Hội quán và sự đồng thuận trong cộng đồng dân cư
Cập nhật ngày: 04/10/2016 15:38:41
Tính tới thời điểm này, Đồng Tháp mình đã ra đời 4 Hội quán. Bắt đầu là “Canh Tân” của An Nhơn - Châu Thành, rồi “Minh Tâm” của Mỹ Xương - Cao Lãnh, “Duy Tân” của Hòa An và “Đồng Tâm” của Tịnh Thới - TP.Cao Lãnh. Mô hình “Hội quán” được “người trong cuộc” - là những thành viên - hồ hởi đón nhận, nhưng “người bên ngoài” còn không ít mơ hồ, thậm chí băn khoăn, hoài nghi về mục đích, ý nghĩa, sự cần thiết, hiệu quả và sự bền vững của các mô hình này!
Cũng phải thôi! Cái gì mới ra đời thì cũng có ý kiến này, ý kiến khác. Nào là, sao mình đã có nhiều đoàn thể khắp nơi, từ trên xuống tới cơ sở, rồi thì đã có các “Tổ Nhân dân tự quản cộng đồng” lại lập thêm mấy cái “Hội quán” để làm gì? Có trùng lắp không? Rồi lại bày ra chuyện để người dân hết tham dự cuộc họp này đến cuộc họp kia. Nào là, ai đứng ra “cầm cương” vì không có người nào lại muốn chịu điều tiếng là “ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng”, không khéo lại “phình” bộ máy, lại tốn kém ngân sách. Nào là, nội dung hoạt động có hiệu quả không? người dân có thiết tha không trong khi có thực trạng là sinh hoạt các tổ chức chính trị - xã hội đang thiếu sức thu hút các đoàn viên, hội viên?
Thì đây, các Hội quán tuy mới đi vào hoạt động, “vạn sự còn khởi đầu nan” nhưng bước đầu đã mang đến một sinh khí mới. Trước tiên là tính tự nguyện, tự chủ của bà con tham gia. Mọi người vui vẻ lắm, chan hòa lắm, đoàn kết lắm, không theo mô thức quen thuộc kiểu “trên bảo, dưới nghe”, không “thuyết giáo” dài dòng, nặng nề hình thức. Bà con đến là để cùng nhau sẻ chia, là để “nói cho nhau nghe và nghe nhau nói”. Hội quán là của bà con kia mà!
Thì đây, nội dung sinh hoạt của Hội quán là những chuyện quen thuộc, gần gũi chung quanh xóm làng, xuất phát từ nhu cầu của chính người dân. Chuyện đường làng - ngõ xóm, chuyện hợp tác - mần ăn, trồng cây này - nuôi con kia, rồi chuyện mua mua - bán bán, chuyện sinh hoạt đời thường hàng ngày.
Thì đây, mục tiêu hoạt động là hướng đến sự thay đổi nếp nghĩ, cách làm của bà con đã mang tính cố hữu bao đời. Bây giờ phải khác rồi, không ai có thể đơn độc một mình, “đèn nhà ai nấy rạng”, trong một cuộc sống với biết bao là bộn bề, là phức tạp, là va chạm. Bây giờ khác rồi, sản xuất không thể bền vững, cuộc sống không thể đi lên nếu giữ mãi, tự hào mãi về kinh nghiệm bao đời, không thể cứ mãi lấy “cần cù bù thông minh” trong một nền kinh tế hội nhập, trong xu thế đổi mới sáng tạo nhanh chóng, đồng thời cũng rình rập bao rủi ro thách thức như thế kia.
Những đắn đo, băn khoăn cũng không có gì lạ. Chúng ta đã quá quen thuộc với cung cách điều hành “từ trên xuống”, cấp dưới chỉ biết nghe “chỉ dụ” từ bên trên và triển khai thực hiện. Và hệ quả tất yếu là cấp dưới dần thụ động, trông chờ, ỷ lại. Cũng vậy, người dân chịu sự quản lý của chính quyền, mọi việc đã có “ông chính quyền” lo rồi, cả hệ thống chính trị hỗ trợ rồi. Với nếp nghĩ đã có người lo rồi thì mình cần gì mà lo nữa, phận dân thì làm sao đủ kiến thức, năng lực đâu mà lo. Và rồi, lại thụ động, lại trông chờ, lại ỷ lại.
Nói là nói vậy, nhưng người lo thì không hiểu rõ, biết hết, trong khi người tường tận thì không tự lo. Ai là người hiểu biết từng nếp nhà, biết rõ từng ngỏ ngách của xóm làng, đường phố nếu không phải là người dân? Ai là người va chạm với những rủi ro trong cuộc sống và công việc mần ăn bằng chính người dân? Ai là người thân quen, chòm xóm láng giềng, hiểu rõ tính tình của nhau, hàng ngày qua lại với nhau, “tối lửa tắt đèn có nhau” nếu không là bà con mình?
Vậy thì cuộc sống đó, công ăn việc làm đó, sao người dân không thể và không được bàn bạc, thảo luận, hoạch định kế hoạch phát triển cho mình và cộng đồng của mình? Nếu người dân thiếu thông tin thì chúng ta cung cấp thông tin, nếu năng lực bà con còn thấp thì đã có các chương trình hỗ trợ nâng cao. Nguyên Tổng Bí thư Trường Chinh đã từng trăn trở: “Nhân dân cần phải và hoàn toàn có khả năng tham gia ý kiến ngay trong quá trình xác định những chủ trương của Đảng và Nhà nước. Về nguyên tắc, điều đó không có gì mới, nhưng trong thực tế thì nó là rất mới, vì nhiều thập kỷ trước đó, những chủ trương được xác định ở những cấp cao nhất, thậm chí ở người có vị trí cao nhất, không được bàn cãi”. Như vậy, trước khi muốn người dân tham gia vào quá trình “xác định những chủ trương của Đảng và Nhà nước” thì người dân phải tham gia xây dựng kế hoạch phát triển cho chính gia đình mình, cho cộng đồng của mình. “Hội quán” là nơi diễn ra những hoạt động đó!
Theo dõi các buổi sinh hoạt của các Hội quán chưa thấy người dân nào đòi hỏi thù lao hay phụ cấp gì cả đâu! Bà con đã hiểu rằng mình đang lo cho chính mình kia mà, rằng đó chính là quyền lợi và nghĩa vụ của mình kia mà. Bà con đã dần nghĩ rằng, chia sẻ kiến thức để giúp người khác chính là tự giúp mình. Cũng không thấy ai than phiền về chính sách này nọ cả, thậm chí còn thấy bóng dáng những “một nửa” của người đàn ông đồng lòng bên chồng cùng chăm lo tươm tất cho các buổi sinh hoạt rồi. Thật là ấm áp làm sao!
Sinh hoạt của Hội quán rất linh hoạt, tùy theo điều kiện từng lúc, từng nơi. Cứ vào buổi chiều tối cuối tuần là bà con gặp nhau. Giờ giấc bà con tự thỏa thuận sao cho không bị ảnh hưởng đến việc sinh kế, mùa màng, ruộng vườn, chăm lo con cháu... Bà con tự sinh hoạt với nhau, và đã có bóng dáng của các lãnh đạo cấp ủy, chính quyền, đoàn thể cơ sở cùng tham gia, đã có các nhà khoa học, nhà doanh nghiệp cùng đến để chia sẻ thông tin, hướng dẫn khuyến nông, áp dụng khoa học công nghệ và tìm kiếm cơ hội liên kết với bà con.
Như vậy, Hội quán là một mảnh ghép cần thiết vào bức tranh thay đổi thiết chế dân cư theo mô hình tự quản, tự nguyện, nơi những người dân có cùng ý nguyện, cùng ngành nghề sản xuất ngồi lại với nhau. Một mô hình mở, linh hoạt ra đời hướng đến sự thay đổi của người dân, là chỗ dựa cho cấp ủy, chính quyền, đoàn thể đưa các chủ trương đến tận nhà, tận ngõ xóm, và từ đó lan tỏa ra các cộng đồng dân cư.
Làm bất cứ việc gì mà tính đồng thuận trong cộng đồng dân cư chưa cao thì mục tiêu chắc là sẽ chỉ dừng lại ở ước muốn mà thôi. Hội quán là hướng đến sự đồng thuận đó.
Xích Lô