Câu chuyện học hành
Cập nhật ngày: 14/07/2016 15:50:29
Học để làm gì? Chắc là mỗi người đều có một lý do nào đó cho riêng mình. Học để có một công ăn việc làm sau này, hay nói có văn hoa là để “lập thân, lập nghiệp”. Học để có chỗ đứng giữa trời cao, đất rộng. Học để được nâng lương, nâng ngạch bậc. Học để mà đi học, vì hổng lẻ người ta đi học mà tui ở nhà? Còn theo một khái niệm của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) thì “Học để biết, học để làm, học để chung sống, học để khẳng định mình”.
Gần đây, theo quy định thì còn một khái niệm nữa, đó là học để “đạt chuẩn”. Nhưng nếu hỏi tiếp kiểu dần lân “đạt chuẩn” để làm gì thì nghe có vẻ bắt đầu lẩn quẩn rồi. Thì “đạt chuẩn” là để “trả nợ” tổ chức, để đủ điều kiện được bổ nhiệm vào chức vụ nào đó hoặc được giới thiệu ứng cử một chức danh nào đó. Thì “đạt chuẩn” là để có đủ kiến thức để “phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân”...
Trong một thế giới phát triển nhanh đến nỗi người ta cũng chưa hình dung được sẽ... nhanh với tốc độ nào? Có người còn so sánh, chỉ sau 10 năm, kiến thức nhân loại đã tăng gấp đôi rồi. Trong thời đại mà khoa học công nghệ, kỹ thuật số, không gian mạng, điện toán đám mây thì mọi ngõ ngách của đời sống đều chịu tác động, mọi lĩnh vực đều có thể thay đổi. Từ sản xuất kinh doanh đến các mối quan hệ xã hội. Từ nông nghiệp thông minh đến công nghiệp sáng tạo. Từ thương mại điện tử đến dịch vụ chất lượng cao. Từ tư duy giáo dục mở đến chăm sóc sức khỏe từ xa. Từ biến đổi khí hậu đến toàn cầu hóa. Từ tư duy quản lý điều hành đến quản trị địa phương. Kiến thức được trang bị trong trường lớp chỉ là “cái của ngày hôm qua”. Hiện tại đã khác và ngày mai chắc chắn khác nhiều hơn. Từ những năm 40 của thế kỷ trước, Bác Hồ đã từng nhắc nhở: “Thế giới tiến bộ không ngừng, ai không học là lùi”, “Không ai có thể tự cho mình đã biết đủ rồi, biết hết rồi”. Rất tiếc là, không ít người sau khi học đã tự bằng lòng rồi, tự cho rằng mình đã đủ đầy kiến thức. Và như thế là mình đã tự ngáng chân mình rồi đó!
Quan niệm về “chuẩn” cần phải thay đổi trong một thế giới đổi thay. Phải luôn tự cập nhật kiến thức, thu nhận thông tin, rèn luyện kỹ năng như phải ăn uống để tồn tại. Muốn hoàn thành công việc dù là nghiệp vụ chuyên môn hay lãnh đạo quản lý đều phải vậy. Học trong trường lớp, trong sách vở. Ông bà ta từ xưa đã tổng kết: “Cứ hai người đi với ta thì có một người là thầy ta”. Học từ trong thực tiễn cuộc sống, ở đó có những người có trình độ nhận thức hơn mình. Học ở những người nông dân sáng tạo. Học ở những doanh nhân với bao kiến thức và kinh nghiệm thương trường. Học từ những người trí thức thầm lặng luôn ẩn chứa trong mình một kho tàng trí tuệ. Học lẫn nhau như ông bà mình ví von “Học thầy không tầy học bạn”. Học để nhận ra vì sao người ta nói “càng học càng thấy mình dốt”, càng thấy sa mạc tri thức bao la trong khi sự hiểu biết của một con người chỉ là hạt cát. Học từ nhân dân mới thấu hiểu nhân dân, gần nhân dân hơn, kính trọng nhân dân hơn. Học để bớt quan cách đi, bớt quan liêu đi. Học để thẩm thấu hồn cốt câu nói “Đời sống có hạn mà sự học thì vô hạn”.
Muốn phụng sự, phục vụ tốt hơn thì không được tự bằng lòng với vốn kiến thức được học với bằng cấp này, chứng nhận kia, không bằng lòng một khi mình đã “đạt chuẩn”. Với những kiến thức cũ kỹ thì sẽ rơi vào bệnh giáo điều, rập khuôn, máy móc. Với những kiến thức lạc hậu mà nhiều khi nhân loại đã không còn sử dụng hàng thập kỷ rồi thì làm sao có thể phục vụ tốt hơn!?!
“Đi một ngày đàng học một sàng khôn”. “Nhấc mông” lên khỏi ghế, bước ra ngoài phòng làm việc, hòa mình vào muôn màu cuộc sống để học ở đó những điều mà trong sách vở chưa có. Trong kho tàng ca dao tục ngữ có câu rất hay “Học là học để mà hành. Vừa hành vừa học mới thành người khôn”. “Sự học như thuyền đi nước ngược, không tiến ắt sẽ lùi”. Học để biết sẻ chia. Học để biết yêu thương. Học để biết kính trọng. Học tập suốt đời là vậy!
Xích Lô