“Cây xoài nhà tôi” và câu chuyện “cái cốc”
Cập nhật ngày: 05/12/2016 06:42:48
Nhằm tạo ra giá trị gia tăng, giúp nhà vườn tăng thu nhập, Hợp tác xã Xoài Mỹ Xương tỉnh Đồng Tháp đang triển khai mô hình “Cây xoài nhà tôi”. Với mô hình này, những cây xoài của xã viên sẽ được giới thiệu lên trang web của đơn vị, người mua ưng ý một hoặc nhiều cây xoài sẽ tiến đến làm hợp đồng sở hữu trong thời gian nhất định. Theo đó, khách hàng được hưởng toàn bộ nguồn lợi từ cây xoài.
Vậy là từ nay, bà con khắp nơi dù không có trồng xoài mà chỉ cần một cú nhấp chuột trên máy tính là có thể được sở hữu một hoặc nhiều cây xoài để có thể tự hào giới thiệu với mọi người, đây là “cây xoài của nhà tui” đấy nhe! Một ý tưởng chắc là không mới của nước này, nước nọ, nhưng đối với xứ mình nó còn lạ lắm, còn hiếm lắm! Suy nghĩ vẩn vơ một hồi mới nhận ra nhiều điều thật thú vị chung quanh câu chuyện còn mới mẻ này.
Truyền thống bao đời nay ở xứ mình là nông dân trồng và thu hoạch nông sản rồi chở ra chợ hoặc nhà vựa để mà mua mua, bán bán. Có người thì ngồi trông chờ thương lái hay doanh nghiệp đến mặc cả, bán bán, mua mua. Người ta gọi như vậy là bán nông sản thô. Giờ thì với mô hình mới này bà con mình sẽ “mua tận gốc, bán tận ngọn” rồi còn gì? Nhìn ở một góc độ khác thì tái cơ cấu nông nghiệp cũng là quá trình chuyển tăng trưởng dựa vào quy mô sản xuất - tức là thu lợi nhuận nhờ sản xuất với số lượng nhiều - sang tăng trưởng dựa trên đổi mới sáng tạo trong nền kinh tế tri thức. Đó là tiến trình chuyển từ sản xuất nông nghiệp thành kinh doanh nông nghiệp và người nông dân sẽ chuyển thành nhà kinh doanh.
Nhân câu chuyện “Cây xoài nhà tôi”, ngẫm nghĩ lại cách ví von của một chuyên gia về hạn chế trong phương thức sản xuất của đất nước mình. Một sản phẩm như cái cốc chẳng hạn, quy trình tạo ra nó có ba công đoạn: ban đầu là nghiên cứu mẫu mã, sau đó là sản xuất ra cái cốc và sau cùng là tổ chức phân phối để cái cốc ấy đến tay người tiêu dùng. Trong ba công đoạn nói trên, công đoạn hai đem lại giá trị gia tăng thấp nhất, công đoạn một và ba cần đến tư duy sáng tạo và mang lại giá trị gia tăng cao nhất. Còn nói theo ngôn từ của các nhà kinh tế học thì sản xuất là một chuyện nhưng biết thương mại hóa sản phẩm, đưa sản phẩm ra thị trường mới bảo đảm cho sản xuất bền vững và người sản xuất có thêm phần giá trị gia tăng trong khâu phân phối.
Trong thời đại của công nghệ số, người ta tận dụng mọi cơ hội buôn bán bằng thương mại điện tử. Từ ngôi chợ truyền thống gắn với hình ảnh “buôn gánh, bán bưng”, thiên hạ giờ đã mua bán trên một cái chợ khác gọi là kinh doanh trực tuyến trên “chợ ảo” hay là “chợ trên mạng”. Trên cái chợ này, người ta quảng cáo, rao hàng bằng hình ảnh trực quan, ký kết hợp đồng qua mạng rồi thanh toán cũng qua mạng. Tiện lợi và nhanh chóng biết chừng nào! Chỉ một lời rao qua mạng là cả thế giới đều nhận được và trong số đó sẽ có những phản ứng tích cực từ người tiêu dùng. “Cây xoài nhà tôi” cũng bước đầu đi theo hướng đó.
Nhìn ở góc độ khác thì mô hình “Cây xoài nhà tôi” chính là tạo mối liên kết không qua trung gian giữa người sản xuất và người tiêu thụ. Mô hình mới nếu vận hành tốt chính là cách để tăng số lượng người tiêu dùng. Và theo quy luật cung cầu của thị trường thì để một sản phẩm có giá cao thì hoặc là “giảm cung” hoặc là “tăng cầu”. Cách bán hàng càng phong phú, càng tiện lợi, càng thông minh chính là góp phần “tăng cầu”, tăng đối tượng tiêu dùng nhờ đa dạng hóa nhu cầu của thị trường. Nói cách khác, phải có kỹ năng bán hàng sao cho người ta chưa muốn mua mà thấy hay, thấy lạ, thấy tiện ích phải “mắc mua” cho được. Mua không chỉ để ăn, mà còn để “khoe”, để biếu, để tặng.
Câu chuyện “Cây xoài nhà tôi” còn một điều thú vị với góc độ văn hóa, văn hóa sản xuất và văn hóa tiêu dùng. Người nông dân không chỉ bán cây xoài mà còn bán sự cam kết của mình với khách hàng bằng một quy trình sản xuất an toàn, bằng hình ảnh của một người sản xuất tử tế, có văn hóa. Người tiêu dùng không chỉ mua những trái xoài ngon, sạch mà còn trân trọng đón nhận ở đó tấm lòng và công sức của người nông dân. Vậy là hai loại văn hóa gặp nhau, vượt lên mối quan hệ mua bán thông thường để trở thành mối quan hệ thấu hiểu và chia sẻ. Người mua trân trọng giá trị do người bán tạo ra, ngược lại người bán trân trọng tấm lòng của người mua. Từ mối quan hệ mua bán, một sản phẩm hữu hình biết đâu có thể chuyển hóa thành một sản phẩm vô hình, đó chính là “nghĩa”, là “tình”. Ông bà mình có câu ca dao bình dị mà đầy tính nhân văn: “Tin nhau buôn bán cùng nhau/ Thiệt hơn, hơn thiệt, trước sau như lời...!”.
Chắc cũng có người nói lại, chuyện “Cây xoài nhà tôi” có gì lớn lao đâu mà thế này, thế nọ dữ vậy. Đúng rồi, mô hình chỉ mới bắt đầu từ những người nông dân mà. Rồi đây nếu được sự chăm chút hỗ trợ của các cấp chính quyền, sự tương tác của xã hội, chắc chắn nó sẽ được hoàn thiện như một điểm sáng trong tiến trình tái cơ cấu nông nghiệp. Chiều sâu của mô hình này chính là bắt đầu có những thay đổi trong cách nghĩ, cách làm của những người nông dân xứ mình rồi. Một nền nông nghiệp thông minh cần lắm những nông dân sản xuất thông minh và kinh doanh thông minh. Thay đổi nhỏ kết quả lớn là như vậy đó!
Ước gì mai này sẽ có tiếp những “Cây nhãn nhà tôi”, “Cây quýt nhà tôi”, “Cây ổi nhà tôi” nữa. Ước gì... Ước gì!
Xích Lô