Thư gửi “Canh tân Hội quán”
Cập nhật ngày: 08/08/2016 06:26:10
Hổng biết cơ duyên gì mà tôi và bà con miệt cồn An Nhơn gặp nhau, quý mến nhau để rồi một “Canh tân Hội quán” của mình ra đời!?! Tôi dùng cụm từ “của mình” vì bản thân luôn tâm niệm rằng, mình đã là một thành viên trong đó, một “người miệt cồn” rồi đó nghen!
Đã là một thành viên của “Hội quán” thì luôn cứ nghĩ về nhau. Mà thiệt ngộ, những lúc xa nhau thì lại là những lúc nhớ về nhau nhiều nhất. Hổng biết tối thứ Bảy này bà con mình có gặp mặt đông vui không, có chủ đề gì hay để đem ra sinh hoạt, để “nói cho nhau nghe và nghe nhau nói” không? Thôi thì, ghi vội vài dòng gửi cho “người nhà” vậy.
Thưa bà con,
Chúng ta đã trải qua nhiều khó khăn, vướng mắc để thống nhất cùng nhau lập ra “Hội quán” này. Đây là mô hình đặc biệt nhất của tỉnh vào thời điểm hiện nay. Người xưa có nhắc nhở: “Dựng đã là khó, nhưng giữ còn khó hơn”. Cũng dễ hiểu thôi, ông bà mình dạy: “Bàn tay năm ngón còn có ngón ngắn ngón dài”. Rồi chưa hết đâu, còn “Chín người mười ý” nữa chớ. Ai cũng có nhà cửa riêng của mình, có gia cảnh riêng của mình. “Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh” mà. Nhưng giờ thì bên cạnh ngôi nhà riêng của mình, các chú các bác, các anh các chị, đã có một “ngôi nhà chung”, đó là “Hội quán” này rồi. Đã là “người một nhà” rồi! Mà người trong nhà thì vui cái vui chung, buồn cũng buồn chung. Việc của người khác cũng là việc của mình, mà việc của mình cũng là việc của mọi người. Phải vậy không?
“Hội quán” ra đời là để “canh tân”, để đổi mới, để mỗi người, mỗi nhà có điều kiện vươn lên. “Canh tân” là để thoát khỏi nếp nghĩ “Đèn nhà ai nấy rạng, ruộng nhà ai nấy cấy”. “Canh tân” là để mọi người chung tay lại, hợp sức lại, làm cho khu vườn lớn hơn, vùng nguyên liệu quy mô hơn, có như vậy mới thoát ra cái bẫy sản xuất nhỏ, manh mún, tự phát. “Canh tân” là để giúp nhau, bảo ban nhau, cáng đáng cho nhau, “Tối lửa tắt đèn có nhau”. Có biết bao nhiều là chuyện: Từ chuyện phải mần ăn thế nào cho tử tế để trái cây quê mình được tin tưởng vì không gây tổn thương sức khỏe của người tiêu dùng. Rồi chuyện trong xóm trong làng, đầu trên xóm dưới. Chuyện an ninh trật tự và tệ nạn xã hội như cờ bạc, ma túy đang len lỏi vào các làng quê vốn đang bình yên bao đời. Mà vướng vào tệ nạn này thì con đường dẫn tới nạn trộm cắp, cướp giật,... gần lắm! Mình phải phòng thủ từ xa mới được, đừng nghĩ rằng: “Thôi kệ, đó là chuyện của gia đình khác, mình giữ cho gia đình mình được rồi”. Hôm nay ở chỗ khác, ngày mai đến làng mình, hôm nay ở nhà khác rồi biết đâu ngày mai lại vào đúng ngôi nhà của mình? Đời biết đâu chữ ngờ?!?
Thưa bà con,
Đã là chuyện chung thì nhiều khi phù hợp với người này lại không vừa bụng người khác. Rồi mới đầu còn để bụng để dạ, sau dần thì “tiếng chì tiếng bấc”, không khéo rồi dẫn đến “lời qua tiếng lại”, “cái sảy nảy cái ung”. Kết quả là mất lòng nhau, tình làng không còn, nghĩa xóm cũng mất đi. Vậy là bao công sức của bà con mình gầy dựng ngôi nhà chung - “Hội quán” - coi như đổ sông, đổ biển. “Lỗ thủng nhỏ cũng đủ làm chìm xuồng!”, vì vậy, mỗi người hãy nhường nhau một chút, “nước sôi nhỏ lửa” một chút. Để rồi làm sao buổi sáng đi buổi chiều về còn gặp mặt nhau trên con đường làng, và trên con đường cùng nhau mần ăn lớn.
Trong xóm làng sẽ có nhiều đám hiếu hỷ. Rồi bà con cùng đến chia buồn hoặc chung vui. Và chắc là phải có chút ít vị cay của rượu để mà hưng phấn một chút, đẩy đưa một chút. Đâu ai giống ai, người thì bỗ bã người thì kiệm lời, người thì sôi nổi người lại trầm tính. Điều đó không có gì đáng nói, nhưng chỉ có một điều là thường “rượu vào thì lời ra”, rồi không khéo lại mất lòng ở chỗ đó, lại hơn thua nhau lúc đó, mất lòng nhau cũng khi đó.
Thưa bà con,
Bà con đang xúm xít với nhau trong một cộng đồng, nhưng chắc cũng có người lại nghĩ khác. Nhiều người nói: “Thôi kệ mặc tui, tui không phụ thuộc ai hết, một mình ên tui sống được rồi, đừng có ai xía vô chuyện của tui, dạy đời tui”. Rồi người đó sống lủi thủi một mình, sống khép kín với làng xã, không giao du với xóm giềng. Tôi thì nghĩ rằng, không ai tồn tại một mình mà không phụ thuộc vào người khác cả. Này nhé, bà con trồng nhãn thì phải ăn cơm, vậy là bà con phụ thuộc vào bà con trồng lúa rồi. Mà cuộc sống đâu chỉ cần có cơm no mà còn phải có quần áo để mặc nữa. Vậy là bà con phải cần đến người làm ra tấm vải rồi. Và nhìn xung quanh ngôi nhà của mình, nhìn vào bữa cơm của mình, bà con sẽ thấy mình không thể tồn tại khi không có những người làm ra hột lúa, con gà, con vịt, tấm vải, viên gạch, tấm tôn, tấm ván... Nhiều người sẽ bào chữa rằng: “Thì tui có tiền tui mua, mắc mớ gì mà phụ thuộc vào ai?”. Tôi nói ngay: “Nếu không có người làm ra những sản phẩm đó thì bà con dù có thiệt nhiều tiền nhưng liệu có mua được không?”.
Vài dòng chia sẻ cảm nghĩ với bà con. Dừng ở đây hổng thôi bà con nói Xích Lô viết thư gì mà “dài dòng” quá! Ước gì tối thứ Bảy này trời không mưa để bà con đi sinh hoạt đông đủ!
Cho Xích Lô gởi lời thăm và cảm ơn các chị bếp. Nhớ món cá bống kho tiêu có miếng da heo và món lẩu hến nấu với rau mồng tơi. Đậm đà, ngọt ngào và đong đầy nghĩa tình!
Xích Lô