Cảm xúc từ một cây cầu
Cập nhật ngày: 30/05/2018 17:41:00
Vậy là, ngày khánh thành cầu Cao Lãnh trông chờ bấy lâu đã đến. Cây cầu “nối những bờ vui”, cây cầu hướng đến tương lai thịnh vượng là đây. Hạnh phúc vỡ òa. “Vui sao nước mắt lại trào” cho những ai từng ngày chứng kiến công trình vươn mình trên mặt nước. Hôm nay cây cầu đã sừng sững đứng trên dòng sông Tiền hiền hòa. Vậy là, từ nay không còn cái cảnh “qua sông thì phải lụy đò” nữa rồi! Con sông Tiền ngăn cách đôi bờ giờ chứng kiến sự nối nhịp, như nối kết tiềm năng, thế mạnh của nhau để vững tin vào tương lai tươi sáng.
Nhưng cây cầu, suy cho cùng, vẫn là hữu hình, vẫn chỉ là “điều kiện cần” cho sự phát triển. Để đánh thức tiềm năng phải cần đến những điều vô hình khác, là “điều kiện đủ”. Đó là những con người có khát vọng và biết cách biết biến khát vọng trở thành hiện thực nhờ sức mạnh tri thức từ cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Sự phát triển sẽ không được hiện thực hóa nếu tư tưởng cục bộ còn vương vấn đâu đó trên hành trình phát triển của quê hương mình. Sự phát triển cần đến sự nối kết để làm cho “cái bánh” thu nhập lớn ra để mỗi địa phương, mỗi người được chia thêm phần từ sự lớn ra đó. Trong sự chia phần đó, có lúc sẽ có người nhận được phần nhiều hơn một chút, nhưng cuối cùng là để tạo cú hích kéo tất cả vượt lên.
Bao giờ cũng vậy, niềm vui của người này có thể là nỗi buồn của người khác. Dòng xe bon bon qua cầu, nghĩa là sẽ có nhiều công nhân bao năm tháng gắn bó với với những chiếc phà sẽ có thể không còn chỗ làm. Dòng xe ngược xuôi qua cầu, nghĩa là nhiều hộ kinh doanh mua bán ở hai bên bến phà sẽ mất đi cơ hội kiếm sống. Dòng người hối hả qua cầu, nghĩa là nếu đô thị không tạo ra được sức hút để khách dừng lại thì động lực phát triển sẽ không còn, kéo theo hàng loạt hoạt động thương mại, dịch vụ bị khó khăn.
Chỉ biết vui mừng khi cây cầu hoàn thành, chỉ thấy lực đẩy mà không lường trước những hụt hẫng, những lực kéo sẽ có thể trả giá. Tốc độ đô thị hóa có thể sẽ bị chậm lại. Một bộ phận người dân có thể phải chuyển đổi nghề nghiệp, thay đổi phương án sản xuất, kinh doanh. Có thể đó là khó khăn đối với người này nhưng cũng có thể là cơ hội của người kia. Khó khăn hay cơ hội, tiêu cực hay tích cực, phụ thuộc vào thái độ của mỗi người, cũng như hành động của đội ngũ lãnh đạo địa phương. Một khi dám cởi bỏ sự bám víu, chấp nhận sự thay đổi, biết đâu lại là cơ hội mới cho mỗi người, là vận hội mới cho mỗi địa phương. Trong “cái khó” làm sao “ló cái khôn” chứ đừng để “bó cái khôn”!
Để từ nghèo khó trở nên khá giả có khi chỉ cần kinh nghiệm, nhưng để bứt phá trở thành giàu có, thịnh vượng nhất thiết cần đến tư duy. Không ai vỗ ngực tự hào “kinh nghiệm đầy mình” trong nền kinh tế dựa vào tri thức do cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 mang lại. Tri thức thì không phải tự nhiên có mà được hình thành dần qua năm tháng, từ khi ngồi học trong nhà trường, rồi đến cập nhật kiến thức hàng ngày. Tri thức cần đến tinh thần hấp thu tinh hoa phổ quát của nhân loại và chuyển hóa vào trong công việc và cuộc sống hàng ngày.
Bằng tri thức, người ta có thể biến “điều không thể” thành “điều có thể”, biến những quốc gia đất đai khô cằn, thậm chí là những hoang mạc, trở thành cường quốc nông nghiệp hàng đầu. Ngược lại, thiếu tri thức, những đồng ruộng, vườn tược, nương rẫy sau thu hoạch chỉ là bán thô và nguy cơ bị “giải cứu” ngày càng rình rập. Bằng tri thức, người ta có thể không cần sản xuất, mà chỉ cần tạo ra một phần mềm nối kết giữa người sản xuất và người tiêu dùng là đã khởi nghiệp làm giàu rồi. Ngược lại, không có tri thức, sản xuất ra của cải càng nhiều nhưng cạnh tranh không được với sản phẩm của thiên hạ thì chỉ là từ lỗ vốn cho đến “phá huề” mà thôi.
Từ cây cầu khỉ đến cầu dây văng là cả một hành trình tiến đến văn minh. Nhưng cây cầu, dù cho hiện đại đến đâu, cũng không đem lại văn minh. Tiến tới văn minh là cần đến thái độ của mỗi người trong xã hội. Mỗi người có ý thức cùng nhau tạo ra sự văn minh và sẽ nhận được những gì tốt đẹp nhất mà xã hội văn minh mang lại. Muốn vậy, thay vì chăm chăm chỉ trích những gì lạc hậu, sao mỗi người không cùng nhau gầy dựng cái tiên tiến, bắt đầu từ cách ứng xử đúng mực với cộng đồng, nơi công cộng. Muốn vậy, thay vì chỉ biết thương cảm rồi quên lãng, sao mỗi người không đem hơi ấm đến với những cuộc đời còn bất hạnh. Muốn vậy, thay vì bức xúc với sự tiêu cực đâu đó, sao mỗi người không làm điều gì đó để ngăn ngừa, phòng chống, góp phần tạo ra môi trường sống an toàn cho mình, cho xã hội.
Con người mong muốn thì nhiều nhưng sao không bắt đầu từ chính những việc nhỏ nhất có thể làm được? Nếu không, biết đâu những lạc hậu, tiêu cực, tệ nạn, những mảnh đời bất hạnh tồn tại đây đó, có khi lại bắt nguồn từ chính sự thờ ơ, vô cảm của những người hay phê phán, chỉ trích.
Cầu đã “nối nhịp” chở khát vọng của con người Sen hồng đi trên con đường đến giàu có, thịnh vượng. Cầu đã “nối nhịp” nhưng chúng ta đủ nhiệt huyết “bắt nhịp” cho sự thay đổi trên mảnh đất Sen hồng này hay không?. Cầu đã “nối nhịp” nhưng còn đó quá nhiều việc cần làm và phải làm!
Xích Lô