Câu chuyện con rắn mối
Cập nhật ngày: 24/10/2017 09:58:59
Nói đến miền Tây, nói đến Đồng Tháp Mười, người ta thường nghĩ ngay đến xứ sở của cá, tôm, rùa, rắn, chuột đồng. Nhưng ở vùng đất bốn mùa hào sảng này còn nhiều sản vật, món ăn đậm chất hoang sơ của những người đi mở đất. Một trong những món ăn đậm chất đồng hoang chính là rắn mối, một loài bò sát bốn chân, hình như là họ thằn lằn, cũng tương tự như thằn lằn núi ở miền Đông, như con dông ở miền duyên hải. Rắn mối có thể “nướng mọi” mà cũng có thể “xé phay”. Dân sành ẩm thực nói thịt rắn mối còn ngon hơn thịt gà nữa đó!
Bữa rồi, đem rắn mối lên Sài Gòn nhờ chế biến để khoe với thiên hạ một món đặc sản của người miền Tây. Mọi người háo hức, sẵn sàng. Rồi nhân viên phục vụ mang ra món chả giò. Ủa, rắn mối đâu rồi, sao hổng mang ra? Nhân viên phục vụ phân trần, thì đó, “chả giò rắn mối” đó! Trời, đã ăn rắn mối biết bao nhiêu lần mà lần đầu thưởng thức món này! Cũng ngon vì vị lạ, vì trình bày bắt mắt. Người quản lý nói vui, chỉ cần khéo tay bằm thịt, ướp tẩm gia vị, quấn bánh tráng đem chiên là có một món ngon lành, sang trọng. Ảnh còn nói thêm, nếu để nguyên con thì khi thanh toán thực khách dễ so sánh giá cả, nhưng khi chế biến như vầy thì sẽ khó có cái để mà so sánh, giá trị gia tăng cao nằm trong đó. Một con rắn mối mà biết cách chế biến thì giá bán có thể bằng cả năm mười con. Thì ra là vậy, nguyên lý và nghệ thuật kinh doanh là đây!
Đem câu chuyện “chả giò rắn mối” nhiều hàm ý chia sẻ với “Tâm quê Hội quán”, Hội quán thứ 25 của Đất Sen hồng. Bà con nghe mà thấy hình như thấm lắm, bàn ra tán vào thật sôi nổi. À, thì ra nông sản xứ mình tuy mang danh nghĩa đứng đầu về sản lượng nhưng chỉ biết bán thô. Những khâu bảo quản, chế biến, xây dựng thương hiệu, quảng bá truyền thông, phân phối hầu như còn xa lạ với người sản xuất. Vậy là, những phân khúc tạo ra giá trị cao nhất thì nằm ở đâu đó, còn người sản xuất nhận được giá trị ở phân khúc thấp nhất. Vậy là cùng làm ra sản lượng như nhau nhưng chỉ cần biết cách kinh doanh thôi đã đem về lợi nhuận gấp nhiều lần rồi. Làm sao bây giờ đây bà con mình ơi?
Thì bà con mình phải nghĩ khác, làm khác thôi! Phải chuyển tư duy sản xuất thiên về sản lượng, trông chờ vào giá cả cao như bao đời nay. Bây giờ thì phải là “tư duy kinh tế lấy giá trị gia tăng làm mục tiêu”. Có dễ không? Chắc là không! Bà con mình quen vậy rồi. Doanh nghiệp mình cũng quen vậy rồi. Chính quyền và bộ máy chuyên ngành lại cũng quen vậy rồi. Làm sao mà biết bảo quản, làm sao mà biết chế biến đây? Rồi ai hỗ trợ cách đóng gói, bao bì, nhãn mác, xây dựng thương hiệu đây? Rồi ai giúp quảng bá truyền thông? Rồi bán ở đâu? Không khéo lại ế hàng cho coi! Nói chuyển từ “tư duy sản xuất” sang “tư duy kinh tế” thì dễ lắm nhưng hiện thực hoá mới là khó, khó trăm bề! Đi trên con đường cũ biết là sẽ gặp nhiều rủi ro, nhưng đổi hướng sang đường khác thì lại trăm mối lo. Vạn sự khởi đầu nan mà! Đâu phải mọi chuyện đều là thuận lợi, suôn sẻ. Đâu phải con đường đi đến giàu có không còn gồ ghề.
Trong trăm cái khó thì cái khó nhất là lòng quyết tâm của con người, của cả hệ thống. Phải thấy “tư duy kinh tế, lấy giá trị gia tăng làm mục tiêu” là con đường duy nhất để tránh rủi ro mùa vụ và vươn lên giàu có. Chắc chắn sẽ có nhiều điều còn lạ lẫm, nhiều việc chưa từng được biết. Nhưng chưa biết thì đi học. Học để biết kiến thức thị trường, thế nào là quy luật cung cầu. Học để biết thế nào là an toàn vệ sinh thực phẩm. Học để biết thế nào là đạo đức kinh doanh. Học để biết viết phương án sản xuất, kinh doanh khả thi để có thể tiếp cận các nguồn lực. Học để biết sử dụng công nghệ thông tin để tìm kiếm thông tin thị trường,...
Ủa, nhưng mà bà con mình học ở đâu? rồi ai truyền đạt các kiến thức đó? Vậy là, phải chuyển hướng chương trình dạy nghề nông thôn, phát huy chức năng các trung tâm văn hoá - học tập cộng đồng. Người truyền đạt các kiến thức không chỉ là các cán bộ nông nghiệp, mà mời các doanh nghiệp cùng tham gia. Tư duy kinh tế, kiến thức thị trường thì chắc chắn doanh nghiệp, chuyên gia tư vấn giỏi hơn cán bộ, công chức của mình rồi.
Vậy là, con đường đi dần hiện rõ rồi. Phần còn lại là chính bà con mình có mong muốn như vậy không, có sẵn lòng và sẵn sàng hay không? Những việc đó có thể một người không làm được thì nhiều người tâm huyết xúm nhau lại mà làm, chủ động lập kế hoạch mà làm, kiên trì mà làm, từng bước mà làm. Phía sau bà con là chính quyền, là doanh nghiệp, là chuyên gia. Vậy đó, sự thành bại nằm trong chính suy nghĩ và hành động của bà con thôi!
Từ món “chả giò rắn mối” mà sao thấy còn nhiều việc phải làm, nhiều điều muốn chia sẻ với mọi người. Mà đâu có gì mới mẽ lắm đâu? Ngay bữa khai trương Hội quán, đã có món yaourt xoài, còn Hội quán bên cạnh bà con đã làm bánh tráng xoài nữa rồi! Và, nếu chịu khó sáng tạo thì có thể làm ra vài chục, thậm chí vài trăm món ăn, thức uống và những sản phẩm khác từ trái xoài. Ở Tâm quê Hội quán và nhiều nơi đâu đó trên mảnh đất này đã có những người như vậy rồi đó!
Xích Lô