Chuyện dừng dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 30 theo hình thức BOT
Cập nhật ngày: 24/11/2017 13:03:20
ĐTO - UBND tỉnh Đồng Tháp vừa có văn bản gửi Bộ Giao thông vận tải đề xuất dừng dự án đầu tư nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 30 theo hình thức BOT, đoạn từ tỉnh Tiền Giang đến TP. Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp, được triển khai từ năm 2015, do năng lực nhà đầu tư và khung chính sách giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn.
Các xe chuyên dụng đang khởi động theo nghi thức động thổ trong Dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 30 (ảnh: NLĐO)
Đồng thời, tỉnh còn đề nghị Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu xây dựng đường cấp cao An Hữu - Cao Lãnh song hành với Quốc lộ 30, nhằm giải tỏa lượng phương tiện lưu thông trên Quốc lộ 30 đã trở nên chật hẹp và xuống cấp, khi cầu Cao Lãnh và cầu Vàm Cống thông xe.
Có thể nói đề xuất của UBND tỉnh đã phản ánh kịp thời tâm tư, nguyện vọng của nhân dân.
Từ khi triển khai dự án, bên cạnh những vui mừng, phấn khởi với tương lai sẽ được đi trên con đường rộng, đẹp là không ít băn khoăn, thắc mắc về mức bồi hoàn khác nhau khi giải phóng mặt bằng do chính sách của mỗi địa phương, bảng giá đất từng khu vực khác nhau mặc dù đều trong phạm vi dự án; về đóng phí khi tham gia giao thông sau này. Bên cạnh đó, quá trình thực hiện, dự án đã ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất, kinh doanh, sinh hoạt của nhiều hộ dân và phương tiện giao thông trên những đoạn công trình bị thi công nham nhở, kéo dài.
Việc thu phí sau khi Quốc lộ 30 nâng cấp, mở rộng sẽ như thế nào cũng là chuyện được quan tâm khi dư luận đã và đang phản ứng quyết liệt về các trạm BOT đặt nhầm chổ, phí cao, không công khai minh bạch chi - thu, trong đó bức xúc nhất là việc nhà đầu tư bỏ ra một ít kinh phí gọi là nâng cấp rồi thu phí trong thời gian dài trên những đoạn đường hiện hữu do nhà nước làm từ trước. Mất an ninh trật tự trên địa bàn sẽ khó tránh khỏi nếu vẫn thực hiện dự án, như đã xảy ra ở nơi khác.
Khả năng hoàn vốn của nhà đầu tư cũng phải tính đến, bởi những phương tiện tham gia giao thông thuộc diện phải đóng phí có nhiều lựa chọn để né Quốc lộ 30, như Quốc lộ 80, các tỉnh lộ như ĐT 844, đều có thể từ TP.Hồ Chí Minh đến Đồng Tháp, An Giang, Campuchia và ngược lại. Khi cầu Cao Lãnh và cầu Vàm Cống thông xe, người tham gia giao thông càng có thêm lựa chọn.
Đề nghị dừng dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 30 theo hình thức BOT còn thể hiện sự linh hoạt, nhạy bén của UBND tỉnh sau khi có Nghị quyết 437 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV, trong đó có chủ trương không đầu tư các dự án cải tạo, nâng cấp các tuyến đường độc đạo hiện hữu theo hình thức BOT, bởi dự án Quốc lộ 30 được triển khai trước khi có chủ trương mới của Trung ương.
Quốc lộ 30 là tuyến giao thông huyết mạch, nếu không mở rộng, nâng cấp sẽ ảnh hưởng trước mắt và lâu dài không chỉ đến kinh tế - xã hội và quốc phòng - an ninh của Đồng Tháp mà còn cả khu vực, nhưng do hạn chế về nguồn lực, việc giải phóng mặt bằng, tái định cư hàng ngàn hộ dân hai bên đường rất khó khăn, phức tạp. Tuy nhiên, cần phải nâng cấp tuyến đường này bằng hình thức phù hợp. Đồng thời việc làm tuyến đường mới phía Đông song song với Quốc lộ 30, với mặt bằng chủ yếu là đất nông nghiệp, là cần thiết và khả thi, tạo điền kiện để Đồng Tháp nói riêng phát triển mạnh mẽ, bền vững hơn.
Xây dựng chính quyền kiến tạo, hành động, lấy sự hài lòng của người dân làm thước đo hiệu quả hoạt động đã, đang và vẫn là mục tiêu, phương châm hành động của các cấp chính quyền tỉnh Đồng Tháp, thể hiện bằng những hành động cụ thể, như đề xuất dừng dự án mở rộng, nâng cấp Quốc lộ 30 theo hình thức BOT. Tin rằng Trung ương sẽ thống nhất với những đề nghị, có những chủ trương, quyết sách phù hợp với Đồng Tháp, như đầu tư, nâng cấp Quốc lộ 30 bằng ngân sách và xây dựng một con đường mới, song hành.
Hữu Ý