Chuyện “ăn rồi quẹt mỏ”
Cập nhật ngày: 06/05/2016 06:20:34
Hồi nhỏ, thấy nhiều người có thói quen dùng đôi đũa quẹt ngang chùi cho sạch miệng sau khi ăn xong. Hổng biết có phải vậy không mà trong dân gian có câu “ăn rồi quẹt mỏ”, hay “ăn rồi quẹt mỏ như gà”, hay “ăn chưa xong đã quẹt mỏ”? Thôi thì mỗi câu chắc là có hàm ý gì đó khác nhau. Bài này không lạm bàn về chuyện “quẹt mỏ” mà chỉ muốn nói đến câu chuyện “chùi miệng” sau khi ăn mà thôi.
Thật ra bây giờ chắc chẳng còn ai dùng đũa để mà chùi miệng nữa vì đã có nhiều thứ tiện ích để làm cho cái miệng sạch sẽ sau khi ăn uống. Khăn mùi xoa vốn có chức năng chùi miệng nhưng dễ bị dơ sau khi sử dụng. Vậy là dùng cái khăn giấy là tiện nhất. Trên bàn ăn, từ các nhà hàng sang trọng tới các hàng quán ở miệt vườn đều có khăn giấy với chức năng chủ yếu làm cho sạch miệng. Mới đầu là cuộn giấy vệ sinh để trong hộp, nhưng dần thấy không được văn minh cho lắm nên bây giờ dùng toàn là khăn giấy. Ăn xong khách chỉ cần nhúm tay lấy một cái chùi miệng là xong, là sạch, là có thể thọt tay túi quần, bước chân rời quán một cách hết sức là lịch sự, là văn minh.
Có quán thì để sẵn cái sọt dưới gầm bàn để khách tiện vứt khăn giấy chùi xong và những thứ thừa thải khác. Vậy là sạch miệng, sạch quán, sạch cả phố phường, làng xóm. Nhưng đâu phải chỗ nào cũng được vậy, hàng quán nào cũng được vậy, khách nào cũng có ý thức như vậy! Thôi thì tiện đâu vứt đó, trên bàn, dưới nền, miễn là sạch miệng mình là được rồi. Quán dơ thì có người dọn dẹp, mình ăn đã trả tiền đàng hoàng rồi mà. Chủ quán thì cũng vô tư cho qua, rồi kiểu gì thì trước sau lúc dọn quán cũng sẽ dọn rác mà. Khách đi vào sau thì cũng dễ dãi ngồi xì xụp trong miên man nào là khăn giấy trắng trên bàn, dưới sàn, tràn ra cả hè đường. Như vậy là khách ăn thì dễ dãi, chủ quán thì vô tư, chính quyền thì thờ ơ tắc trách, chỉ có đường làng, ngõ xóm thì nhếch nhác, mất vệ sinh, phản cảm. Nhìn xa hơn, nhiều nhà tiện tay quét hất rác rưởi ra hè phố, để chỉ cốt sạch mình, sạch nhà mình, còn ngõ sạch đã có người khác, hơi đâu mà lo cho mệt người!?! Thật chạnh lòng khi nhìn đâu đó những pa-nô, áp-phích: “Thành phố văn minh”, “Khóm ấp văn hóa”, “Chung tay vì môi trường”...
Mà đâu chỉ có vậy! Những đêm nghệ thuật, những buổi mít-tinh chào mừng sự kiện này ngày lễ nọ, kết thúc chương trình là một bãi rác: chai nước, giấy báo, bọc nhựa, hộp xốp... vứt tứ tung để gió cuốn bay khắp phố phường. Những nhà tổ chức sẽ có một bản báo cáo đẹp với ngần ấy tiết mục, ngần ấy người xem, nhưng chắc chắn thiếu mô tả ngần ấy... rác rưới để lại. Sao không tranh thủ những buổi sinh hoạt như vậy, ngành văn hóa chen vào tuyên truyền cách ứng xử nơi công cộng, trước tiên là giữ gìn sạch sẽ đường phố, quảng trường, thôn xóm, sạch ngay chỗ mình vừa ngồi? Đừng để hình ảnh “người đi về, rác ở lại” cứ mãi tiếp diễn.
Nhớ lại báo đài đưa tin, các cổ động viên Nhật Bản đã để lại ấn tượng mạnh mẽ tại World Cup 2014 bởi ý thức của mình khiến cả thế giới phải cảm phục. Khi kết thúc trận đấu, họ đã nán lại để nhặt rác trong khi cổ động viên các nước khác vô tư ra về. Nhiều người trong chúng ta say sưa bình luận, thán phục: xứ người ta văn hóa là như vậy đó! Nhưng rồi, đâu lại hoàn đấy, người ta là người ta, mình vẫn là mình! Thế mới biết sức ì quán tính mạnh cỡ nào, là lực cản cỡ nào!
Từ cái khăn giấy vứt bừa bãi đến một con người văn hóa, một nếp sống văn minh là cả một hành trình. Hành trình đó dài hay ngắn, nhanh hay chậm tùy thuộc mỗi con người, mỗi địa phương. Trước tiên, mỗi người đừng chỉ biết làm sạch cho mình mà vô cảm với cộng đồng. Chủ quán đừng chỉ biết thu về lợi nhuận mà quên đi môi trường chung quanh. Có khó khăn gì lắm đâu, chỉ nhẹ nhàng nhắc nhở khách, yêu cầu nhân viên thường xuyên quét dọn. Chính quyền khi cấp phép kinh doanh ăn uống cần ghi rõ điều kiện về vệ sinh an toàn thực phẩm, về văn minh buôn bán, rồi thường xuyên thanh tra, kiểm tra, và cuối cùng là nhân danh quyền lợi xã hội mạnh dạn xử phạt, chế tài các trường hợp chây ì, vô cảm.
Các buổi sinh hoạt khóm ấp, sinh hoạt đoàn thể có nói chuyện này không? Hay coi đó là chuyện nhỏ xíu không đáng đem ra thảo luận? Trước khi nói chuyện to tát hãy bàn từng chuyện nhỏ xíu như vậy. Mà thật ra nào có nhỏ đâu! Chuyện cái khăn giấy chùi miệng là chuyện ý thức và cách ứng xử của con người, là chuyện giữa “tôi và chúng ta”, giữa con người với môi trường thiên nhiên. Suy cho rộng ra, là hình ảnh địa phương đáng sống, là điều kiện để phát triển du lịch, thu hút khách vãng lai. Ai sẽ đến và trở lại một xứ sở mà nhìn đâu cũng thấy lượm thượm, nhếch nhác. Vào nhà ai đó mà thấy sự sạch sẽ tươm tất là biết gia chủ là người thế nào rồi. Vậy thì khách đến một địa phương, nhìn thấy đâu đâu cũng sạch sẽ tươm tất chỉnh chu, hay ngược lại, sẽ đánh giá được năng lực quản lý của chính quyền và ý thức của người dân như thế nào.
Nếu biết “con sâu làm rầu nồi canh”, thì đừng để nó trở thành bình thường. Hãy hành động và phải hành động! Chuyện nhỏ xíu, nhỏ như cái khăn giấy, mà sao nhiều chuyện để nói quá, nghe sao nặng lòng quá!
Xích Lô