Câu chuyện bên một dòng kênh
Cập nhật ngày: 27/02/2017 14:24:30
Dòng kênh ở đây là dòng kênh Hồng Ngự - Vĩnh Hưng, nó được "định danh" bằng 2 cái tên của hai địa phương đầu và cuối của con kênh. Nó còn được bà con gọi bằng một cái tên khác gọn hơn - kênh Trung ương. Nhưng câu chuyện trong bài viết này không phải ở Hồng Ngự hay ở Vĩnh Hưng, mà ở xã Tân Phước, huyện Tân Hồng, một huyện được tách ra từ huyện Hồng Ngự vào ngày 22/4/1989.
Bữa đó, dự khai trương Hội quán được bà con đồng thuận đặt cho cái tên nghe thiệt là dễ thương và nhiều ý nghĩa: "Nghĩa Nhân Hội quán". Nói chuyện con cà - con kê với bà con nông dân: Giờ mình phải sản xuất cho sạch nhe, người tiêu dùng bây giờ khó tính lắm đó. Họ sợ ăn phải thực phẩm bẩn thì mang bệnh vào thân, thậm chí còn bị ngộ độc thực phẩm như báo đài đưa tin chỗ này, chỗ kia đó...! Rồi để minh họa, mới kể câu chuyện "rau hai luống, lợn hai chuồng" trên Đài Tiếng nói Việt Nam. Chuyện là vầy, có hai ông nọ bị bệnh ung thư nằm gần nhau trong bệnh viện. Ông này mới nói với ông kia: "Tui ăn uống kỹ lắm mà sao cũng bị bệnh quái ác này, nhà tui trồng rau, liếp nào để ăn thì tui chừa ra không có phun tưới thuốc trừ sâu gì hết, còn liếp nào để bán thì mới phun thuốc này xịt thuốc kia, vậy mà cuối cùng cũng bị bệnh là sao?". Đến lượt ông kia cũng nói tương tự như vậy: "Tui nuôi heo nè, con nào bán thì mới dùng thuốc phì, thuốc tăng trọng, con nào để ăn thì tui chỉ cho ăn cám, ăn chuối cây không hà, mà sao tui cũng bị bệnh nữa nè?!?". Hai ông ngẫm nghĩ một hồi rồi cùng "à lên": "Có gì mà khó hiểu đâu? Tui mua rau của anh ăn còn anh mua thịt heo của tui bán, vậy là tụi mình cùng bị bệnh chớ gì!?!"
Nói là nói vậy để cảnh giác bà con thôi, ai ngờ có anh đến nói thiệt: "Tui cũng trồng rau như vậy đó, nhưng kể từ bữa nay sẽ không làm như vậy nữa!!!". Thiệt vui, bà con mình nhiều khi suy nghĩ đơn giản, nhưng khi hiểu, khi thấm được thì bà con sẽ thay đổi thôi!
Trở lại câu chuyện con kênh Trung ương chảy ngang Tân Phước của mình. Đây là con kênh mở đầu cho câu chuyện chinh phục Đồng Tháp Mười ba mươi năm trước, đưa nước ngọt vào đồng, tháo chua rửa phèn, biến một vùng đất hoang sơ thành vựa lúa của cả nước. Rồi sau trận lũ năm 2000, là câu chuyện làm các cụm, tuyến dân cư để bà con khỏi chạy lũ hàng năm. Sẵn có tuyến dân cư đó thì kết hợp làm đê bao để làm 3 vụ lúa luôn, "nhất cử lưỡng tiện". Mà may phước làm sao những năm đó lúa được giá lắm, nên từ cấp uỷ, chính quyền đến người nông dân tràn ngập khí thế mần lúa vụ ba. Quê mình từ hai triệu tấn lúa nhảy lên hơn ba triệu tấn, vui lắm, hoành tráng lắm.
Nhưng rồi, ngày vui cũng qua, cái gì mà đi ngược với lẽ tự nhiên cũng có cái giá của nó. Đất đai không được ngừng nghỉ, ngày càng trở nên suy kiệt chất dinh dưỡng do không có nước đem theo chất phù sa vào đồng. Không còn dinh dưỡng từ đất thì hạt lúa lại được bù bằng phân, bằng thuốc. Vậy là, phun phun, xịt xịt. Vậy là, hạt lúa được kết tinh từ phân, từ thuốc chứ đâu còn từ đất như ông bà mình khi xưa làm nữa rồi. Mà như vậy chất lượng hạt gạo đâu còn ngon như ngày xửa ngày xưa. Mà không ngon lại còn tồn dư thuốc này, chất kia nữa thì làm sao mà ngon, làm sao có thương hiệu được? Vậy là giá bán thấp, mang tiếng là nước xuất khẩu nhiều nhưng toàn là xuất sang các nước nghèo nhờ giá rẻ.
Vậy đó, trong khi người tiêu dùng ngày càng ăn ít cơm hơn, thay bằng rau, bằng các thực phẩm khác thì mình lại cố sản xuất sao cho năng suất cao, sản lượng nhiều là sao? Trong khi người tiêu dùng ngày càng kỹ tính, "nói không" với thực phẩm bẩn, thì mình sản xuất ra hạt gạo còn nhiều chất lưu tồn độc hại là sao? Mình bán cái thiên hạ cần, thiên hạ yêu cầu hay mình cứ bán cái mình có, cái cố hữu trong đầu với cách nghĩ cũ, cách làm cũ?
Cũng bữa ra mắt Nghĩa Nhân Hội quán, có anh doanh nghiệp đi tháp tùng theo. Ảnh chia sẻ với bà con rằng, doanh nghiệp luôn mong muốn có được vùng nguyên liệu ổn định, chất lượng cao phù hợp với yêu cầu của thị trường. Vậy là hai bên gặp nhau rồi. Người thì cần bán những hạt lúa sạch, chất lượng nhưng giá cả phải tương xứng. Người cũng cần nguyên liệu như vậy để xây dựng thương hiệu là điều kiện tối cần thiết để đi được vào những thị trường cao cấp hơn. Vậy sao không "cùng liên kết người ơi" như bài hát do các bạn ở Trung tâm Văn hoá phục vụ hồi đầu giờ?
"Nước xa không cứu được lửa gần!". Bà con mình phải cùng nhau thay đổi trước sự khắc nghiệt do thiên tai và cả nhân tai thôi. Đừng ngồi đó mà "than trời, trách đất" nữa. Trời thì tít trên cao, đất thì ở dưới chân nhưng cũng đã trái tính, trái nết rồi. Chỉ còn lại mình với ta, ta với mình thôi. Bà con cùng hợp tác với nhau cho ngon lành, xong rồi liên kết với doanh nghiệp cho thiệt bền vũng để đôi bên cùng có lợi.
Chúng ta đang làm một cuộc cách mạng mới trong nông nghiệp, cuộc cách mạng mà người nông dân một lần nữa là hạt nhân, là chủ thể, giống như bao lớp người Tân Hồng đã từng anh dũng tham gia vào các cuộc kháng chiến trước đây vậy. Mà thật sự đây cũng là một cuộc chiến đấu để giành lấy giàu có cho người dân, thịnh vượng cho quê hương. Nếu chúng ta thua trong cuộc chiến này thì như người ta thường nói mình "thua ngay trên sân nhà" rồi!
Mình muốn thắng hay là thua đây? Tất cả nằm ở quyết định của mỗi người ngay hôm nay - ngày 25/02/2017 này!
Xích Lô