Câu chuyện Làng hoa
Cập nhật ngày: 22/02/2017 14:35:07
"Ai yêu hoa xin về Sa Đéc,
Sa Đéc mình như cô gái đang xuân!"
Bài hát rộn ràng ngày nào chào đón sự kiện Sa Đéc mình lên Thành phố, Thành phố Hoa, như bao lớp người Sa Đéc mình tự hào và mong ước. Vậy là Làng hoa trăm tuổi đã làm nên diện mạo mới cho một đô thị có tuổi đời gấp ba lần như vậy!
Ảnh minh họa. Ảnh: ĐKH
Từ những mảnh vườn nhỏ nhắn, xinh tươi trăm năm trước, theo sự biến chuyển của thời gian, bây giờ đã vươn mình thành Làng hoa rộng lớn với hơn 400 ha và vẫn còn đang tiếp tục lan toả ra các vùng lân cận. Từ một Vườn Hồng ngày xưa, giờ đã có trên trăm ngàn loài hoa đua sắc. Có ai đếm được Tân Quy Đông mình có bao nhiêu loài hoa, bao nhiêu sắc hoa chưa? Có ai biết được hoa Sa Đéc mình hàng năm đã làm đẹp cho bao nhiêu vùng miền, bao nhiêu lễ hội, bao nhiêu khu du lịch, bao nhiêu đường hoa khắp mảnh đất hình chữ S không? Và có ai đếm chính xác được bao nhiêu thế hệ người làm hoa quê mình và người đầu tiên có phải là chú Tư Tôn không nhỉ? Nghề nào cũng có Tổ để mà ghi nhớ người có công mở ra một làng nghề để hậu thế thụ hưởng. Làng hoa mình nên chăng cũng có một ngày như vậy?
Vài mươi năm trước và cho đến hôm nay, hoa Sa Đéc mình chủ yếu là bán bội, bán rằm, bán Tết. Trong chừng ấy thời gian, thị hiếu và yêu cầu của thị trường đã thay đổi nhiều lắm rồi! Đời sống càng ngày càng khá giả thì người tiêu thụ cũng đòi hỏi sản phẩm ngày càng phải được chăm chút hơn. Hoa nước ngoài với thế mạnh về công nghệ đang tràn vào nước mình với bao loài mới lạ, độc đáo. Mà đâu phải chỉ hoa nước ngoài, ngay cả trong nước cũng có nhiều nơi hiện hữu hoặc đang hình thành những vùng trồng hoa mới để đón nhận xu thế lớp người tiêu dùng mới. Thì đã có nhiều khu công nghiệp nông nghiệp cao chuyên về hoa ở chỗ này, chỗ kia rồi đó! Vậy mình tự bằng lòng hay phải thay đổi đây?
Hoa mình là hoa vùng nhiệt đới với nét đặc sắc hiếm có là hoa trồng trên giàn, trải rộng mênh mông cả đánh đồng hoa khoe sắc. Người ta đến Sa Đéc là để ngắm cả một làng hoa bát ngát chứ không chỉ là một vườn hoa của riêng một nhà vườn nào. Vậy là, "Làng hoa" mới là thương hiệu cho Sa Đéc mình được thiên hạ biết đến, nhớ đến, tìm đến. Như vậy, mỗi nhà vườn phải có trách nhiệm chăm chút làm sao cho làng "của mình" ngày càng đẹp hơn, văn minh hơn. Làng hoa là của mình, của tất cả chúng ta mà!
Hoa là cái đẹp, hoa là văn hoá. Vậy, những người trồng hoa là những người mang cái đẹp, cái văn hoá đến cho đời. Muốn vậy, người trồng hoa cũng phải là những người luôn thắm đẫm hồn văn hoá, đối xử với nhau đậm đà chất văn minh ngay trong cuộc sống hàng ngày. Không thông hiểu nhau, không chia sẻ nhau, thì không thể hợp tác với nhau trong cuộc sống, và như vậy thì không thể hợp tác với nhau trong sản xuất kinh doanh.
Trong bộn bề cuộc sống, rồi mua mua - bán bán, sao tránh khỏi những lúc xung đột lợi ích lẫn nhau. Nhẹ thì cái lườm - cái nguýt, rồi tiếng chì - tiếng bấc, và thế là tình cũng mất mà nghĩa cũng chẳng còn, mất đi hình ảnh những "nông nhân - nghệ nhân" đầy tâm hồn văn hoá. Hội quán Làng hoa của bà con ra đời là để khắc phục chuyện thường ngày trong làng, trong xóm là vậy! Rồi từ những chuyện nhỏ như vậy bà con sẽ bàn tính chuyện lớn lao hơn: Chuyện hợp tác kinh doanh, không chỉ bán những chậu hoa hữu hình mà còn "bán" cả "hồn" hoa vô hình. Chuyện áp dụng khoa học, công nghệ mới để có nhiều giống mới lạ. Chuyện làm sao hạn chế hậu quả của mưa nắng thất thường, trái gió trở trời... "Buôn có bạn, bán có phường", thiên hạ đã, đang và sẽ mãi mãi làm giàu dựa trên triết lý sâu xa, ngàn năm đó! Đừng lủi thủi một mình trong sự cạnh tranh ngày càng gay gắt giũa các địa phương, trong thời buổi khoa học - kỹ thuật tiến nhanh hiện nay! Bây giờ người ta sản xuất dựa trên trí tuệ thông minh, mua bán thông qua sàn giao dịch điện tử, qua các trang mạng bán hàng rồi.
Mà câu chuyện phát triển Làng hoa của mình đâu chỉ dừng lại đó thôi đâu! Trên thế giới, thiên hạ làm giàu không phải dựa trên sản xuất mà bằng dịch vụ. Vậy bà con mình sẽ chuyển dần thành những nhà kinh doanh dịch vụ từ trăm vạn loài hoa. Làm du lịch cộng đồng từ hoa, từ trải nghiệm hồn hoa, hồn người. Chế biến các loài hoa thành đồ ăn thức uống, thành những mỹ phẩm, dược liệu cao cấp. Tinh tuý là ở chỗ đó, giàu có là ở đó và đích đến của chúng ta là ở đó! Không thể tự hào mãi sự cần cù của mình, cũng không thể lấy "cần cù bù thông minh" được đâu. Phải thông minh trong sản xuất và phải sáng tạo trong kinh doanh.
Đường hoa Sa Nhiên - Ca Dao gồ ghề ngày nào giờ đã dần phẳng phiu, trở thành nơi hội tụ của những du khách trong và ngoài Tỉnh. Mai này còn nhiều việc phải làm, phải đầu tư cho tương xứng và khơi bật tiềm năng còn đang ngủ yên của nghề hoa, của Làng hoa này. Nhưng, tiềm năng nhất trong những tiềm năng chính là những con người nơi đây, những người thắm đẫm "hồn đất, hồn hoa, hồn người". Người Sa Đéc, người của hoa, của đam mê và khát vọng, khát vọng làm đẹp quê hương, làm giàu cho chính mình!
Và để rồi mai này, chúng ta sẽ bàn giao Làng hoa hôm nay cho thế hệ con cháu nối tiếp với niềm tự hào rằng: Mình đã góp phần tạo ra, giữ gìn bản sắc và nét đẹp riêng có của một Làng nghề trăm tuổi!
Hoa của đất mang cho đời hương sắc!
Hoa của đời mang hương sắc cho hoa!
Xích Lô