Chuyện “sếp” và “lính”
Cập nhật ngày: 03/11/2016 15:41:21
Hổng biết từ bao giờ trong các tổ chức của mình lại phân biệt giữa "sếp" và "lính". Chắc đó là di sản của một đất nước trải qua những cuộc chiến tranh triền miên. Ra trận thì phải có "sếp" để chỉ huy, còn "lính" là người chỉ biết răm rắp tuân lệnh của "sếp". "Quân lệnh như sơn" mà.
Làm "sếp" hay có cách diễn giải khác là làm "quan". Mà chữ "quan" thì có gì đó hơi hướng của bậc bề trên. Và vậy là kéo theo những chữ quan khác: quan liêu, quan cách, quan chức, quan lộ... Mới ngày nào đó còn ngồi trong giảng đường, ra trường phấn đấu một thời gian là được cất nhắc lên, trước là sếp nhỏ, rồi dần thành sếp to.
"Làm sếp - làm quan" thì luôn có mặt và được ngồi ở những vị trí trang trọng trong các lễ này, hội kia. Rồi được "trân trọng giới thiệu" kèm theo chức này chức nọ, rồi được tung hê, tán dương. "Làm sếp - làm quan" thì được mời tham dự các cuộc liên hoan, các tiệc tùng, mâm to cỗ đầy, chiếu trên chiếu dưới. Mới đầu còn thấy ngượng ngùng, dần dần thấy quen mắt quen tai. Và dần tưởng mình đã là "bề trên", là số một.
Đã là "bề trên" thì mặc định là có quyền ra lệnh đối với cấp dưới, không cần lắng nghe cấp dưới hoặc nghe nhưng không thực lòng. Không thực lòng vì đã mang trong mình căn "bệnh tưởng", tưởng rằng mình đã biết hết nhưng thật ra cái mình biết còn nhỏ nhoi lắm. Muốn thực lòng thì phải trải lòng. Kiến thức là bao la vô tận và có thể đã thay đổi theo dòng chảy thời gian. Kiến thức không được phân bổ theo thứ bậc mà cho bất kỳ ai nếu ham học, ham tiếp thu cái mới.
Đã là quan thì gần lắm bệnh quan liêu, quan cách. Trong nội bộ thì "quan liêu", độc đoán, gia trưởng, xem thường cấp dưới, ai nói khác, nói ngược là đã khó chịu, nóng mặt rồi. Bất kỳ ai, dù ở cấp bậc nào đều có những điều hay, những ý tưởng mới cần được tôn trọng thay vì định kiến, hẹp hòi. Sự đóng góp của mỗi cá nhân mới thật sự là sức mạnh của cả hệ thống chứ không phải đến từ "sếp" từ "quan". Ngoài xã hội thì "quan cách", xem thường người dân, không cần tiếp xúc với người dân, xem người dân đơn thuần chỉ là đối tượng chịu sự quản lý. Người dân trong xã hội rộng lớn luôn giàu trí tuệ hơn bất kỳ một cá nhân nào. Những bậc trí thức, những doanh nhân, nông dân, công nhân... có thể không chức này, chức nọ nhưng nhiều lắm những trí tuệ, xứng đáng được xã hội tôn vinh, học hỏi.
Cuộc sống là sự sẻ chia để mỗi người làm giàu trí tuệ cho mình, bất luận người đó là ai. Nhiều người chỉ biết mình mà không biết người khác còn giỏi hơn mình nhiều lần dù họ đang là cấp dưới, là "lính". Nhiều người nói vui, sao hay nhắc đến "dân trí" mà lại ít đề cập đến "quan trí" cũng là điều đáng suy ngẫm. Nhìn một góc độ nào đó, "quan trí" được đánh giá không phải là "đối đãi với cấp trên ra sao?" mà là "đối xử với cấp dưới như thế nào?". Đạo đức, văn minh trong hệ thống là như vậy đó!
Có người tổng kết tư tưởng "học để làm quan" đã thấm sâu vào người xứ mình do hệ thống giáo dục kiểu "khoa bảng" để lại. Học để đổ "ông cống, ông nghè", rồi sau đó được bổ nhiệm làm quan làm tước với bổng này lộc nọ. Nhưng cũng ngay từ thời xa xưa đó, người ta đã cảnh tỉnh: "Quan nhất thời, dân vạn đại" rồi kia mà!
Trước khi nghĩ đến mình "là quan", mỗi người hãy thấm nhuần mình đã là dân, luôn "là dân" thì mọi chuyện chắc đã khác hơn nhiều. Bác Hồ từng phê phán: "Cậy thế mình ở trong ban này ban nọ, rồi ngang tàng phóng túng, muốn sao được vậy, coi khinh dư luận không nghĩ đến dân. Quên rằng dân bầu mình ra là để làm việc cho dân, chứ không phải để cậy thế với dân". Quan này, quan nọ suy cho cùng cũng chỉ "là dân được xã hội phân công làm một nhiệm vụ gì đó" mà thôi! Người ta "là dân" thì mình cũng "là dân". Bình đẳng trong xã hội. Mỗi người dù ở nhiệm vụ nào cũng được đánh giá thông qua kết quả đóng góp cho xã hội chứ không phải bằng thứ bậc. Sau khi kết thúc nhiệm vụ rồi thì dân lại là dân, ở trong dân, suy nghĩ và sinh hoạt hàng ngày như người dân. Nhiều người trở về với "đời thường" dạy học, sản xuất, mua bán, tạm gọi là "vui thú điền viên" hay làm công tác xã hội một cách thanh thản, nhẹ nhàng và được xã hội hồ hởi chào đón như khi còn tại vị. Còn niềm vui nào hơn?!?
Cho đi rồi sẽ được nhận lại! Biết sẻ chia thì sẽ được chia sẻ, đơn giản vậy thôi!
Xích Lô