Câu chuyện thôi nôi
Cập nhật ngày: 02/01/2018 10:02:24
Thôi nôi tức là trẻ con đủ 12 tháng tuổi và thường thì "thôi nằm nôi" nữa. Vậy trẻ con lúc này có thể làm gì? Đó là: Có thể tự đứng vững và bắt đầu chập chững bước đi một mình, đến được chỗ ngồi không cần trợ giúp, vịn vào bàn, ghế tự đứng lên và di chuyển. Nhắc chuyện thôi nôi là để liên tưởng đến một câu chuyện khác, đó là nhiều Hội quán nông dân mình cũng vừa tròn một tuổi. Nhanh thật, ngày nào mới đến dự lễ ra mắt, mà đến nay lần lượt nhiều hội quán mời về sơ kết một năm hoạt động rồi.
Một ngày cuối năm, đến dự một năm hình thành và hoạt động của "Nhân Tâm Hội quán" ở Bình Thạnh thấy trào dâng nhiều niềm cảm xúc. Nghe anh Ba, anh Năm, anh Bảy và nhiều anh nữa phát biểu sao thiệt là hay quá chừng! Nào là, có cái Hội quán này bà con mới có dịp đến gặp gỡ với nhau, ngoài chuyện hàn huyên, chia sẻ cuộc sống hàng ngày còn được các nhà khoa học đến truyền đạt kiến thức khoa học. Nào là, bà con mình đừng có mạnh ai nấy làm, mà phải cùng nhau sản xuất theo đúng một quy trình để trái chanh xứ mình được người tiêu dùng lựa chọn. Nào là, đề nghị chính quyền hỗ trợ coi sao chớ bây giờ nhiều loại phân thuốc quá làm bà con tù mù luôn, không khéo chính mình bị nhiễm bệnh trước. Có anh về hưu còn hăng hái kiến nghị "làm sao cho ấp của tui cũng có được cái Hội quán giống như vầy để bà con có địa điểm ngồi với nhau cho xôm"...
Vậy là, bà con mình đã thấy lợi ích của hội quán rồi. Vậy là, bà con biết rằng không thể mãi sống lủi thủi một mình, sản xuất riêng rẽ một mình rồi. Nghĩa là, bà con đã nhận ra rằng sẽ phải đương đầu với nhiều rủi ro nếu tiếp tục "đèn nhà ai nấy sáng, vườn nhà ai nấy làm" rồi. Vậy là, người Bình Thạnh từ nay đã làm cuộc cách mạng mới, cuộc cách mạng từ bỏ cách làm ăn nhỏ lẻ, manh mún, tự phát, để hợp tác lại mà "mua chung, bán chung". Sự thay đổi, dù lớn dù nhỏ, đều khó khăn và đáng mừng vì cái cũ đã bám dính vào mỗi người lâu lắm rồi, vì sự so đo thiệt hơn giữa người này với người kia, giữa người sản xuất với doanh nghiệp. Tất cả biến thành trở lực níu kéo mỗi người lại, mà muốn vượt qua thì cần hành động của cả hệ thống và cần đến sự kiên trì, bền bỉ nữa.
Cũng như đứa trẻ lên một tuổi bước đi còn lựng chựng, thậm chí té ngã, rồi lại bám vịn để đi tiếp. Thì đó, mới vừa nghe tin có hội quán người này người kia đã "quay lưng" lại với nhau do xuất hiện sự so đo, tính toán giữa "cái tôi" và "cái chúng ta". Nhưng với sự hỗ trợ của cấp uỷ, chính quyền, đã khôi phục lại rồi. Người này bước ra thì người khác bước vào và mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn. Vậy là đáng mừng! Nhưng cũng có hội quán nghe đâu hình như đang bơ vơ, mất phương hướng, mà chưa thấy ai đến "chìa bàn tay ra"... Vậy coi chừng mắc "bệnh phong trào" rồi đó! Thấy người ta mần thì mình cũng mần cho bằng chị bằng em, mần mà không hiểu hết ý nghĩa, mục tiêu là gì. Mần mà chưa lường hết những khó khăn để chuẩn bị kỹ lưỡng hơn, đeo bám thường xuyên hơn.
Hội quán của mình đã được nhiều chuyên gia đánh giá như là một sáng kiến cộng đồng, để từ đó, người nông dân không còn tự thu mình vào những "ốc đảo" nữa. Từ không gian hội quán, bà con sẽ được kết nối với cộng đồng và cả thế giới mênh mông nhờ được chia sẻ những thông tin, kiến thức, tri thức. Hội quán được các doanh nghiệp đánh giá là nơi thuận tiện để doanh nghiệp chia sẻ thông tin thị trường và bàn chuyện liên kết tiêu thụ. Hội quán được các nguyên lãnh đạo Tỉnh đánh giá đây là bước tập dợt cho tinh thần hợp tác, và từ đó sẽ thuận lợi cho bước thành lập hợp tác xã sau này. Gần đây, Hội quán của mình đã đón nhiều lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước đến thăm và đánh giá đây là cách thức tập hợp để người dân chia sẻ gánh nặng cho chính quyền, bớt dần mọi việc đều trông chờ, ỷ lại vào chính quyền.
Không biết lãnh đạo các địa phương đã thẩm thấu hết những giá trị mà hội quán mang lại như vậy chưa? Hay là, vẫn còn lo lắng sao nhiều hội hè quá, thời gian đâu mà đến với bà con? Hay là, vẫn còn lướng vướng gì đó, khi từ trước tới nay, nhiều tổ chức hội được thành lập một cách hình thức và rồi rơi vào "căn bệnh phong trào" nữa?
Xích Lô