lòng những lo toan, trắc trở trong cuộc sống. Còn bao nhiêu người như vậy mà mình chưa biết đến, chưa một lần đến thăm?
Thế hệ hôm nay không còn nghe tiếng bom rơi đạn nổ, chỉ biết chiến tranh qua sách báo, phim ảnh. Nhưng dù làm gì, doanh nhân hay cán bộ, công chức, hãy đến với những gia đình chính sách để cảm nhận được vết thương chiến tranh vẫn chưa lành trên mảnh đất này, để thấy ám ảnh bởi sự hy sinh xương máu của những người đi trước giúp cho quê hương có được thanh bình. Hãy đến đó không chỉ bằng lý trí, mà bằng con tim; không chỉ vì mệnh lệnh, mà bằng sự tỉnh thúc từ trong mỗi người, không chỉ trong một ngày kỷ niệm hàng năm mà thường xuyên hơn.
Nhìn những ngôi nhà được tạo dựng lên bằng các chính sách và từ sự quan tâm của các cán bộ cơ sở thấy thật ấm lòng! Nhưng cảm nhận được cái khó khăn sẽ còn bám đuổi nhiều gia đình chính sách. Ốm đau bệnh tật, tuổi già sức yếu. Trống trước hụt sau. Cô đơn. Có khi cả ngày không nghe được tiếng người. Con thì bươn chải mưu sinh, cháu thì đến trường với bao nhiêu nhu cầu sách vở. Vậy thì, cần làm sao có nhiều người lui tới những gia đình như vậy để vơi đi vẻ quạnh hiu của những người tuổi đã về già. Bớt đi bữa ăn thừa mứa để có thêm cái cặp, sách vở hỗ trợ cho các cháu gia đình chính sách có điều kiện học hành tới nơi tới chốn? “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn trái nhớ người trồng cây” là đạo lý ngàn đời của dân tộc mình mà!
Tỉnh mình có hơn 52.000 gia đình chính sách, có trên 12.000 liệt sĩ. Câu chuyện “đền ơn - đáp nghĩa” đâu chỉ là chuyện “một sớm, một chiều”, đâu chỉ là chuyện của Nhà nước, mà là của cả xã hội, của mọi người. Những doanh nhân thành đạt hãy nhớ rằng, để có được môi trường hòa bình cho sản xuất, kinh doanh như ngày hôm nay, phải dựng lên bằng máu bằng xương của hàng triệu liệt sĩ, bằng nước mắt của hàng chục triệu gia đình chính sách. Những cán bộ, công chức có được chức tước này, vị trí kia cũng hãy nhớ rằng, mình quả thật có quá nhiều may mắn! Mỗi người phải hiểu được những điều này để chúng ta sống tốt hơn, xứng đáng hơn, làm được nhiều việc hơn cho mảnh đất này đi lên để mỗi nhà, trong đó có các gia đình chính sách, có cuộc sống ngày càng tốt hơn. Mỗi người hiểu được điều này để bớt đi “cái tôi” của mình, để thấy những việc mình làm còn quá nhỏ bé so với những gì hàng triệu người đi trước đã làm.
Mỗi chuyến về thăm gia đình chính sách đều mang trở về nỗi trăn trở - trăn trở làm sao cho quê hương xứ sở phát triển nhanh hơn, trăn trở còn bao nhiêu gia đình khó khăn, nghiệt ngã mà chưa một lần đặt chân đến, trăn trở đến thế hệ cháu chắt của các gia đình đó làm sao đủ đầy hơn... Và, cũng trăn trở về những gia đình đang phải cầm theo bằng “Tổ quốc ghi công” để khiếu nại chuyện này, chuyện kia. Vết thương vẫn chưa lành! Cuộc sống quanh mình vẫn còn nhiều điều chưa trọn vẹn...
Câu chuyện có thật kể rằng, một nữ họa sĩ tuổi gần 70, trong 8 năm qua đã chạy xe 2 bánh rong ruổi gần 40.000km trên đất nước hình chữ S này để khắc họa gần 1.500 gương mặt Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng. Và, hành trình của họa sĩ vẫn chưa ngừng nghỉ vì “khi nào còn sức thì còn đi, còn vẽ, bởi thời gian khắc nghiệt, chẳng thể nào chờ...”. Đây chính là một người anh hùng - Người Anh hùng trong thời bình! Một việc làm đáng khâm phục, đáng để chúng ta -những người đi sau - suy nghĩ!
Xích Lô