Câu chuyện chạy đua
Cập nhật ngày: 24/04/2017 10:37:37
Mở thông tin báo chí hàng ngày, thấy nơi này nơi kia thu hút vốn đầu tư hàng ngàn tỷ, thậm chí hàng chục ngàn tỷ, chắc hẳn có nhiều người sốt ruột lắm! Làm lãnh đạo một địa phương thì sao? Chắc hẳn nhiều người cảm thấy sốt ruột, thấy trăn trở, thấy "nhảy nhổm"! Vậy mà, hình như đâu đó đã có sự tự bằng lòng với vị trí hiện tại của địa phương trong cuộc chạy đua trên đường dẫn dắt quê hương đến bến bờ thịnh vượng. Tự bằng lòng là coi như đã thua trước khi chạy rồi!
Nghị quyết mình chắc không thiếu, đề án kế hoạch mình cũng có đủ rồi. Giao ước thi đua giữa ngành với ngành, địa phương với địa phương thì cũng ký kết cả rồi. Biết năng lực mình còn hạn chế thì cũng đã mời các chuyên gia đến tư vấn cả rồi. Những chỗ mình mạnh cũng đã thấy, mà chỗ yếu cũng đã được chỉ ra rồi. Như vậy, còn gì cản trở chúng ta đi nhanh hơn, bứt phá hơn? Còn gì níu kéo trong mỗi người lãnh đạo để "Mới mẻ hơn trong cách nghĩ, sáng tạo hơn trong cách làm"? Cần gì để sự phối hợp trong hệ thống, trên dưới, ngang dọc nhịp nhàng hơn?
Có phải chăng trong mỗi chúng ta thiếu "tinh thần trách nhiệm" với từng công việc của mình, với cả hệ thống và trước sự uỷ thác của người dân? Có phải chăng chúng ta nghĩ đến mình nhiều hơn nghĩ đến công việc chung và đến việc phải làm sao để "cùng nhau" thúc đẩy sự phát triển của địa phương mình? Có phải chăng chúng ta thích "dòm ngó và chỉ trích", hơn là luôn tự soi rọi những hạn chế, yếu kém của chính bản thân ngành mình, đơn vị mình, địa phương mình và chính mình? Có phải chăng chúng ta thiếu "khát vọng", làm cho có, cho qua, cho hết ngày - hết tuần, hết tháng - hết năm, hết nhiệm kỳ? Có phải chăng chúng ta thiếu "năng lực" phát hiện vấn đề và giải quyết vấn đề?
Một doanh nhân nổi tiếng đã khẳng định: "Không có vấn đề chính là vấn đề lớn nhất!". Đâu đó chung quanh cơ quan, đơn vị mình có vấn đề gì hay không? Đâu đó trong ban hành, tuyên truyền các cơ chế, chính sách có vấn đề gì không? Đâu đó cách tổ chức thực hiện các nghị quyết, đề án, kế hoạch... có đi vào thực tiễn được không, có phù hợp với thực tiễn không? Các chương trình hành động có đang "bất động" chỗ này, chỗ kia không? Hay khi thảo luận thì phân tích, săm soi từng câu chữ cho mượt mà, nhưng khi tổ chức thực hiện thì "trống đánh xuôi, kèn thổi ngược", hoặc rơi vào tình cảnh "đầu voi đuôi chuột", "đánh trống bỏ dùi"? Đó có phải là những câu hỏi cần người lãnh đạo tìm ra câu trả lời một cách nghiêm túc và trách nhiệm để thúc đẩy sự thay đổi? Còn gì cần tự vấn nữa hay không?
Nhiều lãnh đạo ngành, địa phương luôn than vãn: còn nhiều việc phải làm quá lo hổng xuể, hổng có người làm?!? Không có thời gian hay chưa biết cách sắp xếp thời gian cho thật hợp lý, tổ chức công việc cho thật khoa học? Không có người làm hay không biết phân công, phân việc rõ ràng và trách nhiệm cụ thể cho từng người? Một lãnh đạo khác lại chỉ ra: nói không có thời gian, nhiều việc quá, sao hình như vẫn có nhiều thời gian dành cho tiệc tùng, khách khứa, hiếu hỉ...? Vậy là ở mỗi người chúng ta có ngụy biện hay chăng?
Có người hay lấy cơ chế, chính sách ra để biện minh. Nào nghị định nào thông tư, nào hướng dẫn của cấp trên, nào thanh tra, kiểm tra, giám sát. Đúng rồi, thể chế ít nhiều cũng ràng buộc mỗi khi muốn thay đổi. Nhưng nhìn lại, sao cũng đường lối ấy, cơ chế ấy, chính sách ấy, mà có địa phương làm được mà mình không làm được? Như vậy, vấn đề là có "muốn làm" không thôi! Nếu đã "muốn làm" thì phải cùng ngồi lại phân tích đâu là thuận lợi đâu là khó khăn, đâu là thời cơ đâu là thách thức. Thuận lợi và thời cơ thì dễ rồi, nhưng "khó khăn" và "thách thức" thì cùng mổ xẻ tới cùng để đi đến thống nhất tập thể, khó hơn nữa thì thỉnh thị với cấp trên. Có người nói sứ mạng của người lãnh đạo chính là để giải quyết những vấn đề mới, những vấn đề khó khăn. Mỗi lần thảo luận, bàn bạc chỉ cần một công đôi việc nhưng bàn kỹ, bàn rốt ráo còn hơn bày ra hàng tá công việc như kiểu "hốt thuốc Bắc" nhưng không có việc gì là đến nơi đến chốn! Từ có "muốn làm" hay không, đến phải "nhất định làm, làm cho bằng được" là cách chúng ta tạo ra tinh thần, động lực và trách nhiệm ở mỗi người dân, nhưng trước hết là người lãnh đạo!
Thời gian trôi thật nhanh và không chờ đợi một ai. Cơ hội đôi khi chỉ đến một lần, đừng để mất đi là có tội với người dân! Thiên hạ đang cuốn vào vòng xoáy cạnh tranh với những ý tưởng thông minh nhất, hành động mạnh mẽ nhất. Chỉ cần một phút giây chần chừ là người khác vượt lên rồi. Mỗi người, mỗi ngành, mỗi địa phương phải tạo cho mình một động lực, thậm chí là những áp lực cần thiết để thay đổi, để tiến lên. Những tư tưởng giáo điều, cũ kỹ chỉ níu kéo mình và níu kéo nhau trong cả bộ máy. Thực tiễn luôn phong phú, sinh động và vận động không ngừng. Sự tiến bộ của khoa học công nghệ, dung lượng và tốc độ của công nghệ thông tin, làn sóng của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang kéo cả nhân loại tiến lên, vượt lên và sẽ không ngoái lại để nhìn một cách thương hại những ai chỉ luôn đứng bên lề bình phẩm, dòm ngó mà không hành động hay hành động nửa vời.
Rất đáng trân trọng, trong đội ngũ lãnh đạo tỉnh nhà đã có những người tự bứt phá lên rồi, tự biết "tìm việc để làm", thay vì "chờ chỉ việc để làm", biết "tức khí" mà làm và dẫn dắt cả tập thể cùng bắt tay nhau để mà hành động. Mong rằng, tất cả lãnh đạo đất Sen hồng đều như vậy, đều thường xuyên "mất ngủ" khi thấy mình đang chững lại. Bởi vì, chững lại là tụt hậu trong cuộc đua tới đích. Đừng để rơi vào tình thế "Trâu chậm uống nước đục!".
Lê Minh Hoan