Chuyện “Dân ca ba miền”
Cập nhật ngày: 24/12/2016 10:05:16
Hôm rồi đi Tân Hồng, ngồi với bà con, nghe ai đó nói vui: quê tụi tui có "dân ca ba miền đó nghen!". Mới đầu cứ nghĩ bà con nói chuyện ca hát, nhưng hỏi kỹ thì mới biết ý nói đến đặc điểm của người Tân Hồng là đến từ Bắc, Trung, Nam - đầy đủ cả ba miền. Đó là do những dòng chảy của lịch sử hình thành nên vùng đất này, nên bên cạnh những người sinh ra và lớn lên bao đời tại đây, còn nhiều người đến từ khắp các vùng miền của đất nước, cùng nhau khai mở và làm nên mảnh đất này hôm nay. Loanh quanh trong thị trấn Sa Rài và dọc các phố chợ thấy bên cạnh món hủ tiếu của người Nam, còn có phở Bắc và đặc biệt là Mì Quảng, hợp thành một bức tranh ẩm thực phong phú, đa dạng.
Tân Hồng là phên dậu của Tổ quốc, là nơi bất khuất, kiên trung trong các cuộc kháng chiến trường kỳ và cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam. Tân Hồng là nơi đón lũ sớm nhất, ngập lũ sâu nhất và dài ngày nhất. Bà con mình đến Tân Hồng lập nghiệp từ nhiều vùng miền khác nhau, với văn hoá khác nhau, do vậy, tính cách cũng rất khác nhau, nhưng ở bất kỳ giai đoạn nào, trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đều luôn sát cánh bên nhau những lúc khó khăn nhất.
Ba mươi năm chinh phục Đồng Tháp Mười, người Tân Hồng đã biến vùng đất hoang hoá, chua phèn, với đầy rẫy bom mìn còn sót lại sau chiến tranh, thành một vựa lúa. Quá trình đó đã chứng kiến những giọt mồ hôi, nước mắt và cả máu của người Tân Hồng. Những ngày vui khi các cụm tuyến dân cư hình thành, kết cấu hạ tầng vượt lũ, tạo ra diện mạo mới cho bộ mặt nông thôn. Nhưng rồi, những khó khăn đến với Tân Hồng. Nông nghiệp đứng trước khó khăn gay gắt: biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan, dẫn đến khô hạn, phù sa ít dần, dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi ngày càng nhiều hơn, sự cạnh tranh nông sản trên thị trường ngày càng gay gắt. Người nông dân luôn lo âu, thắt thỏm trong từng mùa vụ.
Người Tân Hồng đã dần hiểu rằng, trong những khó khăn như vậy, mình không thể ngồi đó mà than trách, mà trông chờ. Ngoài khó khăn do khách quan thì khó khăn lớn nhất và khó vượt qua nhất, là do "lời nguyền" sản xuất nhỏ, tự phát. Sản xuất nhỏ thì chi phí cao. Sản xuất tự phát thì chất lượng kém. Nhiều năm cứ chạy theo năng suất và sản lượng mà quên đi lợi nhuận và chất lượng nông sản mới quyết định sự thắng hay thua trong cạnh tranh trên thương trường.
"Phải tự cứu mình trước khi trời cứu!". Nhiều bà con đã nhận thức được và mong muốn được thoát ra khỏi tình cảnh này. Nhưng từ nhận thức đến hành động là một khoảng cách rất dài, nhiều nút thắt cần được tháo gỡ, nhiều rào cản cần phải vượt qua. Từ làm ăn cá thể đến đạt được sự đồng thuận để bà con mình chịu hợp tác với nhau sản xuất lớn là một câu chuyện không dừng lại ở các nghị quyết của cấp uỷ, kế hoạch của chính quyền, mà phải bằng những việc làm hết sức cụ thể, trên một địa bàn cụ thể, với những người nông dân cụ thể. Nơi này đất lung, nơi kia đất gò, rồi đất trong ô bao, đất ngoài ô bao, mỗi nơi mỗi khác. "Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh" - Để đi đến sự "đồng thuận, đồng lòng" là không hề dễ dàng, phải nắm bắt tâm lý từng bà con, phải kiên trì, bền bỉ, "mưa dầm thấm lâu", phải cùng bà con mình "suy nghĩ bên luống cày".
Cơ cấu lại ngành nông nghiệp phải xem như là cuộc cách mạng, một cuộc cách mạng thật sự, cuộc cách mạng trong đổi mới nhận thức của người nông dân nên cũng không dễ gì mà "chỉ có thành công mà không có thất bại". Không thay đổi nếp nghĩ, cách làm, sẽ thất bại! Không tạo ra một cao trào đồng thuận trong hợp tác giữa những người sản xuất, sẽ thất bại!
Thật vui khi tiếp xúc nghe nhiều bà con mong muốn thay đổi trong cách sản xuất rồi, nhưng còn đó nhiều nỗi lo lắm! Người thì muốn thay đổi, nhưng người khác thì chưa hoặc không muốn thay đổi thì ai giúp bà con mình đây? Làm sao để giảm chi phí sản xuất để tăng lợi nhuận? Rồi thay đổi một giống mới chất lượng tốt hơn thì có doanh nghiệp nào tiêu thụ không? Không khéo sẽ rơi vào vòng lẩn quẩn theo kiểu: "Quả trứng có trước hay con gà có trước?". Nói sản xuất theo thị trường nhưng ai giúp bà con nhận ra thị trường ở đâu, như thế nào?
Không có kinh tế hợp tác thì không có vùng nguyên liệu đồng đều, chất lượng, ổn định, mà không có những cái đó thì không có thương hiệu, mà không có thương hiệu thì hạt lúa làm ra với bao mồ hôi, nước mắt của bà con vẫn tiêu thụ quanh quẩn ở phân khúc thị trường đem lại lợi nhuận thấp. Vậy thì làm sao tăng lợi nhuận cho bà con mình đây?
Mỗi ngày dần trôi, vụ mùa sau gối đầu mùa vụ trước, thời gian trôi qua nhanh lắm. Thị trường không đứng yên để chờ chúng ta thay đổi. Các kệ hàng trong hệ thống phân phối đã chấp nhận nông sản của người khác thì là người đi sau chúng ta khó mà chen chân vào được. "Trâu chậm uống nước đục!" là điều ông bà mình đã tổng kết rồi.
Cách mạng không thể ngồi trên bàn giấy, trong hội trường! Cách mạng là dấn thân đến tận xóm làng, đồng ruộng!
Xích Lô