Chuyện “cây tre và mụt măng”
Cập nhật ngày: 28/12/2015 05:24:38
“Tre già, măng mọc” là câu nói ai cũng biết cả. Thử coi người ta diễn giải thế nào? Thì đây, trong một từ điển giải thích: “Ám chỉ cách thức mà cỏ cây và động vật vượt thoát tính hữu hạn của cuộc sống. Đối với con người, vì bản chất xã hội, sự sinh tồn không chỉ cho cá nhân, mà còn cho cả chủng loại. Để trường tồn, thế hệ trước phải dọn đường cho thế hệ sau tiếp nối và vươn lên”.
Tưởng là đơn giản như vậy, nhưng cuộc sống thì lại muôn màu, đôi khi không vận động như vậy. Này nhé, một bên thì nào là: “trẻ người non dạ”, “ngựa non háu đá”, “nó còn non kinh nghiệm lắm, cần thời gian bồi dưỡng thêm”. Ngược lại thì sao? Lại “chủ nghĩa kinh nghiệm” rồi, lại “bảo thủ” rồi, thiên hạ tiến ào ào mà ngồi đó cứ “chậm mà chắc” hoài. Lý lẽ nào cũng được viện dẫn bác A đó, thằng B đó, thấy chưa!
Rồi lại viện dẫn tiếp. Xứ C có người U40 đã là nguyên thủ quốc gia, là bộ trưởng, là chính khách rồi. Nhưng có người nói lại, thì ở xứ D đó, bảy tám mươi tuổi vẫn còn làm tổng thống, thủ tướng hổng thấy sao! Lại ai cũng đúng cả, ai cũng có lý của mình cả!
Nhưng có người nói một câu như thế này: “Nếu nhìn vào từng người cá biệt thì người nhiều tuổi có những người kiệt xuất thật. Tuy nhiên, nếu nhìn chung cả một thế hệ, một lớp người, thì tuổi trẻ vẫn là năng động hơn, nhanh nhạy với cái mới hơn, sáng tạo hơn”.
Ở nhà, chúng ta thường hãnh diện khoe “mấy đứa nhỏ nhà tui bây giờ thông minh hơn mình ngày xưa quá”. Trong nhà thì vậy, nhưng ra xã hội thì khác. Nhiều lãnh đạo hay than phiền: nhiều em cháu được đào tạo rất giỏi, vào làm việc trong cơ quan nhưng do chế độ thấp nên sau một thời gian xin nghỉ để tìm chỗ làm khác có thu nhập cao hơn, tụi nó không biết phấn đấu, “cứ đứng núi này trông núi nọ”. Người ta gọi đó là “chảy máu chất xám” trong khu vực công. Nhưng, qua tiếp xúc với nhiều bạn trẻ, họ có những suy nghĩ không hẳn là như vậy. Các bạn cho rằng, ngoài chuyện thu nhập, còn một điều quan trọng hơn là không có môi trường làm việc tốt, ở nơi đó họ được thừa nhận, được tôn trọng. Đó là xung đột về phương pháp tư duy, cung cách làm việc giữa người lãnh đạo lớn tuổi và cán bộ trẻ. Họ thiếu một không gian sáng tạo, nơi họ có thể nghĩ ra cái mới, dám làm cái mới. Họ cần sự lắng nghe, cổ vũ, nhưng ngược lại bị áp đặt, rập khuôn theo kiểu “trứng mà đòi khôn hơn vịt”. Hãy nhớ rằng, sáng tạo là bắt đầu từ cách nghĩ khác, cách làm khác. Có thể những ý tưởng đó chưa thật là hoàn hảo thì cũng là cái mới, là mầm móng cho cái mới. Một tổ chức chỉ rập theo một khuôn mẫu, một ý tưởng của người lãnh đạo thì đồng nghĩa với nhân viên chỉ là những người máy. Và, liệu người lãnh đạo bao giờ cũng đúng?
Trong một thế giới thay đổi không ngừng, kiến thức gần như vô hạn thì không có người nào là biết tất cả, cái mà chúng ta biết ngày hôm qua thì hôm nay chưa chắc còn đúng nữa rồi. Vậy thì sao chúng ta không tập hợp được nhiều ý kiến khác nhau, thậm chí là trái ngược nhau, rồi cùng phân tích với nhiều góc nhìn khác nhau để tìm ra cái mới, để cùng bắt tay nhau hành động?
Thật đáng buồn, cung cách gia trưởng, độc đoán, chỉ duy nhất ý của lãnh đạo là đúng vẫn còn tồn tại đây đó. Các nhân viên trẻ với kiến thức mới, tư duy mới sẽ trở nên chán ngán rồi dần thụ động, “nghe dạ, bảo vâng”, rồi an phận với kiểu “sáng cắp ô đi, tối cắp về”. Đó là cái bẫy trong người lãnh đạo. Sao không cùng ngồi lắng nghe các bạn trẻ trình bày để kiến thức mới của họ không bị mai một. Học ở những người trẻ cũng là phương pháp người lãnh đạo tự làm mới mình, tự dung nạp những kiến thức mới cho mình, thậm chí tự hâm nóng bầu nhiệt huyết của mình. Đó là cách nhận lửa để rồi truyền lửa của người lãnh đạo. Đó là cách “Thế hệ đi trước đào tạo thế hệ đi sau để thế hệ đi sau tiếp bước thế hệ đi trước để sự nghiệp được trường tồn. Không có người tiếp tục thì sự nghiệp bị gián đoạn, nên tre già rồi thì phải có măng mọc”. “Tre già măng mọc có gì lạ đâu” mà, phải không?
Xích Lô