Văn minh đô thị - Hãy bắt đầu từ chuyện nhỏ!
Cập nhật ngày: 21/09/2015 08:27:23
Trong định hướng phát triển của thành phố mình có nhiệm vụ xây dựng nếp sống văn minh đô thị. Trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ chắc chắn cũng có, cũng được thảo luận sôi nổi. Các khẩu hiệu treo trên các trục đường không thiếu những: “Chung tay xây dựng thành phố năng động - văn minh - an toàn”, “Tất cả vì thành phố xanh - sạch - đẹp”...
Nhìn lại bộ mặt đô thị, dù còn chuyện này chỗ kia chưa thật sự hài lòng, nhưng cũng có niềm tự hào về hình ảnh một thành phố trẻ trên đường phát triển. Công viên, hoa viên, đường phố ngày càng khang trang hơn, ý thức người dân cũng phần nào được cải thiện. “Hoa sen lên phố” tạo nét tươi mới, là điểm nhấn thu hút nhiều khách vãng lai, mang đến những điều thú vị bất ngờ. Người thành phố càng tự hào!
Tuy nhiên, nhìn lại đây đó, chắc chắn trong mỗi người dân chưa ưng ý, vẫn còn đó nhiều ưu tư với diện mạo của một đô thị trung tâm đang lắm bộn bề. Tình trạng tái lấn chiếm bờ kè “rất tự nhiên” để bày biện hàng quán, vật dụng gia đình gây cản trở sinh hoạt cộng đồng, rồi rác rưới, rồi túi nylon, hộp xốp trên vỉa hè, dưới mặt nước, trong công viên, trong hàng quán, thậm chí trong khuôn viên cơ quan; rồi việc người dân thoải mái ngắt hoa bẻ cành, đi vệ sinh vào gốc cây, bức tường ngay giữa “thanh thiên bạch nhật”. Đa số người dân than phiền, nhưng một bộ phận người dân khác lại ứng xử tùy tiện, thiếu trách nhiệm với nơi chính mình đang sinh sống, làm việc, kinh doanh, mua bán hàng ngày.
Dẫu biết rằng, xây dựng ý thức người dân là một việc làm không phải ngày một ngày hai, còn phụ thuộc nhiều vào trình độ dân trí. Không phải dễ thay đổi hành vi của những người mới ngày hôm trước còn sống trong làng xã với tư duy làng xã để trở thành những “thị dân” với cách sống khác. Nhưng chúng ta phải thay đổi, cùng nhau thay đổi, phải luôn tự nhủ rằng “Đã làm là được”, “Tất cả đều có thể làm được”, “Nhất định phải làm”. Quyết tâm làm, nhưng phải bắt đầu từ chuyện nhỏ, từng nhóm đối tượng cụ thể, từng cộng đồng dân cư cụ thể.
Trước tiên là những cán bộ quản lý đô thị từ cấp phường đến cấp thành phố, những người có sứ mạng cao cả là làm đẹp cho thành phố này. Các bạn phải tận tường từng góc phố, đoạn đường, từng gốc cây, thảm cỏ; phải biết chăm chút phạm vi mình quản lý như chính ngôi nhà của mình; phải ray rứt khi thấy những hình ảnh nhếch nhác, cái cây bị chết, cái băng đá bị gãy đổ; phải xuống tận khu phố để nhắc nhở cửa hiệu này, hàng quán nọ, cơ quan kia.
Người dân cũng cần thể hiện trách nhiệm của mình đối với cộng đồng, với xã hội. “Nhà sạch thì mát”, phố sạch thì môi trường trong lành hơn và mình cũng được thụ hưởng. Một chậu hoa giấy, hoa quỳnh anh trên ban-công, vỉa hè đủ rộng thì một chậu hoa sen đặt để đúng chỗ vừa đẹp nhà, vừa đẹp phố. Nhà mình giữ gìn sạch thì cũng nên nhắc nhở nhẹ nhàng nhà hàng xóm, người đi đường lại qua. Đừng nghĩ rằng trong nhà tôi thì tôi giữ còn vỉa hè là của chung, là trách nhiệm của chính quyền. “Chung tay” là vậy mà!
Trong trường học, thầy cô cần có các buổi sinh hoạt để nhắc nhở học sinh, đưa ra những hình ảnh đẹp và chưa đẹp để gieo vào học sinh của mình kỹ năng, cách sống vì cộng đồng. Đó là kết hợp “dạy người” thông qua “dạy chữ” để chúng ta có những chủ nhân sống có trách nhiệm với thành phố mình trong tương lai. Suy cho cùng, đó cũng là cách hướng đến những thế hệ người mới biết cảm nhận được thế nào là “chân”, là “thiện”, là “mỹ”.
Muốn người dân thay đổi hành vi thì ngay trong đội ngũ cán bộ, công chức các cấp cũng phải thay đổi. Họ phải có trách nhiệm với nơi làm việc như chính ngôi nhà của mình, làm sao cho nó tinh tươm, sạch đẹp, ngăn nắp. Trụ sở cơ quan đâu chỉ những cây kiểng quý đắt tiền mới là đẹp, là sang. Chỉ cần vài ba cây xanh được chăm chút cẩn thận, dưới gốc có một thảm cỏ khóm hoa đã là đẹp, vài chậu sen hồng, một thảm mười giờ, cỏ đậu... cũng đã là đẹp rồi!
Sau một Kế hoạch xây dựng nếp sống văn minh xong thì nên đưa về từng cộng đồng để bà con mình bàn bạc, thảo luận và trở thành kế hoạch hành động hết sức cụ thể của cộng đồng, do cộng đồng tổ chức thực hiện. Một khi không bị áp đặt mà trở thành một việc tự thân của cộng đồng như một “hương ước” thì ắt sẽ thành công. Cuộc sống mưu sinh sẽ nảy sinh những mối xung đột lợi ích, xung đột giữa cửa tiệm này với hàng quán kia, xung đột giữa lợi ích người dân với lợi ích của xã hội. Hàng ăn, hàng nước mở ra, những người buôn gánh bán bưng xuất hiện thì sẽ khó tránh khỏi rác rưới, giấy ăn, xác mía, xương xẩu, giá rau ném vứt bừa bãi. Đừng để người dân mình sống quá dễ dãi, sống chỉ biết lo cái lợi của riêng mình mà xem nhẹ trách nhiệm với xã hội!
Mọi sự nhếch nhác bắt đầu từ sự dễ dãi! “Mỗi người hãy thắp lên một que diêm thay vì ngồi nguyền rủa bóng tối”. Phải không?
Xích Lô