Câu chuyện trúng mùa
Cập nhật ngày: 10/12/2016 16:15:36
"Ngày mùa vui thôn trang, lúa reo như hát mừng!". Ông Nhạc sỹ Văn Cao sáng tác một bài hát nghe thật hay, thật rộn ràng từ mấy mươi năm trước.
Xứ mình là xứ nông nghiệp, nên quanh năm suốt tháng, đời trước rồi đời sau, bà con mình, dù trồng xoài hay trồng nhãn, dù trồng cam hay trồng ổi, dù nuôi cá hay nuôi tôm, khi gặp nhau thường thì câu hỏi đầu tiên là: "Chị 3 ơi, vụ này có trúng mùa hông, năng suất bao nhiêu vậy?". Hoặc là: "Chú 9 ơi, giá cả mùa này sao rồi, có đỡ hông?". Nghe riết rồi quen tai, thấy... thật bình thường! Mà phải vậy thôi, cả mùa vụ, biết bao công sức, mồ hôi và nước mắt, "lãi mẹ đẻ lãi con", tất cả trong chờ vào bao nhiêu đó, trúng mùa và được giá. Mà đâu chỉ bà con nông dân mình vui không đâu, chính quyền cũng xem đó là thành tích, thậm chí là kỳ tích của mình: "Năng suất của địa phương tui bằng này nè, năm nay cao hơn năm ngoái và năm ngoái cao hơn năm ngoái nữa đó nghen!".
Với cách nghĩ như vậy, cho nên cả hệ thống phải vào cuộc để làm sao năng suất phải cao hơn, sản lượng phải tăng lên. Ngành nông nghiệp thì lo công tác khuyến nông, bảo vệ thực vật, khuyến khích dùng giống "cao sản", tổ chức các cuộc hội thảo đầu bờ, cùng nông dân ra đồng... Bà con nông dân thì thâm canh tăng vụ, từ chỉ một vụ lúa mùa, rồi thì vụ 2 vụ 3, sử dụng phân bón, thuốc kích thích tăng trưởng ngày càng nhiều hơn. Tất cả chỉ mong những vụ mùa bội thu, những thành tích làm đẹp các bản báo cáo. Mùa này, vụ sau cứ thế mà tiếp diễn. Nếu có rủi ro thì là do thiên tai, dịch bệnh nên mất mùa, hoặc do tư thương, doanh nghiệp nên "được mùa mà... rớt giá". Có cách thoát ra khỏi tình cảnh triền miên này không?
Chúng ta đang sống và làm ăn trong nền kinh tế thị trường. Muốn tồn tại và phát triển thì mỗi người, mỗi nhà, mỗi địa phương phải hiểu bản chất và cách vận hành của nền kinh tế thị trường như thế nào. Mọi hoạt động kinh tế dù ở cấp độ nào, từ các tập đoàn lớn, các doanh nghiệp cho đến hộ gia đình sản xuất, kinh doanh, đều hướng đến "lợi nhuận", mà "lợi nhuận" là bài toán trừ giữa doanh thu và chi phí đã bỏ ra. Đối với người nông dân thì đó là khoản "tiền tươi, thóc thật" thu được sau mỗi mùa vụ. Từ trước đến nay, bà con mình luôn nghĩ rằng bán nông sản được càng nhiều, giá càng cao thì lợi nhuận sẽ càng cao.
Nhưng sự đời không hẳn là như vậy, và trong sản xuất kinh doanh cũng không hẳn là như vậy. Này nhé, chúng ta muốn bán giá càng cao càng tốt, nhưng có một ai đó, bằng cách nào đó, vì lý do nào đó, bán một sản phẩm cũng tương tự như chúng ta, nhưng với giá thấp hơn thì điều gì sẽ xảy ra? Chắc chắn rằng khi ấy, người mua sẽ từ chối chúng ta để mua của người khác. Khi bà con mình ra chợ hàng ngày trong vai của người mua thì cũng đắn đo túi tiền, "liệu cơm gắp mắm", rồi hành xử tương tự thôi mà! Nghĩa là, mình bán thì cũng có "trăm người bán" như mình, mình mua thì cũng có "vạn người mua" như mình. Thị trường là vậy, "trăm người bán, vạn người mua" là vậy! Không thể khác, không có độc quyền bán cũng như độc quyền mua!
Đến đây, chắc hẳn có bà con sẽ nói rằng: "Tui là nông dân sản xuất giỏi, từng được tuyên dương ở cấp này, cấp nọ. Đã sản xuất giỏi thì là người biết mần ăn, biết tính toán, sao lại có người nào sản xuất với chi phí thấp hơn tui được?".
Có đấy chứ! Này nhé, người ta trồng xoài ở Campuchia, ở Thái Lan, người ta trồng cam, trồng quýt ở tận Trung Quốc, tức là cách chúng ta gần thì cũng vài trăm, xa thì vài ngàn cây số, mà sao họ vẫn đem các thứ đó vượt qua khoảng cách như vậy, với bao nhiêu là chi phí, để cạnh tranh được với chúng ta? Không cần biết họ trồng trọt ra sao, nhưng chắc chắn chi phí sản xuất thấp hơn chúng ta để vừa đủ bù vào chi phí vận chuyển và hao hụt đường xa, vừa đủ để bán giá cạnh tranh với chúng ta. Đó chính là điều khiến chúng ta phải suy suy nghĩ thấu đáu!
Một bữa nọ, gặp anh Bảy Lâu, Giám đốc Hợp tác xã Tân Bình, huyện Thanh Bình kể chuyện sản xuất lúa hữu cơ không dùng phân, dùng thuốc. Ảnh thông tin: vụ rồi thu hoạch năng suất thì thấp hơn gần phân nửa so với những đám ruộng chung quanh, nhưng bán giá cao hơn nhiều, và sau khi suy tới tính lui, cộng vào trừ ra, thì lợi nhuận vẫn cao hơn so với cách làm truyền thống. Và mùa này, Ảnh dự định thuê đất để mở rộng diện tích. Còn anh Nguyễn Văn Thòn, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Lộc trời, chia sẻ nhờ sử dụng giống mới, dù năng suất cũng không cao nhưng bán được tới sáu bảy chục ngàn đồng một ký.
Hay như chuyện ở Hợp tác xã Mỹ Hoà, bà con nông dân nghe theo khuyến cáo của Giáo sư Võ Tòng Xuân sử dụng giống ít hơn, chỉ mười, mười hai ký cho một công. Nhờ sử dụng giống ít nên kéo theo phân ít hơn, thuốc ít hơn, rồi còn bón phân chìm một lần, nhờ đó đã giảm chi phí được khoảng sáu bảy trăm đồng một ký lúa. Mà giảm chi phí đầu vào được bao nhiêu thì đồng nghĩa với lợi nhuận được tăng lên tương ứng bấy nhiêu rồi còn gì!
Qua những câu chuyện trên cho thấy đâu cứ là năng suất cao, sản lượng nhiều, thì lợi nhuận thu được mới cao đâu! Còn nhiều giải pháp hiệu quả hơn không ở đâu xa mà từ những mô hình của bà con mình ở đâu đó trên mảnh đất Sen hồng này. Sao người ta làm được mà mình hổng làm được? Hay mình hổng chịu làm để rồi vẫn mãi trông chờ trong vô vọng giá cả được tăng cao?
Có người cho rằng tư duy tăng trưởng dựa trên năng suất và sản lượng đã ăn sâu vào người nông dân và cả hệ thống rồi. Đó là điều có thật. Nó bắt nguồn từ trong những năm tháng chiến tranh phải đủ lương thực để nuôi quân đánh giặc. Thế mới có bên cạnh "Cô Ba dũng sỹ" là "Chị Hai năm tấn". Rồi từ một nước thiếu ăn cần phải sản xuất lương thực thật nhiều để đảm bảo an ninh lương thực, cho đến tăng sản lượng để xuất khẩu, tìm kiếm ngoại tệ để phát triển đất nước.
Nhưng, giờ đã đi vào nền kinh tế thị trường rồi, phải chấp nhận sự thật để nghĩ khác và làm khác! Phải thay đổi chứ đừng mãi than trách và trông chờ! Những câu thơ sau đây thật sự nghe "đắng lòng" nhưng sẽ làm chúng ta giật mình nhìn lại và buộc phải thay đổi, nếu không muốn mãi sống trong ảo tưởng, để rồi mãi nghèo nàn, lạc hậu: "Đã qua đi những huyền thoại cũ mèm/Những đồng lúa ma không trồng mà gặt/Những ruộng cá không nuôi mà sẵn bắt/Những ghểnh cẳng, vuốt râu mà làm chơi ăn thật/Miếng ăn nào không nước mắt mồ hôi!"
Xích Lô