Câu chuyện bên dòng Sở Thượng
Cập nhật ngày: 28/04/2017 16:21:25
Xứ mình thiệt là đâu đâu cũng sông ngòi, đâu đâu cũng kênh rạch. Những dòng sông bao đời do thiên nhiên ban tặng, những con kênh, con rạch do sức người gian lao tạo lập. Tất cả là chỗ dựa cho những người dân quê mình sinh sống và làm lụng từ thế hệ này tiếp nối thế hệ khác. Những dòng nước xanh mát dẫn nguồn phù sa làm màu mỡ để tạo nên những đồng lúa xanh ngát, những vườn cây trĩu quả. Từ những dòng sông đó, con kênh đó, đã hình thành nên nghề đánh bắt thuỷ sản tự nhiên, những lồng bè, những làng nghề trên bến - dưới thuyền như những nguồn sữa mẹ nuôi dưỡng từng lớp người, hình thành nên cốt cách của người dân miền sông nước.
Một ngày cuối tuần ngồi cùng bà con 2 bên bờ của dòng Sở Thượng với nhiều cảm xúc, nhiều tâm trạng đan xen. Một bên là làng nghề làm khô, làm mắm bao đời - Làng nghề An Lạc; một bên là làng nghề nuôi lươn mới phát đạt gần đây - Làng nghề Tân Hội, Bình Thạnh. Nhìn những sản phẩm tạo ra từ những người nông dân cần cù, chất phát mới thấy tự hào về bà con mình quá, khâm phục bà con mình quá! Hồng Ngự quê mình đâu còn thuần nông, đâu chỉ có lúa. Hai hội quán ra đời bên đôi bờ Sở Thượng là một thay đổi không nhỏ trong tâm thức của những người nông dân một nắng - hai sương. Thậm chí có thể xem đây là một cuộc cách mạng của những người nông dân khi đã thoát ra cách sống "đèn nhà ai nấy sáng", để bước ra một không gian sinh hoạt cộng đồng "tối lửa tắt đèn có nhau", để chăm lo cho nhau và cũng là để tự cứu lấy mình trước những đổi thay của điều kiện tự nhiên và của thị trường. Ông bà mình dạy "bán bà con xa mua láng giềng gần" mà! Thì đó, bà con đã thốt lên những lời lẽ dung dị, gần gũi nhưng sâu lắng những cảm xúc chân thật của những người nông dân đất Sen hồng đầy hào sảng. Nào là, "chúng ta phải đoàn kết lại, không thể sống riêng lẻ, làm ăn riêng rẽ được nữa rồi". Nào là, "cái cảnh tranh mua - tranh bán chỉ làm cho chính bà con thua thiệt trăm bề mà thôi". Nào là, "nhờ chính quyền giúp sao cho sản phẩm làm ra có được thương hiệu để thiên hạ gần xa biết đến nhiều hơn, bán được giá cao hơn". Rồi cũng chính bà con chia sẻ với nhau rằng, muốn vậy thì mình phải sản xuất cho sạch, làm ăn cho tử tế, đừng có cảnh "một người làm gian làm cho ngàn người khó". "Nước xa không cứu được lửa gần" phải không?
Vậy đó, hội quán đâu có gì to tát lắm đâu, chỉ là mái hiên nhà thôi, nhưng quan trọng là có nơi để bà con xúm xít với nhau, nhắc nhở nhau, bảo ban nhau, cùng nhau bàn chuyện xóm - chuyện làng, chuyện mần ăn tử tế để phát triển bền vững. Bà con còn nói thiệt là dễ thương: "Đây là nơi chia sẻ với nhau kinh nghiệm, để người biết nhiều chia sẻ với người biết ít, để tất cả đều trở nên giàu có!". Ai đó nói một câu thiệt hay, thiệt đúng trong trường hợp này, đó là" "Nếu muốn đi nhanh thì đi một mình, còn muốn đi xa thì phải đi cùng nhau". Nghe như mở cờ trong bụng!
Tuy nhiên, vẫn đâu đây thấy nặng lòng, vẫn thấy còn nhiều nỗi ưu tư. Câu chuyện hợp tác trong dân mình thường thiếu bền chặt. Nhiều nơi mới đầu thì hồ hởi lắm, quyết tâm lắm, nhưng rồi, "chén trong sóng còn khua", lợi ích chung và lợi ích riêng không cân phân rõ ràng thì từ từ xung đột sẽ xảy ra. "Bằng mặt mà không bằng lòng", ngồi chung bàn mà xoay lưng với nhau, ngấm ngầm tìm cách "ăn mảnh". Đâu đó không thiếu tình cảnh đó! Người mình ai cũng biết vậy là không tốt nhưng không ít người lại muốn vượt lên trên, lên trước người khác bằng mọi cách. Vậy là, tiếp tục tranh bán - tranh mua, rồi nâng giá lên, kéo giá xuống, thương hiệu mất dần, tình cảm xóm giềng cũng theo đó nhạt nhoà dần. Cái bẫy chết người đó đã và đang hiện hữu trong từng xóm làng, từng tổ chức. Nghĩ đến sao thấy chạnh lòng!
Biết vậy không phải để nản chí nản lòng! Biết vậy để mọi người từ cấp uỷ đến chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, nhất là Hội Nông dân càng thấy mình cần phải sát sao, phải luôn sát cánh với bà con. Đừng "đánh trống bỏ dùi"! Nên ân cần và kiên trì, nhẫn nại và bao dung. Bác Hồ chỉ bảo rằng, nói người khác không nghe thì nhiều khi phải tự trách lại mình: "Phải chịu khó tìm đủ cách" để họ hiểu. Tuyên giáo đâu, Dân vận đâu, có cùng nhập cuộc chưa? Có "đến tận ngõ, gõ từng nhà" chưa?"
Phía trước chúng ta là thách thức và luôn luôn là thách thức. Ngày xưa, người Hồng Ngự anh hùng trong các cuộc kháng chiến, anh dũng trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam. Bờ cõi thì bà con mình đã góp bao công sức, máu xương để giữ vững rồi. Nhưng trước mắt là một cuộc chiến mới, cuộc chiến vượt qua cái nghèo, để làng xóm trù phú, để người người giàu có.
Cuộc chiến đó suy cho cùng, thành công hay thất bại đều nằm trong tay bà con. Cả hệ thống đều phải cùng cận kề với bà con chứ đừng hô hào, khẩu hiệu suông!
Ra về văng vẳng bên tai câu hát do 2 ca sĩ của Trung tâm Văn hoá Thị xã trình diễn: "Tôi có người yêu mang tên Hồng Ngự/Lòng còn tràn bao nhung nhớ/Trong tôi gói trọn ước mơ ...".
Xích Lô