Chuyện thường ngày ở chợ
Cập nhật ngày: 25/06/2018 10:56:51
Đi đến một địa phương nào đó thì bạn nên ghé thăm ngôi chợ. Có thể bạn không có ý định mua gì hết, nhưng biết đâu bạn sẽ đổi ý, hoặc bạn sẽ khám phá ra điều gì đó thú vị. Bởi vì, ngôi chợ ngoài chức năng là nơi người mua, người bán gặp nhau để trao đổi hàng hóa, còn là tấm gương phản ảnh sự phát triển của một địa phương. Chợ mà hàng hóa dồi dào, đông đúc người mua kẻ bán thì nơi đó phát triển. Ngược lại, thấy cảnh đìu hiu, hàng hóa ế ẩm, mấy người tiểu thương ngồi “ngáp ngắn, ngáp dài”, mới buổi sáng mà như cảnh “chợ chiều” thì biết rằng nơi đây chậm phát triển.
Đã là chợ thì ồn ào, là có “lời ra, tiếng vào”. Tiếng mời hàng đon đả “ngọt như mía lùi” cũng có, mà tiếng cạnh khoé, lườm nguýt, “nặng nhẹ” nhau khi ngã giá, khi cân non cân già cũng có. Chính vì vậy mới có ông quản lý chợ, có mấy anh giữ gìn trật tự. Chức năng của mấy vị này cũng như mấy ông trọng tài sân cỏ. Đã là trọng tài thì có “thẻ vàng, thẻ đỏ”, nhẹ thì bảo ban, nhắc nhở, nặng thì lập biên bản xử lý. Đã là “trọng tài” thì phải công minh, đúng sai rõ ràng, phải dựa trên quy định, quy chế cụ thể, “tình lý phân minh”. Nếu không thì sẽ có “lời nặng lời nhẹ”, “tiếng chì tiếng bấc”, “có xô có đẩy”: “Sao dẹp chỗ tui mà hổng dẹp chỗ kia?” Rồi người qua kẻ lại cám cảnh: “Trời ơi, người ta nghèo khó quá mà, “bán thúng bán nia”, cũng chỉ kiếm đồng vô đồng ra thôi mà sao hành xử nặng tay quá vậy!”. Nghe sao đắng lòng...
Người ta thường nói “buôn có bạn, bán có phường” - điều đó dễ thấy ở các ngôi chợ. Chỗ này là dành cho hàng cá, hàng mắm, hàng khô. Khu kia thì dành cho thịt thà, hàng nọ là rau - củ - quả. Rồi còn hàng chay, hàng ăn uống... Đã là buôn bán thì phải kiếm lời, nhưng nếu chỉ vì cái lợi riêng của mình mà đụng chạm tới cái lợi của người mua, của những người cùng ngành hàng với mình thì coi bộ không được hay cho lắm.
Thì đó, gà vịt thì bơm nước, nhồi nhét thức ăn để cân nặng thêm. Thì đó, sử dụng nào hàn the, nào u-rê, nào phẩm màu, nào hóa chất, để con tôm con cá, miếng thịt tươi hơn, bắt mắt hơn. Vậy là lừa người mua rồi. Mình thu lợi mà để bà con mình “thiệt đơn, thiệt kép”, bà con mình mang mầm bệnh vào thân thì mình sống liệu có thanh thản không?
Còn người mua thì sao? Vẫn biết gà vịt bị bơm nước, bị nhồi nhét nhưng thấy rẻ thì... cũng mua. Vậy còn trách ai nữa? cũng chỉ vì cái lợi nhỏ mà mình chấp nhận sống trong sự gian dối... Nếu người mua mà cẩn trọng hơn, không dễ dãi, người bán tử tế với nhau hơn thì chắc cũng hạn chế phần nào sự gian dối đó.
Mấy chuyện đó, mấy anh quản lý chợ có biết không? Chức năng của những người quản lý chợ là “tối ưu hóa tiện ích cho người bán và người mua”. Đối với người bán, đó là quầy sạp tươm tất, là điện, là nước đầy đủ, là môi trường vệ sinh sạch đẹp. Đối với người mua, là có được những sản phẩm chất lượng tốt, an toàn và giá cả phải chăng. Ông bà mình nói: “Người mua lầm chứ người bán không bao giờ lầm”. Trách nhiệm của quản lý chợ phải làm sao cả người mua và người bán đều “không lầm”.
Nói là nói vậy thôi, chứ cũng không thiếu những hình ảnh đẹp hàng ngày ở chợ. Tiểu thương này giúp tiểu thương kia dọn hàng, chia sẻ nhau những món hàng khi khách mua mà mình không còn. Rồi người này giúp người khác trông coi dùm quày sạp khi hữu sự. Rồi người này nhường nhịn nhau một chút trong chuyện bán, chuyện mua. Câu “Bán bà con xa mua láng giềng gần”, “Buôn có bạn, bán có phường” lại có khi đúng ở những trường hợp này.
Ngoài chức năng là nơi trao đổi hàng hóa, dưới mắt của khách vãng lai, chợ còn phản ảnh trình độ dân trí, nét văn hóa, thậm chí là văn minh của cư dân địa phương. Những cách ứng xử, giao tiếp của “kẻ mua, người bán” sẽ để lại trong tâm trí của khách thập phương những ấn tượng tốt hay xấu không chỉ về một ngôi chợ cụ thể, mà còn cả địa phương đó. Rồi “hữu xạ tự nhiên hương”, “tiếng lành đồn xa”, nhiều người sẽ biết đến. Biết đến nhiều thì cơ hội quay trở lại càng nhiều, mua hàng hóa càng nhiều. Như vậy, ngôi chợ sẽ ngày càng sung túc hơn, tiểu thương mua bán đắt hàng hơn, khấm khá hơn.
Như vậy, một ngôi chợ bán đi không chỉ là hàng hóa, mà là cả một thương hiệu. Thuơng hiệu là “cái hiệu để người ta thương” là vậy! Như vậy, chợ đâu chỉ có chuyện mua - chuyện bán, chuyện thu hoa chi hay thuế môn bài, đúng không?
Xích Lô