Sản xuất quy mô lớn: thấy vậy mà hổng phải vậy
Cập nhật ngày: 10/03/2018 06:41:36
Ngày đầu năm mới, đi xông đất một gia đình nông dân ở Đồng Tháp Mười, mà có lúc được xem là một trong những mô hình tích tụ ruộng đất “mềm”. Đó là các thành viên trong một nhà “gom” đất lại cho một thành viên để mở rộng quy mô sản xuất, những người còn lại chuyển sang làm các dịch vụ kinh doanh khác.
Thiệt là mừng, mô hình đã chứng minh hiệu quả! Bây giờ, diện tích sản xuất đã trên 130ha. Nhờ diện tích lớn nên có điều kiện cải tạo đồng ruộng, đầu tư thiết bị máy móc, ứng dụng khoa học, công nghệ để trồng lúa Nhật với năng suất và chất lượng cao, trong khi giảm được chi phí nên lợi nhuận thu được cao hơn khi từng thành viên sản xuất riêng lẻ. Những thành viên còn lại có thời gian chuyển đổi nghề nghiệp, đầu tư kinh doanh các lĩnh vực phi nông nghiệp nên thu nhập cũng khá cao. Nhờ vậy mà cả gia đình đều phấn khởi...
Thì ra là vậy, câu chuyện về cái bẫy sản xuất quy mô nhỏ, manh mún làm hạn chế sự cạnh tranh đã có thêm một lời giải ngay trên đồng ruộng rồi. Về lý thuyết kinh tế học, lợi thế theo quy mô đã chỉ rõ những ưu điểm chắc khỏi phải phân tích thêm. Chính vì vậy, đã có hướng mở đường từ bên trên sẽ có cơ chế, chính sách để mở rộng hạn điền, tích tụ ruộng đất. Tưởng mọi chuyện đều trôi chảy như quy luật vốn có, không ngờ, một hôm xem truyền hình thấy đưa tin ở bên châu Âu người ta có lúc lại gặp phải rủi ro do quy mô sản xuất quá lớn, hàng hóa có mùa vụ rơi vào tình trạng khủng hoảng thừa. Vậy là, đôi khi thấy vậy mà hổng phải vậy...
Thì đó, có hợp tác xã đang “ăn nên, làm ra” rồi đi thuê đất bên ngoài để mở rộng quy mô sản xuất. Lúc đầu thì coi bộ ngon lắm nhưng rồi teo tóp dần do tính toán sai lầm chi phí thuê đất, do tầm quản trị, do nguồn nhân lực, do khả năng dự báo thị trường... Đúng như ông bà mình cảnh báo: “Trật con toán, bán con trâu” là vậy! Mà đâu chỉ hợp tác xã của những người nông dân - những người thường chưa tiếp cận kiến thức kinh tế, chưa nắm được quy luật “cung - cầu” khắc nghiệt của thị trường mà ngay cả có doanh nghiệp một thời đình đám nhưng chỉ thất bại một vài thương vụ là “tán gia, bại sản”. Cũng lại do tầm quản trị, cũng lại do sai lầm về dự báo thị trường.
Như vậy, mở rộng hạn điền, tích tụ là một chính sách phải làm để mở ra bước ngoặt cho nông nghiệp xứ mình. Tuy nhiên, cần phải có những chính sách phù hợp, cách làm đồng bộ. Phải tìm ra lời giải cho một ẩn số là quy mô đất đai tích tụ bao nhiêu là vừa để không quá tầm quản trị của doanh nghiệp, nông dân. Chắc sẽ khó mà khẳng định một con số cụ thể nào đó vì còn nhiều yếu tố tác động. Nhưng có lẽ tiến trình tích tụ không chỉ đơn giản là con số cộng cơ học. Nó phải đồng thời là quá trình tiến dần đến hình thành các chuỗi ngành hàng đúng như chỉ đạo của Chính phủ là “chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp”. Chuỗi ngành hàng nông sản sẽ tạo ra nhiều công ăn việc làm trong các khâu: thu hoạch, bảo quản, chế biến, đóng gói, thương mại... Như vậy là, “ly nông” nhưng không “ly hương”, bớt đi dòng nông dân “đi Bình Dương” như nhiều người lo lắng.
Mở rộng hạn điền, tích tụ đất đai cũng là điều kiện đưa công nghệ cao, nông nghiệp thông minh phủ trên những cánh đồng. Khi đó, sẽ vừa thu hút trí thức về với ruộng đồng, vừa “tri thức hóa” nông dân để thích ứng với nền nông nghiệp thông minh. Như vậy, cần xem việc mở rộng hạn điền, tích tụ đất đai của một doanh nghiệp, hợp tác xã hay người nông dân như một dự án đầu tư. Chỉ khi xem xét như một dự án thì mới có sự tính toán đồng bộ tất cả những yếu tố đầu vào và những rủi ro, thách thức ở đầu ra.
Khi ấy, không chỉ là đất đai đơn thuần, mà là đưa công nghệ mới, quy trình canh tác tiên tiến vào, là dự báo thị trường, là đào tạo nhân lực, là kiến thức quản trị... Chỉ khi xem xét như một dự án mới có thể xác định chính sách của Nhà nước tác động ở khâu nào là phù hợp nhất để bật ra những giá trị bền vững: vốn, kiến thức hay thị trường?
Tất nhiên, đã có những mô hình tích tụ đất đai sản xuất quy mô lớn đã thành công ở Long An, ở miền Đông. Nhưng để kích hoạt một “làn sóng” mới trên khắp cả vùng đồng bằng rộng lớn với hàng chục triệu nông dân thì câu chuyện phải được sự tham gia của những chuyên gia kinh tế, những nhà hoạch định chính sách, những nhà khoa học và những người trong cuộc.
“Tư duy sản xuất nông nghiệp” thì sự hỗ trợ của Nhà nước là để làm sao người nông dân đạt được sản lượng cao nhất. “Tư duy kinh tế nông nghiệp” là phải giúp người nông dân, thậm chí là hợp tác xã, doanh nghiệp đủ kiến thức để trả lời các câu hỏi: sản xuất cái gì? sản xuất cho ai? sản xuất như thế nào?
Những câu hỏi đó có từ thời xuất hiện nền kinh tế thị trường và hiện vẫn đang “đánh đố” người nông dân và cả những nhà hoạch định chính sách, quản lý xã hội. Những câu hỏi đó chỉ được trả lời bằng những dự án cụ thể, trên từng cánh đồng cụ thể. Xem xét mở rộng hạn điền, tích tụ đất đai như một dự án đầu tư không phải là tạo thêm một rào cản, một giấy phép con, mà chính là làm cho tiến trình đó phát triển bền vững.
Lê Minh Hoan