Câu chuyện “đánh đề”
Cập nhật ngày: 20/12/2016 15:01:58
Có ông chuyên gia viết sách nói rằng nhà nước vẽ ra các bản quy hoạch ngành hàng nông sản và khuyến khích người dân "trồng cây gì? nuôi con gì?" như là "xúi" người dân "đánh đề" vậy. Mà đánh đề thì xác suất thắng là rất nhỏ. Thì đó, mấy chục năm nay biết bao bản quy hoạch ngành hàng được cơ quan này lập ra, ban bệ kia thẩm định, rồi phê duyệt, rồi... bị phá vỡ. Cây tiêu cây điều, con cá con tôm, con ếch con lươn... đều như vậy. Mô hình mới đầu thì hiệu quả lắm, báo đài đưa tin rôm rả, rồi được báo cáo điển hình ở hội nghị này, hội thảo kia, có khi ra đến tận Trung ương. Rồi tổ chức này, đoàn thể nọ hỗ trợ vốn liếng, mở lớp này, lớp kia để khuyến khích nhân rộng mô hình. Nhưng rồi người này bắt chước người kia, dần dần dẫn đến dư thừa, hàng hoá sản xuất ra ế ẩm, rớt giá, người sản xuất lao đao, ngậm ngùi.
Câu chuyện đó diễn ra từ năm này sang năm khác, từ loại nông sản này đến nông sản khác như một vòng lẩn quẩn không có lối ra, không có đường thoát. Thế mới biết thị trường khắc nghiệt như thế nào, bà con mình đối mặt rủi ro như thế nào! Riết rồi nhiều bà con nói vui: "Ông chính quyền mà khuyến khích làm cái này thì mình làm cái khác bảo đảm sẽ thắng lớn!?!". Ông chính quyền thì quay sang trách bà con là: "Làm theo phong trào, chạy theo tâm lý đám đông", hay: "Thấy người ta ăn khoai cũng vác mai đi đào".
Vậy thì đường nào để thoát đây? Trước tiên, phải hỗ trợ bà con mình hiểu thế nào là quy luật thị trường, cái gì mà sản xuất càng ngày càng nhiều thì giá cả chắc chắn sẽ đến lúc xuống thấp. Đó là quy luật của muôn đời, trên khắp hành tinh này, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp. Bà con mình thường rất tự tin: Ai mần được thì tui cũng mần được, thậm chí sẽ mần còn giỏi hơn nữa cho coi! Nhưng vấn đề không phải là mần giỏi - dở ra sao mà là ở chỗ lợi nhuận thu về được bao nhiêu và có ổn định không? Như vậy, mần cái gì không chỉ cần có đất, có vốn mà quan trọng hơn là cần phải có kiến thức, có thông tin, không chỉ có "quyết tâm chính trị", mà phải có năng lực phân tích và thích ứng với diễn biến của thị trường, hành vi của người tiêu dùng.
Vậy đó, một khi có một đề án mới, kế hoạch mới liên quan đến người dân thì người lãnh đạo và cả hệ thống phải cùng ngồi với bà con mình, cùng tìm hiểu kỹ lưỡng mặt thuận lợi cũng như khó khăn, rồi phân tích từng tình huống cụ thể, nếu gặp điều kiện không thuận lợi thì đối phó như thế nào? nguồn nhân lực có chuẩn bị đầy đủ chưa? mối quan hệ với thị trường, người tiêu dùng, khách hàng như thế nào? Hãy cùng với bà con chuẩn bị thật kỹ, đừng để bà con mình "a thần phù" mà làm, rủi ro lắm! Trong nông nghiệp thì hãy nói với bà con rằng: mình không chỉ biết nuôi trồng giỏi, năng suất cao, mà phải tính toán chi li như thế nào để giảm thấp nhất chi phí, phải sản xuất sao cho sạch để người tiêu dùng khó tính chấp nhận, phải biết làm bao bì, nhãn hiệu sao cho bắt mắt... Rồi thì sau đó tiếp với bà con để truyền thông, quảng bá sản phẩm sao cho thị trường ngày càng lớn ra, nhiều người gần xa biết tới nhiều hơn.
Mà không chỉ trong sản xuất nông nghiệp thôi không đâu, những mô hình kinh tế khác cũng vậy. Làm du lịch cộng đồng, chế biến thực phẩm, kinh doanh mua bán đặc sản, đầu tư tư nhân trên lĩnh vực giáo dục, y tế... mỗi lĩnh vực đều có cơ hội và khó khăn song hành. Khi ấy, người lãnh đạo và cả cơ quan chuyên môn có khi không hội đủ kiến thức để phân tích, phản biện. Vậy thì mời chuyên gia, doanh nghiệp cùng vào cuộc với mình. Họ có điều kiện đi nhiều hơn mình, thấy nhiều hơn mình, tiếp xúc nhiều hơn mình, họ cảm nhận thị trường nhanh và chính xác hơn mình. Có khi quanh quẩn trong nội bộ riết rồi mình cứ tưởng như vậy là đúng, đến khi chuyên gia đến phân tích thì mới thấy "sáng ra". Chuyện này cũng không có gì là lạ! Cũng tương tự như đánh cờ thôi, ngồi trong bàn cờ nhiều khi bí hoặc rối nước đi, trong khi người bên ngoài thì thường "sáng nước" hơn là vậy, "cờ ngoài, bài trong" mà!
Trong lãnh đạo, điều hành thường rơi vào hai thái cực khi có mô hình mới. Một là, xem chuyện đó là chuyện của người dân, vốn liếng là của người dân nên họ phải tự chịu trách nhiệm, nên thờ ơ, phó mặc. Hai là, chỉ biết hô hào khuyến khích mà không cùng với người dân để bàn bạc cặn kẽ, thảo luận kỹ lưỡng. Thị trường thì mênh mông, "Trăm người bán vạn người mua", bà con thì đa phần chỉ quanh quẩn trong xóm, trong làng, suốt ngày cặm cụi làm ăn, kinh nghiệm sản xuất thì có, thông tin lại thường thiếu, chỉ nhìn nhau mà làm, có khi "áng chừng" mà làm. Kết quả là, "được mùa, được giá" thì vui mừng, phấn khích, "mất mùa, rớt giá" thì kể như xong một mùa vụ với bao nhiêu là kỳ vọng.
Trước khi trách bà con làm ăn sao mà hổng "tính tới, tính lui", thì nên nhìn lại mình, trách lại mình sao không thế này, thế kia? Trách nhiệm hệ thống là như vậy! Tinh thần phục vụ dân là như vậy! Bác Hồ đã dạy: "Dân bầu mình ra là để làm việc cho dân"! Hệ thống chúng ta cũng phải cùng nhau thay đổi!
Xích Lô