Câu chuyện cái nút thắt
Cập nhật ngày: 05/06/2017 09:54:00
Đi thăm thú ruộng vườn riết rồi cũng hết ý tứ. Thôi thì, thử đến với bà con miền sông nước, đến với những người chọn nghề nuôi cá lồng bè Bình Thạnh, Cao Lãnh xem sao. Một dãy lồng bè san sát nuôi cá thương phẩm. Những ao hầm nuôi cá ươm giống. Nhìn đàn cá màu hồng tung tăng mà thấy lòng mát mẻ làm sao. Chợt nhớ câu "Muốn giàu thì nuôi cá, muốn khá thì nuôi heo, mà muốn nghèo thì nuôi vịt". Nói như vậy là nuôi cá thì sẽ giàu có, khấm khá rồi chứ gì?
Ngồi chia sẻ với Ban Chủ nhiệm Hợp tác xã thấy nhu cầu thức ăn cho cá là rất lớn. Trước giờ, bà con mua thức ăn từ một doanh nghiệp nào đó ở xa, mua riết thành mối rồi. Nghe vậy, mách với bà con rằng, bên kia dòng sông Tiền này có Nhà máy thức ăn nằm trong tốp đầu Khu vực, lại có thức ăn dành riêng cho cá có vảy nữa. Nếu hơn 50 thành viên hợp tác xã mà mua chung sản phẩm thì khối lượng tiêu thụ sẽ rất lớn chắc là nhà máy người ta sẽ có nhiều chính sách ưu đãi cho bà con mình. Nghe chừng bà con nghe ra thấy vậy là sẽ có lợi hơn.
Và rồi, đi sang bên kia sông, gặp lãnh đạo nhà máy chế biến thức ăn để kết nối dùm cho bà con. Sau một hồi trao đi đổi lại, họ đồng ý phương án liên kết dài hạn để cung cấp thức ăn cho Hợp tác xã với điều kiện ưu đãi tối đa.
Vậy là coi như xong, bên này cần bên kia đáp ứng, có qua có lại, bà con mình đỡ đi phần nào chi phí sản xuất mà Nhà máy thì có thêm khách hàng, thêm sản lượng, thêm doanh thu. Nhưng sự đời đâu có suôn sẻ như vậy, đâu có trôi chảy như dòng nước dưới các lồng bè đâu. Bởi có thông tin rằng, bà con đã trót mua thức ăn ở cơ sở khác lâu rồi. Nói theo dân gian là đã "ăn chịu" với nhau rồi. Mà bà con lại còn nợ nần dây dưa với mối cũ thì làm sao liên kết với mối mới được? Muốn kết thúc với mối cũ thì phải có tiền trả nợ cho người ta, mà chắc cũng dùng dằng lắm. Vậy là mới mừng đó lại khắc khoải đó. Biết là vấn đề lịch sử để lại nhưng không lẽ cứ để vậy mãi sao? Lại một nút thắt nữa được phát hiện ra trên con đường tái cơ cấu ngành Nông nghiệp.
Nhớ lại, những lần tiếp xúc với bà con, vấn đề nông dân mình lo lắng nhất là phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả, kém chất lượng. Bà con mình nói chính nó là tác nhân làm khốn khổ nông dân mình. Thì đó, bà con mua ở các đại lý cấp 3, cấp 4 gì đó. Mỗi tầng, mỗi nấc là giá bị đội lên, lại gặp hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng nữa thì thiệt đơn - thiệt kép rồi còn gì!?!
Mà đâu chỉ có vậy. Người kinh doanh nào mà không nghĩ đến lợi nhuận. Và vì lợi nhuận mà thiếu hiểu biết, hoặc thiếu lương tâm thì lẽ ra chỉ cần một, họ lại khuyến cáo dùng hai. Như vậy, không phải chỉ thiệt đơn thiệt kép mà thiệt ba thiệt bốn rồi. Mối quan hệ giữa đại lý, doanh nghiệp cung cấp vật tư đầu vào như sợi dây vô hình trói chặt bà con nông dân trong "lời nguyền chi phí sản xuất cao", mà chi phí đầu vào càng tăng thì lợi nhuận sẽ càng giảm. Mới vừa rồi, giật mình với thông tin trên báo đài: nông dân Việt Nam đang lãng phí gần 50% vật tư đầu vào. Chỉ "lãng phí" không thôi hay còn "những sợi dây vô hình, chằng chịt" giữa người cung cấp với bà con mình gây ra cớ sự như vậy?
Lại nghe nói còn có tình trạng đại lý, doanh nghiệp bán thức ăn cho người chăn nuôi, một khi có lý do bất khả kháng gì đó, người nuôi không trả được nợ thì họ thu sản phẩm rồi đem bán để khấu trừ. Như vậy là họ hưởng chênh lệch ở cả hai đầu, mặc tình cho người nuôi bấp bênh thế nào, lời lỗ ra sao!!! Nghe sao thật thắt lòng với cái nút thắt thòng lọng này. Ai là người sẽ giúp người nông dân tháo ra cái nút thắt nghiệt ngã này đây? Ngành Nông nghiệp hay Hội Nông dân? Cấp uỷ hay chính quyền?
Đúng là mối quan hệ giữa bán và mua trong trường hợp này là sự tự nguyện của hai bên, không thể điều chỉnh bằng mệnh lệnh hành chính. Nhưng như vậy hổng lẽ cả hệ thống, cả bộ máy "bó tay" trước thực trạng đáng buồn này, hay ngoảnh mặt làm ngơ trước sự khó khăn của bà con mình. Ở đây phải thấy trách nhiệm quản lý nhà nước của cơ quan chuyên ngành. Ở đây phải thấy trách nhiệm của những người đại diện cho giai cấp nông dân trong bảo vệ quyền lợi cho thành viên của mình.
Đúng là có quá nhiều khó khăn về quy định của pháp luật ràng buộc, thậm chí có thể trói tay các cơ quan quản lý. Nhưng nếu nhìn ra được nút thắt mà thờ ơ thì sẽ có tội với người nông dân. Sao đành lòng ngồi mà nhìn cảnh "cá lớn nuốt cá bé" đây?
Tất nhiên, "người trong cuộc - nông dân" phải là người nhìn thấy nút thắt này và mong muốn tháo ra thì mới thay đổi thực trạng đáng buồn, đáng lo này. Bà con mình phải hợp tác với nhau trong một mô hình có tư cách pháp nhân, mua bán bằng hợp đồng kinh tế để có đủ điều kiện tranh chấp pháp lý sau này. Một khi bà con mình hợp tác với nhau, tận dụng sức mạnh dựa vào quy mô để mua chung bán chung, "mua tận gốc - bán tận ngọn", sẽ làm giảm thiểu rủi ro luôn rình rập đâu đó cho mình.
"Những con cá bé biết hợp tác lại với nhau sẽ trở thành con cá lớn". Không có con đường khác để lựa chọn!
Xích Lô