Ngọt ngào thay một chữ "tâm"
Cập nhật ngày: 17/07/2017 14:37:10
Lại là một chữ "Tâm". Đó là: "Hiệp Tâm Hội quán" - “ngôi nhà chung” của bà con bao đời gắn bó với cây kiệu, củ khoai môn ở Phú Hiệp - Tam Nông quê mình. Có gì lạ không ở cái Hội quán thứ 22 trên mảnh đất Sen hồng và thứ hai của vùng đất Tam Nông này? Nơi được xem là chỗ ngập sâu nhất của lòng chảo Đồng Tháp Mười. Xin nói liền, vừa quen, vừa lạ!
Không quen sao được? Vẫn là không gian chan hoà ấm cúng. Vẫn là những bàn tay gân guốc, chai sạm của những người nông dân dãi nắng - dầm sương, xem nghề nông không chỉ là cái nghề để sống, mà như cái nghiệp đã mang vào thân, được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Vẫn là những lời nói dung dị, mộc mạc, đậm hơi thở của ruộng - của đồng, của sông - của nước. Vẫn là những cán bộ cơ sở vừa vui mừng, vừa hồi hộp, đôi khi lo sợ những sai sót nhỏ sẽ làm hỏng một sự kiện lớn đối với một làng xóm vốn quen thuộc với sự bình lặng, yên ả.
Và vẫn là câu chuyện quen thuộc, mà vẫn muốn chia sẻ và sẽ còn tiếp tục chia sẻ để bà con mình thay đổi và cùng dắt tay nhau thay đổi. Là củ kiệu, củ khoai quê mình làm sao phát triển bền vững, đậm mùi thơm nồng của đất, của người. Thì đó, đâu chỉ Phú Hiệp quê mình làm ra được củ kiệu, củ khoai. Khắp nơi trên mảnh đất hình chữ S này người ta cũng làm được. Vậy thì, mình phải làm sao để tồn tại, để vượt lên, mà trước hết là đừng để phải lâm vào tình trạng bị “giải cứu“ như nhiều loại nông sản khác, ở nhiều địa phương khác, trong thời gian gần đây?
Muốn vậy, trước tiên và không có con đường lựa chọn khác, đó là tất cả phải đoàn kết lại, cùng tham gia sinh hoạt trong hình thức tập thể nào đó. Nghĩa là, đừng có sống lủi thủi một mình, làm ăn một mình, để không gặp phải tình huống "con kiến mà kiện củ khoai". Nghĩa là, phải biết chia sẻ cùng nhau, sống chết cùng nhau. Nghĩa là, cần từ bỏ nếp nghĩ mình muốn tồn tại thì người khác không tồn tại, mình muốn thắng thì phải làm sao cho người khác phải thua. Nghĩa là, phải là làm sao mọi người cùng thắng trong cuộc cạnh tranh khốc liệt này. Tóm lại là phải thay đổi, phải “nghĩ khác, làm khác“ với những gì mình đã nghĩ, đã làm bấy lâu nay.
Nông dân xứ mình trước giờ vẫn chăm bẳm sản xuất sao cho thiệt là nhiều và thu hoạch thì bán nông sản thô. Tất cả đều thắt thỏm sau một mùa vụ với bao mồ hôi công sức. Được giá thì vui mừng, hoan hỉ. Mất giá thì thắt lòng, thắt dạ. Lưng chừng ở giữa thì coi như là “lấy công làm lời“ và chờ đợi mùa vụ sau, cũng giống như đánh bài - “thua keo này thì ta bày keo khác" để gỡ lại!
Nông dân người ta đã xem “không thay đổi là chết và không thể ngồi đó mà chờ chết“! Họ đã hiểu rằng, không được làm ra nông sản chỉ biết mang lại lợi nhuận cho mình mà ảnh hưởng đến người khác. Họ hiểu rằng, như vậy là đánh mất niềm tin người tiêu dùng. Mà mất niềm tin là mất tất cả!!! Họ nghĩ rằng, sản xuất phải bằng cái "tâm", phải mần ăn cho tử tế vì tử tế là con đường duy nhất đi đến thành công!
Nông nghiệp xứ nào cũng vậy, nếu con gì, cây gì, trái gì mà càng nhiều thì đối mặt với một thực trạng mang tính quy luật: giá cả thấp! Vậy thì, bà con phải mần sao đây? Đó là phải biết dành một phần để bảo quản dài ngày hơn, một phần để chế biến ra nhiều loại sản phẩm khác có giá trị gia tăng cao hơn. Nào phơi nào sấy, nào ép nào xay, nào làm mứt làm làm dưa, nào mặn nào ngọt, nào chua nào cay. Rồi rộng mở mảnh vườn, thửa ruộng để đón khách du lịch đến trải nghiệm, thăm thú. Rồi tự hào giới thiệu, đây là củ kiệu do tui làm thế này thế này, củ khoai tui làm như vầy, như vầy. Rồi đây là dưa kiệu sạch vợ tui làm, miếng khoai con tui chiên, tất cả được làm theo quy trình đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, bao bì coi bắt mắt không?
Vậy đó, người ta làm giàu không chỉ dựa vào sự cần cù làm ra sản lượng nhiều nhất, mà dựa vào sự thông minh để biết cách bảo quản, chế biến sao cho mang lại hiệu quả tối ưu nhất. Và đó cũng là cách để họ vượt qua lời nguyền “được mùa mất giá“ đang đè nặng lên người nông dân xứ nào cũng vậy. Bởi họ hiểu rằng, đó là “quy luật của muôn đời, "cung tăng“ mà “cầu không tăng“ thì tất yếu giá sẽ giảm. Bà con ra ngay ngôi chợ Phú Hiệp mình mà coi, cá nhiều thì giá giảm xuống, cá ít thì giá tăng lên. Hiếm hàng và hàng “dội chợ“ là hai đầu của câu chuyện giá cả.
Bà con mình làm ra và bán loại nông sản này thì hãy suy nghĩ như khi mình đi mua một loại nông sản khác vậy. Nghĩa là, khi mua thì ai cũng tìm loại nào giá thấp nhất hoặc ít nhất cũng “giá phải chăng“, nhưng chất lượng thì phải tốt nhất và an toàn khi sử dụng.
Người xưa đã đúc kết: “Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài“! Vậy đó, sản xuất, buôn bán phải bằng chữ "tâm", bằng sự tử tế là như vậy đó, bà con “Hiệp Tâm Hội quán“ mình ơi!
Xích Lô
(Ngày 16/7/2017)