Câu chuyện điền thổ
Cập nhật ngày: 04/12/2016 14:16:31
Người xưa có câu "Thứ nhất hậu hôn, thứ nhì điền thổ". Như vậy là, bên cạnh chuyện "hôn nhân" thì chuyện "điền thổ - đất đai" là quan trọng đối với mỗi người. Đối với người nông dân lại càng cực kỳ quan trọng vì đất đai vừa là tư liệu sản xuất, vừa là một phần gia sản để lại cho con, cho cháu. Cũng vì vậy mà chuyện hạn điền, chuyện tích tụ ruộng đất đã được "nâng lên, đặt xuống" bao nhiêu năm trời. Khi bàn chuyện sửa đổi Hiến pháp cũng được thảo luận sôi nổi. Khi bàn sửa đổi Luật Đất đai lại được "đưa ra" rồi "rút lại" cũng bởi nó quan trọng, nó liên quan đến sinh kế, sinh hoạt hàng ngày của hàng chục triệu nông dân trên mảnh đất hình chữ S này.
Gần đây, vấn đề này lại được "xới lên" trên các diễn dàn bàn về cơ cấu lại ngành Nông nghiệp. Trong nghị trường Quốc hội, ông Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem chuyện mở rộng hạn điền để hướng tới tích tụ ruộng đất như là một cuộc cách mạng mới trong nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Có vị chuyên gia còn xem đó như một "khoán 10", "khoán 100" mới, là cứu cánh duy nhất để vực dậy và mở ra cơ hội đổi mới ngành Nông nghiệp.
Vậy đó, giờ là lúc nông nghiệp xứ mình đứng trước ngã ba đường. Hoặc là, chúng ta tiếp tục giữ tư duy cố hữu "người cày thì phải có ruộng" - mặc dù hệ lụy của nó là đất đai ngày càng manh mún, nông dân ngày càng sản xuất nhỏ lẻ, tự phát, để rồi cái bẫy "sản xuất nhỏ" làm cho nông sản chẳng sớm thì muộn cũng sẽ thua ngay trên "sân nhà". Hoặc là, phải nhanh chóng mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng sản xuất hàng hoá để nông sản Việt Nam đủ sức cạnh tranh trong một thị trường hội nhập sâu rộng.
Câu chuyện tưởng chừng đơn giản, con đường phải đi tưởng chừng dễ dàng đạt được sự đồng thuận cao nhưng vẫn phải mất vài chục năm. Điều đó đủ biết những rào cản, những sự giằng xé trong thay đổi tư duy phức tạp biết đến mức nào. Mà cũng phải thôi, ở đất nước rộng lớn, lịch sử hình thành đất đai khác nhau, hàng chục triệu nông dân chắc chắn cũng có những đặc điểm riêng, hoàn cảnh riêng, nhu cầu riêng, mong muốn riêng. Và chắc là, do những cái riêng như vậy nên luôn có những cuộc tranh luận triền miên, hết cuộc hội thảo này đến cuộc hội nghị kia, từ diễn đàn nhỏ đến diễn đàn lớn. Nhưng cuộc sống thì không thể chờ đợi mãi những cuộc tranh cãi vô tận, không có hồi kết thúc trong khi thế giới ngoài kia người ta đã và đang mần "cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư" rồi! Như đã nói ở trên, nông sản của chúng ta đang trong thế thua thiệt, do đó, đã đến lúc không thể cứ mãi nhân danh này nọ để trì hoãn chủ trương mở rộng hạn điền, hướng tới tích tụ đất đai để sản xuất lớn, để mà cạnh tranh với thiên hạ.
Cơ cấu lại ngành Nông nghiệp là một sự thay đổi, mà thay đổi thì cần phải có động lực. Sản xuất nhỏ lẻ, manh mún thì người nông dân không có động lực thay đổi, không sẵn lòng và sẵn sàng cho sự thay đổi. Chỉ khi nâng quy mô sản xuất ở một mức độ nào đó thì khi ấy người nông dân mới thấy rõ sự cần thiết phải nâng tầm quản trị, hướng đến hiệu quả trên từng đơn vị diện tích. Và khi ấy, những vấn đề như: ứng dụng khoa học công nghệ, sản xuất sạch, truy xuất nguồn gốc, xây dựng nhãn hiệu và thương hiệu... mới được giải quyết tận gốc rễ.
Cơ cấu lại ngành Nông nghiệp nói dông dài thì không phải là tăng năng suất, sản lượng, mà chính là tiến trình chuyển đổi ngành sản xuất nông nghiệp thành ngành kinh doanh nông nghiệp. Trên tiến trình ấy, người nông dân sẽ chuyển đổi thành người kinh doanh nông nghiệp, được hưởng lợi ích không chỉ trong quá trình sản xuất, mà từ những công đoạn trong chuỗi kinh doanh ngành hàng nông sản.
Từ sản xuất nông nghiệp đến kinh doanh nông nghiệp là cả một tiến trình dài, trong đó tổ chức tốt vấn đề quản trị có vai trò thúc đẩy nền nông nghiệp thay đổi bền vững. Chỉ khi quản trị tốt mới thấy vai trò quan trọng của nhân lực trong chuỗi ngành hàng. Chỉ khi ấy mới thấy vai trò quan trọng của tri thức trong tất cả công đoạn của chuỗi giá trị. Và khi ấy mới thu hút đội ngũ tri thức trở về với nông nghiệp, nông thôn, "tưới" chất xám lên những cánh đồng, vườn tược, trang trại. Khi ấy, trên những cánh đồng, bên cạnh người nông dân sẽ xuất hiện những nhà nông học, những kỹ sư, cử nhân chuyên ngành công nghệ sinh học, công nghiệp thực phẩm, quản trị kinh doanh, công nghệ thông tin. Khi ấy sẽ xuất hiện nhu cầu về ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng công nghệ điện toán đám mây để quản lý tưới tiêu, quản lý dinh dưỡng cây trồng vật nuôi, quản lý mùa vụ và chuỗi giá trị, dịch vụ hậu cần logistics, giao dịch mua bán bằng thương mại điện tử... Đó chính là tiền đề của một nền nông nghiệp thông minh mà thiên hạ đã đi trước chúng ta có đến vài mươi năm rồi.
Con đường để mở rộng hạn điền hướng tới tích tụ ruộng đất là khách quan và tất yếu. Tuy nhiên, con đường đó chắc chắn sẽ không bằng phẳng. Rồi sẽ có những trở lực do tư duy cũ, giáo điều kinh viện. Nhưng, còn một trở ngại từ chính những người trong cuộc. Họ chính là những người nông dân mặc dù biết thu nhập từ nông nghiệp mang lại thấp, nhưng để thoát ra, tìm kiếm một ngành nghề khác có chi phí cơ hội cao hơn quả là không dễ dàng, nhất là những người lớn tuổi, trình độ học vấn hạn chế. Tuy nhiên, khó khăn không chỉ ở tự thân những người nông dân, mà qua thực tiễn còn hiện hữu ở các hợp tác xã, các nhà doanh nghiệp: nếu họ muốn tích tụ ruộng đất để sản xuất quy mô lớn thì sẽ xuất hiện những rủi ro, rào cản, trong đó khó khăn lớn nhất cũng lại là tầm quản trị và chiến lược phát triển chuỗi giá trị của ngành hàng nông sản trong sự cạnh tranh gay gắt của thị trường thế giới.
Những khó khăn, rào cản rồi sẽ xuất hiện, và khi ấy vai trò kiến tạo môi trường ở cấp độ vĩ mô và sự đồng hành nghiêm túc của cấp độ vi mô sẽ quyết định, là điều kiện đủ bảo đảm thành công chủ trương mở rộng hạn điền và tích tụ ruộng đất.
Cuộc đổi mới trong nông nghiệp - ví như cuộc "khoán 10", "khoán 100" mới - không chỉ dừng lại ở chủ trương, nghị quyết, ở những cái vỗ tay ủng hộ, mà phải cần đến trách nhiệm, tư duy hệ thống và hành động hệ thống.
Lê Minh Hoan - Bí thư Tỉnh uỷ