Chuyện ở miệt cồn quê tôi
Cập nhật ngày: 01/07/2016 07:30:55
Coi trong tự điển thấy người ta giải thích: “Cù lao để chỉ bãi giữa, tức là một dải đất hình thành ở giữa con sông lớn (sông cái) nhờ quá trình bồi đắp phù sa lâu năm”. Còn ở quê tôi thì bà con lại thường hay gọi “cù lao” là “cồn”.
Miệt cồn thì bốn bề sông nước, đất đai phù sa màu mỡ, không khí mát mẻ, trong lành nên vườn cây trĩu quả, rau màu xanh ngát. Người miệt cồn cũng như bao nhiêu bà con nông dân khác ở xứ sở này, cần cù, chất phát, đôn hậu nghĩa tình, quanh năm vườn tược. Chỗ này là nhãn, là xoài, chỗ kia là chanh, là ổi.
Vui khi “trúng mùa, được giá”, buồn khi mùa màng thất bát, nặng lòng khi giá cả thất thường, lỗ lã. Sau khi bán đi rồi ngồi tính lại thì nào là phân, là thuốc, là điện, là nước, nào là nhân công, là tiền vay - bạc hỏi, tính đi tính lại, có khi huề vốn hoặc coi như lấy công làm lời. Mùa này, vụ kia lại lo toan, lại thắc thỏm. Đời ông đời cha, đời con đời cháu cũng lại quanh quẩn như vậy là sao?
Bà con ngồi gác tay lên trán ngẫm nghĩ, nông dân mình cũng cần cù chăm chỉ, cũng một nắng - hai sương nhưng sao vẫn không giàu có bằng nông dân nước này, nước kia. Tại trời, tại đất “Khó khăn làm mấy tháng trời, Lại còn mưa nắng thất thời khổ trông”?!? Hay tại số kiếp “con sãi ở chùa thì quét lá đa”?!? Nhưng mà lại có người đăm chiêu, hình như hổng phải vậy, có khi tại mình không chịu thay đổi, cứ đời này qua đời khác vẫn loay hoay với “Trên đồng cạn, dưới đồng sâu. Chồng cày, vợ cấy, con trâu đi bừa”. Thế giới người ta đã tiến đến nông nghiệp xanh, nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, nào là sản xuất lớn, nào là chuỗi ngành hàng...
Rồi quê tôi đi vào tái cơ cấu nông nghiệp. Nào là “hợp tác”, là “liên kết”, là “sản xuất theo thị trường”, “bán cái người ta cần chứ không phải bán cái mình có”. Rồi cần giảm chi phí sản xuất, cần nâng cao chất lượng nông sản. Rồi phải liên kết “bốn nhà”. Rồi ứng dụng khoa học, kỹ thuật. Vậy là bà con miệt cồn cùng ngồi lại bàn chuyện “mua chung” “bán chung”, chuyện gìn giữ uy tín cho cây trái mà mình đã “đổ mồ hôi, sôi nước mắt” mới có. Đừng để người tiêu dùng “chín nghi, mười ngờ”! Mình phải mần ăn tử tế, có đạo đức, có trách nhiệm với đồng loại của mình. Rồi bà con ngộ ra rằng, phải nghe lời Nhà nước thôi, phải hợp tác lại mần ăn lớn để tăng sức mạnh. Và phải biết xây dựng thương hiệu. Mà thương hiệu đâu là gì cao xa lắm đâu: là “cái hiệu để người ta thương” thôi mà! Có thương thì mới nhớ, mới tin, mới mua nhiều trái cây của mình! Đúng hông?
Thật vui, cứ tối thứ bảy hàng tuần là bà con lại quay quần bên nhau. Xóm trên bên xóm dưới. Người già hòa quyện bên người trẻ. Chỉ có ly trà và miếng bánh thôi, nhưng lại có biết bao là câu chuyện để sẻ chia, để tâm tình, để khuyên răn nhau giữ gìn và phát huy điều hay, lẽ phải. Chuyện hợp tác mần ăn, chuyện trong nhà ngoài ngõ. Khí thế lắm! Chân tình lắm! Chỉ vậy nhưng bà con miệt cồn đã vượt qua nếp nghĩ “Đèn nhà ai nấy sáng” bao đời, đã vượt qua những va chạm đâu đó trong cuộc sống hàng ngày! Mới đầu chỉ có chú Hai, bác Bảy, anh Út thôi, dần dần thấy hay quá nên “Hữu xạ tự nhiên hương”, nhiều bà con khác tự nguyện tham gia vào “Canh tân Hội quán”. Vậy là “người đi trước rước người đi sau”. Tất cả cùng thay đổi, cùng tiến lên phía trước.
Bữa nọ có ông Tiến sĩ Nguyễn Thanh Mỹ - Tập đoàn Mỹ Lan, đến thăm. Ông này đam mê không phải mần nông nghiệp đơn thuần, mà là nông nghiệp thông minh giúp người nông dân đỡ nhọc nhằn hơn, giàu có hơn! Nghe ổng nói về “điện toán đám mây - bên Tây người ta gọi là “cloud computing” giúp bà con theo dõi cây trồng trong mùa vụ”, thế là bà con ồ lên, vậy là trước giờ mình mần dưới mặt đất, vài bữa mình sẽ mần trên mây đó nghen! Cái tâm, cái tầm của một người vừa là doanh nhân vừa là nhà khoa học đã chinh phục người dân miệt cồn! Sao chỉ bấy nhiêu đó mà thấy hạnh phúc vô ngần! Hạnh phúc vì bà con quê tôi đã thay đổi và mong muốn được các nhà quản lý, nhà khoa học đến giúp để đổi thay.
Ra về, tự nhiên cảm xúc trào dâng, văng vẳng bên tai lời một bài hát “Tôi đang nghe tiếng sóng dòng sông. Tôi đang nghe tiếng gió ngày xuân”! Quê tôi đang đổi thay, người dân quê tôi đang sẵn lòng bắt nhịp để thay đổi rồi! Mỗi người hãy một chân, một tay xúm lại giúp bà con miệt cồn mình nhe!
Xích Lô