Câu chuyện đốt lửa và giữ lửa
Cập nhật ngày: 13/10/2017 17:47:03
Nhớ có vở kịch mang tên "Nếu Anh không đốt lửa"có những câu rất thâm thuý: "Nếu tôi không đốt lửa/Nếu anh không đốt lửa/Nếu chúng ta không đốt lửa/Thì làm sao tối có thể trở thành ánh sáng". Còn một câu cũng tương tự như vậy: "Thà thắp lên một ngọn nến, hơn là nguyền rủa bóng đêm". Vậy đó, trong ngổn ngang bốn bề trên con đường đi đến thịnh vượng, thay vì ngồi đó mà chỉ trích, thì mỗi người sao không thắp lên một ngọn nến, nhen lên một đốm lửa?
Phải có niềm tự hào về những việc làm được, nhưng cũng phải biết ray rứt về những việc chưa làm được, không làm được, khi biết đó là cách duy nhất đúng, con đường phải đi. Phải chăng trên con đường phát triển đang bị sự tự bằng lòng ở mỗi người níu kéo đôi chân và khối óc của mình lại. Khó khăn đang bủa vây! Phía trước bao nhiêu là thách thức! Thiên hạ chạy ào ào rồi! Mình tự bằng lòng, "đủng đa, đủng đỉnh" thì mất cơ hội, thì tụt hậu!
Thì đó, nếu mình vẫn tự hào về thành tích nông nghiệp với đứng tốp này tốp kia khi "đong - đo - đếm" sản lượng mà chậm chuyển sang cách tính toán lấy giá trị gia tăng làm mục tiêu hướng tới thì sẽ ra sao? Nhiều người nông dân vẫn đang tự bằng lòng với cách lạm dụng phân thuốc, vừa tăng chi phí đầu vào, vừa ảnh hưởng sức khoẻ người tiêu dùng và cả chính mình, vừa đánh mất đi thương hiệu những đặc sản bao đời. Nếu và nếu cứ tiếp diễn như vậy thì nông nghiệp xứ mình sẽ ra sao, nông sản xứ mình sẽ về đâu? Nếu bà con nông dân vẫn làm ăn riêng lẻ, không chịu "chăm chỉ, tự lực, hợp tác" với nhau thì câu chuyện tái cơ cấu nông nghiệp và mục tiêu xây dựng nông thôn mới có đến đích được không? Ngoài kia thiên hạ đang rầm rộ triển khai nông nghiệp 4.0 rồi.
Thì đó, nếu doanh nghiệp mình vẫn tự bằng lòng với thành công từng thương vụ mà quên đi xây dựng chiến lược phát triển dài hạn thì rồi sẽ ra sao? Thiên hạ người ta đã đi vào "nền kinh tế số" rồi, đang "số hoá" tất cả ngành, lĩnh vực để không phải đi, mà là chạy đua với nhau rồi. Doanh nghiệp xứ người ta không ngừng nâng tầm quản trị, chăm lo xây dựng nguồn nhân lực thích ứng với cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 - Cuộc cách mạng không có tiền lệ trong lịch sử nhân loại. Đó là thương hiệu doanh nghiệp. Đó là điều kiện tiên quyết để cạnh tranh thành công. Tự bằng lòng với những con số trong bản kết toán cuối năm là tự mình làm suy yếu mình trong cuộc cạnh tranh khốc liệt!
Thì đó, nếu đội ngũ trí thức tự bằng lòng với kiến thức của mình trong thời đại, nào là "trí tuệ nhân tạo", nào là "vạn vật kết nối", nào là "dữ liệu lớn" thì mình sẽ ra sao? Giáo dục xứ người ta đã hoạch định chiến lược giáo dục ở nhiều cấp nhằm giúp học sinh có kiến thức và kỹ năng tính toán, vật lý, lập trình, hoặc chế tạo robot, đảm bảo rằng học sinh của họ sẵn sàng cho cuộc cách mạng công nghiệp mới. Hổng lẽ mình mãi mãi chấp nhận là người đi sau?
Thì đó, nếu bộ máy của mình vẫn tự bằng lòng với vị trí hiện tại, vẫn tư duy "năm sau cao hơn năm trước" thì sẽ ra sao trong cuộc cạnh tranh giữa các địa phương? Mình tiến một, mà có biết người ta sẽ tiến bao nhiêu chưa? Làm sao từ bỏ tư duy "chính quyền quản lý bằng mệnh lệnh hành chính" để chuyển sang tư duy "chính quyền kiến tạo", hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo? Muốn vậy, bộ máy phải mang tâm thế khởi nghiệp, luôn luôn sáng tạo trong từng công việc nhỏ nhất. Muốn vậy, hãy thoát ra bàn giấy, rời khỏi phòng làm việc để lắng nghe hơi thở cuộc sống, đốt lên từng đốm lửa nhỏ, rồi cùng nhau kiên trì giữ lửa trước những cơn gió to. Muốn vậy, bộ máy phải đoàn kết, hợp tác cùng nhau, đừng có "trống đánh xuôi mà kèn thì thổi ngược". Muốn vậy, từng người phải thường xuyên cập nhật cái mới, hấp thu cái mới.
Nhưng rất vui khi đã có nhiều đốm lửa được nhen nhóm lên rồi! Đâu đâu cũng có những đốm lửa như vậy. Có cái cháy lên rồi vụt tắt. Có cái vẫn còn âm ỉ. Có cái đang bùng lên. Đốm lửa được nhen lên từ những người nông dân không còn than thở "được mùa mất giá", mà biết tự lực, hợp tác với nhau để giảm chi phí và nâng cao chất lượng nông sản. Đốm lửa được nhen lên từ những doanh nhân khát vọng cống hiến nhiều hơn cho xã hội. Đốm lửa được nhen lên từ những người trí thức tâm huyết biến những tinh hoa thành những giá trị cho cuộc đời. Đốm lửa được nhen lên từ những người khởi nghiệp đầy đam mê, nhiệt huyết với những ý tưởng mới mẽ, với nhiều sản phẩm khai thác từ tài nguyên bản địa. Đốm lửa được nhen lên từ những cán bộ, công chức, viên chức mẫn cán, thầm lặng thay đổi phong cách làm việc để công việc hiệu quả hơn. Đốm lửa được nhen lên từ những người lãnh đạo đang trau dồi kiến thức, kỹ năng, mạnh mẽ bước ra ngoài xã hội, truyền cảm hứng cho cả hệ thống và người dân, doanh nghiệp.
Mỗi người lãnh đạo cũng hãy tự đốt lên ngọn lửa lòng và truyền hơi ấm đổi mới đến xã hội. Ngạn ngữ có câu: "Khi bạn thấy một người tốt, hãy ganh đua với anh ta. Khi bạn thấy một người xấu, hãy xem xét lại trái tim mình". Vậy, nếu mình trách chỗ này, người kia tự bằng lòng, còn trông chờ, ỷ lại thì cũng nên tự soi rọi lại bản thân mình, xem mình có đủ kiên nhẫn, đủ khả năng thuyết phục và kích hoạt mọi người chưa?
Vậy đó, ngọn lửa thay đổi đã cháy lên trên mảnh Đất Sen hồng rồi. Ai là người giữ cho nó mãi cháy? Ai là người kết nối những đốm lửa nhỏ lại và thổi bùng thành ngọn lửa rực cháy trên xứ sở này? Ai?
Xích Lô