Câu chuyện Gạo Sóc Miên
Cập nhật ngày: 25/03/2016 05:50:03
Thưa quý bà con,
Mới bữa hôm rồi đây, Xích Lô đi biên giới được người bà con tặng một bao gạo. Hỏi gạo gì, người tặng nói đó là “Gạo Sóc Miên”. Xích Lô nghe nói bà con biên giới tỉnh mình cũng thích ăn loại gạo này là vì vừa ngon vừa sạch, là vì người ta canh tác ít phun thuốc trừ sâu nhiều như ở xứ mình.
Lại đọc báo thấy đưa tin: “Người Việt ăn gạo ... Campuchia”, “Gạo Sóc Miên Campuchia sạch ngon giá rẻ tràn xuống đồng bằng sông Cửu Long”. Rồi như nhiều loại thông tin khác, cũng có những băn khoăn nghi ngờ, có những lý giải thế này, thế nọ. Nào là, có phải tất cả đều là gạo có nguồn gốc từ nước bạn với những thương hiệu như: Móng Chim, Sa Mơ, Huyết Rồng không? Hay là “treo đầu dê, bán thịt chó” đây? Nào là, có thật là lúa mùa không có dùng thuốc không? Vân vân và vân vân!
Nhưng nói gì thì nói, sâu thẳm trong câu chuyện này, Xích Lô muốn đề cập đến “điểm liệt” của hạt lúa, nói rộng ra là nông sản Việt trong bối cảnh cạnh tranh hội nhập, đó là “chi phí sản xuất cao, chất lượng thấp và nhất là không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm”. Bà con chúng ta sản xuất ra hạt gạo, củ khoai, trái quýt, trái cam, trái nhãn, trái xoài, con cá, com tôm, con heo, con gà,... mà ngay chúng ta còn ngán ngại sử dụng thì làm sao tạo dựng được niềm tin cho người tiêu dùng, nhất là cạnh tranh ở các thị trường khó tính nhưng giá bán được cao. Đây lại là điều cốt tử để hướng tới quy trình “truy xuất nguồn gốc”, rồi còn đăng ký “chỉ dẫn địa lý” và tiến tới “xây dựng thương hiệu” cho từng loại nông sản trong thời kỳ hội nhập ngày càng sâu rộng. Đây là những điều bắt buộc phải thực hiện để tăng sức cạnh tranh với miên man hàng ngoại đang chực chờ tràn ngập thị trường nước ta.
Ai đó nói vui rằng “Thương hiệu” là “cái hiệu mà người ta thương!”. Bà con nông dân mình chắc thừa biết rằng sử dụng các chất cấm, lạm dụng các loại thuốc, hóa chất sẽ có hại cho sức khỏe người tiêu dùng. Thì đó, khi bà con phun tưới các loại phân thuốc đã phải mang khẩu trang kia mà! Nhưng thật buồn, thật đáng trách, vì lợi nhuận và cả vì sự ích kỷ, một bộ phận người sản xuất cố tình vượt qua những quy định của ngành chuyên môn, chà đạp lên trên những quy tắc đạo đức của con người, nhẫn tâm thu về những khoản lợi nhuận trên sinh mạng của người khác, của đồng loại. Người sản xuất không biết trân trọng nông sản mình làm ra thì làm sao bắt người tiêu dùng phải trân trọng, phải bỏ ra đồng tiền để mua một sản phẩm mà chất lượng luôn là một dấu hỏi lớn!
“Một con ngựa đau, cả tàu không ăn cỏ!” là triết lý bao đời nay nhắc nhở chúng ta về mối quan hệ giữa mỗi cá nhân với cộng đồng và cộng đồng với mỗi cá nhân. Nghĩ lại, trong câu chuyện này, những nông sản bẩn không chỉ làm “một con ngựa đau” mà còn làm tổn thương day dẳng cho cả cộng đồng. Một khi bà con lạm dụng các chất độc hại, bà con có nghĩ rằng mình đang đào huyệt chôn đồng loại của mình và rồi cũng tự chôn chính mình?
Khi tiếp xúc với lãnh đạo, bà con mình hay than thở về giá cả nông sản bấp bênh, tiêu thụ không ổn định. Bà con cũng có phần trách cứ chính quyền thiếu quan tâm quảng bá nông sản giúp người sản xuất. Nhưng giá cả ổn định sao được khi chất lượng nông sản thì phập phù, do chứa đầy dư lượng độc hại? quảng bá sao được khi nông sản của người sản xuất làm ra mà chính người sản xuất cũng không dám sử dụng???
Gần đây, ở xã Thường Thới Tiền, huyện Hồng Ngự, có chàng trai 9X Võ Văn Tiếng dám đột phá vào những tồn tại năm này qua năm khác, vụ này đến vụ kia. Tiếng dám dấn thân sản xuất “lúa sạch”, canh tác không lạm dụng phân bón, không phun thuốc trừ sâu. Quy mô còn nhỏ lắm, chỉ mới 2ha trên hơn 200 ngàn ha trồng lúa quê mình, nhưng ý tưởng và lòng đam mê đó cần được ghi nhận như là sự dũng cảm dám mở ra con đường mới, con đường hướng đến cam kết và hành động thật sự của tất cả chúng ta vì một nền nông nghiệp sạch. Đó chỉ là một đốm lửa nhỏ thôi nhưng nếu biết vun đắp, thổi vào đó những làn hơi hỗ trợ của chính quyền, các doanh nghiệp và tất cả chúng ta sẽ làm chuyển biến, làm thay đổi cách sản xuất có quá nhiều bất cập hiện nay!
Dẫu biết rằng, quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm là trách nhiệm của chính quyền, nhưng bà con mình cần tôn trọng đạo đức trong sản xuất. Ngoài ra, Hội Nông dân và người dân cũng phải thể hiện trách nhiệm trong đấu tranh ngăn ngừa tình trạng đáng buồn này bấy lâu nay, bởi vì, khi chúng ta im lặng thì chúng ta cũng không vô can, thậm chí là mặc nhận tiếp tay cho cái xấu, cái phi đạo đức cứ mãi tồn tại!
“Tiên trách kỷ, hậu trách nhân”. Hãy tự trách mình trước khi trách người, trách trời!
Nào, chúng ta hãy cùng nhau hành động thôi!
Xích Lô