“Bước lùi” của sự tiến

Cập nhật ngày: 14/04/2017 11:19:08

“Bước lùi” của sự tiến đề cập trong bài viết này không mang tính triết lý sâu sắc và cũng không hàm nghĩa “chính trị” - kiểu nói không được không mất. “Bước lùi” nghĩa là không lùi, là đặt sự vật đúng “đường ray”, theo dòng chảy để hòa vào và tạo ra sức phát triển lớn cho kinh tế - xã hội bởi thuận theo thời thế (cách nói khác là theo quy luật khách quan). “Bước lùi” trong sự cổ vũ cho sự phát triển doanh nghiệp - phong trào khởi nghiệp (start - up).

Hiện nay, phong trào khởi nghiệp đang lan tỏa đến nhiều địa phương trên cả nước. Không riêng lãnh đạo mà người dân cũng đã hiểu được vai trò của doanh nghiệp và vị trí của doanh nhân trong đời sống xã hội. Ai cũng nhận ra rằng: Sự thịnh vượng của một địa phương hay một quốc gia song hành với sự gia tăng số lượng doanh nghiệp - doanh nghiệp hoặc hộ kinh doanh nói chung theo đúng nghĩa của nó.

Nói hiện tượng này là một “bước lùi” vì trong nhiều năm trước, hầu như các đô thị miền Nam Việt Nam đã được “khởi nghiệp” và nhìn rộng ra một chút, Liên - Xô cũ đã thực hiện chính sách của Lê-nin mang tên “NEP” vào đầu những năm 1920. Với sự so sánh như vậy, khởi nghiệp dường như là bước lùi. Có thể nhận thấy, đây là nỗi đau về sự mất mát lớn. Nhưng thực tế chứng minh rằng: Lịch sử phát triển, xã hội có những bước lùi đáng sợ như thế và không chỉ riêng ở nước ta; điều quan trọng là kịp thời nhận thức để tránh “vết xe đổ”.

Nói bước lùi của sự tiến vì chính đây là con đường mang lại sự cất cánh cho quốc gia, đem lại sự thịnh vượng cho từng nhóm người và dần dần lan tỏa ra cộng đồng. Xem lại từ các trích dẫn, trong khi phân tích động cơ tìm kiếm giá trị thặng dư, Các-Mác đã coi tầng lớp tư bản là tầng lớp cách mạng nhất trong lịch sử vì họ luôn áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật. Xét theo tiến trình lịch sử và tính đặc thù của đất nước, tất cả những ai quan tâm đến chính trị thì hiểu rõ nước ta đang ở giai đoạn đầu của thời kỳ quá độ tiến lên chủ nghĩa xã hội, có thể hình dung những lực lượng tiên phong của tiến trình ấy.

Trong xu hướng chung của nhân loại hiện đại, doanh nhân càng được đánh giá cao. Gần đây, nước ta có hàng loạt các chương trình được đề ra để kích hoạt khởi nghiệp. Các phương tiện truyền thông đều tít dòng start - up, bình luận môi trường sinh thái khởi nghiệp, giới thiệu “vườn ươm doanh nghiệp”, giới thiệu bộ chỉ số PCI, phân tích quyết tâm của Chính phủ về xây dựng chính phủ kiến tạo, làm rõ hơn về kinh tế thị trường... Riêng lĩnh vực nông nghiệp, các cuộc tranh luận về nới hạn điền, giao đất sản xuất dài hạn và tạo cơ chế tích tụ ruộng đất đã diễn ra sôi nổi. Tuy nhiên, những điểm mới của phong trào có thể có những vấn đề cần tiếp tục cân nhắc. Có chuyên gia trên lĩnh vực kinh tế cho rằng: không mấy người điều hành nhìn thấy thị trường, hành động vì thị trường, đặc biệt là thị trường nhân tố sản xuất. Ngược lại, không ít người lên án mối quan hệ không minh bạch giữa chính quyền với doanh nghiệp - “chủ nghĩa tư bản thân hữu”.

Cũng như mọi sự phát triển, hàng loạt vấn đề đang đặt ra chung quanh câu chuyện khởi nghiệp - rất có ý nghĩa đối với nước ta trong giai đoạn hiện nay. Để tạo điều kiện cho cuộc hành trình lớn này tránh được những va vấp làm chậm bước tiến, những chệch choạc gây nên những đổ vỡ, tổn thất đáng tiếc thì các cơ quan có chức năng chính trong “đoàn tàu” và mọi thành viên cần phải làm nhiều việc với quyết tâm cao và lộ trình kỹ lưỡng. Trước hết, mọi người phải nhận thức đúng về sự làm giàu; phấn đấu làm giàu, xem nghèo là nhục; từ đó mọi sự làm giàu chính đáng đều được khuyến khích, được hỗ trợ để thoát nghèo. Thứ đến và song hành với nó là đánh giá cao, trân trọng, tôn vinh sự vươn lên của mỗi cá nhân, mọi giai tầng xã hội. Mặc dù không được nhìn nhận dễ dãi một chiều, quên mất mặt xấu, mặt hạn chế nhưng cần thấu hiểu rằng: Để trở nên giàu có doanh nhân phải nỗ lực rất lớn về mọi mặt. Phần lớn họ là những người đam mê làm giàu, có kiến thức kinh tế, năng động với thương trường, nhạy bén áp dụng tiến bộ của khoa học - công nghệ đang phát triển, có dũng khí chấp nhận rủi ro và thay đổi, có trách nhiệm cao với cộng đồng... Và sau nữa, các cơ quan công quyền có trách nhiệm luật hóa và hiện thực hóa ước vọng làm giàu, có các chính sách và cơ chế hợp lý, tạo thành môi trường khởi nghiệp, minh bạch nó và hành xử một cách công bằng. Nghi ngờ vào lòng tốt của mọi quan chức trong việc “gần gũi” với giới doanh nhân là không đúng, nhưng những vụ việc bị báo chí phanh phui không thể làm cho người dân an tâm về việc không “đi đêm” của một ít người có trách nhiệm trong lĩnh vực ấy. Giải tỏa nỗi hiềm nghi này chỉ có thể ở chỗ các quy định phải rõ ràng, minh bạch và công khai.

Đã mất quá nhiều năm để có được “bước lùi” này và những gì đặt ra chắc cũng mất khá nhiều năm mới làm cho “đoàn tàu” lăn bánh với vận tốc cao. Nhận thức sớm và sâu để ủng hộ việc chấn hưng đất nước sẽ đem lại nhiều lợi ích cho hành trình, dù ta chỉ là người “vỗ tay” chứ không phải là ngoại lệ.

DÂN BIỆN

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn