Câu chuyện đoàn thể

Cập nhật ngày: 31/05/2017 05:42:41

Lãnh đạo của một đoàn thể cấp tỉnh trầm ngâm: “Sao hồi mới giải phóng, hội viên có gặp chuyện gì vui buồn, khó khăn thường hay tìm đến các đoàn thể để chia sẻ và được sẻ chia, còn bây giờ thì không được như vậy?”. Nghe anh nói cũng thấy giật mình! Mấy cô chú về hưu cũng hay trăn trở về chất lượng sinh hoạt của các đoàn thể ở cơ sở. Nghĩ sao về chuyện này đây?

Thật ra khó có thể so sánh thời này với thời khác. Đất nước đi vào nền kinh tế thị trường với bao đổi thay tích cực và cũng xuất hiện nhiều cái mới, khó có thể bắt cái gì cũng giống như ngày xưa. Nhưng biểu hiện “hành chính hóa”“bệnh thành tích” trong hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội thì không thể lẫn tránh được, vì đã được ghi vào các nghị quyết của Đảng từ nhiều nhiệm kỳ rồi.

Có người phân tích, không “hành chính hóa” sao được khi bộ máy của các đoàn thể cũng được thiết kế “cấp trên”“cấp dưới” y hệt bộ máy hành chính, không “hành chính hóa” sao được khi cán bộ của các đoàn thể cũng được trả lương để làm việc theo giờ giấc hành chính?!? Giờ giấc hành chính thì cũng là giờ giấc mà người dân lao động sản xuất, kinh doanh. Như vậy là khó mà gặp nhau rồi, khó gần nhau rồi. Mà không gặp, không gần thì coi chừng “anh đi đàng anh, còn tôi thì đi đàng tôi!”.

Đoàn thể nào cũng vậy, được hình thành là để đại diện cho một nhóm giai tầng xã hội, hay nói theo đúng điều lệ là để “đại diện bảo vệ cho quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho các thành viên của mình”. Nhưng làm gì thì làm, muốn thực thi được vai trò “đại diện” thì phải sống trong lòng các thành viên theo nghĩa bóng lẫn cả nghĩa đen. Mà muốn sống trong lòng thì phải đến tận nơi, vào tận nhà, với tâm thế người của nhau, cùng nhau, vì nhau. Nghĩa là đừng có “cấp trên”“cấp dưới”, nghĩa là đừng có nghĩ đến “giáo dục” một chiều. Trong những thành viên của các đoàn thể nhiều người hay lắm, giỏi lắm, tâm huyết lắm. Ngoài ra, do nhiều điều kiện khác nhau, trong các nhóm giai tầng trong xã hội có những người không hoặc chưa là hội viên hoặc đoàn viên, nhưng trong số đó có những người thật trí tuệ, thật tiêu biểu, ngoài ra, còn có khả năng tập hợp nhiều người chung quanh mình. Hãy mở rộng vòng tay đón nhận những người như vậy để làm giàu trí tuệ cho tổ chức của mình.

Mà sinh hoạt đoàn thể đâu chỉ là câu chuyện “quyền và lợi ích”. Sinh hoạt đoàn thể còn là khơi gợi những điều hay lẽ phải, là khơi gợi tinh thần nhân văn, đoàn kết xóm làng, là mỗi người phải thấy trách nhiệm công dân của mình đối với quê hương xứ sở và trước hết là với chính mình.

Với tâm thế của “người đi giáo dục”“người được giáo dục” đã vô hình trung tạo ra khoảng cách, thậm chí là chênh lệch đẳng cấp giữa “người đại diện” và những “người được đại diện” rồi còn gì! Và, đây đó sẽ xuất hiện trong cách nghĩ: “Anh giáo dục tui nghĩa là anh phải giỏi hơn tui, nhưng mà anh có giỏi hơn tui thiệt hông?” Thật ra, đâu ai có thể tự cho mình giỏi giang hơn người khác. Mỗi người chỉ có thể hơn người khác ở một mặt nào đó mà thôi. Vậy thì, mình có nên là “giáo dục” người này - người nọ, chuyện này - chuyện kia, hay nên cùng nhau chia sẻ một chủ trương gì đó, mục tiêu gì đó. Đến với đoàn viên, hội viên của mình bằng tâm thức của họ, nói bằng ngôn ngữ của họ. Nói mà không tôn trọng người khác, không nghĩ đến cảm nhận của người khác, chỉ chăm chăm với góc độ của mình thì chỉ khiến câu chuyện trở nên nhạt nhẽo, không cảm xúc, chán ngắt.

Hãy nhìn ra cộng đồng, có rất nhiều người lặng lẽ góp sức mình cho cuộc đời mình bằng cái tâm của người với người. Họ không cần đăng ký thi đua. Họ không cần xếp hạng thành tích. Họ thầm lặng trong niềm vui nhân ái, trong sự đồng cảm, sẻ chia với đồng loại. Ngược lại, đây đó trong hệ thống của mình đã bị nhiễm bệnh thành tích. Làm để báo cáo. Làm để được bình xét thi đua. Tất nhiên, ở mặt nào đó thi đua là để hướng tới một nhiệm vụ cụ thể, trong một khoảng thời gian cụ thể, là động lực để mọi người quyết tâm vươn tới những kết quả tích cực. Nhưng còn biết bao bà con đang lặng lẽ đóng góp cho xứ sở này mà chưa một lần được tôn vinh, và điều quan trọng là họ cũng chẳng màng đến việc được tôn vinh.

Nói là nói vậy thôi, không thể “quơ đũa cả nắm” được. Nhiều cán bộ đoàn thể đã thay đổi rồi, đã không còn theo lối mòn trong nếp nghĩ cũ, cách làm cũ rồi. Nhiều cán bộ đoàn thể đã đem niềm vui đến cho các thành viên của mình bằng những công việc mới mẽ và đã nhận lại ở đó sự sẻ chia và niềm tin yêu. Nhiều cán bộ đoàn thể đã thật sự sống trong lòng đoàn viên, hội viên của mình chứ không phải là trong lớp áo “một quan đoàn thể”. Vậy là đã có cán bộ mình biết từ bỏ cách làm nặng hành chính, thứ bậc, có mặt cận kề trong những lúc bà con mình cần đến, cùng hòa vào nhịp đập của cuộc sống. Vậy là đã có cán bộ mình không đặt nặng thành tích này, danh hiệu nọ mà cốt lõi làm sao để đạt được sự hài lòng của người dân, kết nối các thành viên với nhau và dẫn dắt nhau trên con đường đi đến hạnh phúc, giàu có.

Xã hội đang vận động không ngừng và mới mẽ. Muốn đến được với người dân phải cần đến sự đồng hành thật sự, cần đến cái tâm và bầu nhiệt huyết của người cán bộ đoàn thể, là phải “đi từ trái tim đến trái tim”. Muốn người khác hiểu mình, chia sẻ với mình, thì mình phải dấn thân để đồng cảm với xã hội. Đừng chạy theo hình thức vì hình thức chỉ làm cho công việc trở nên nặng nề, khuôn sáo. Đừng chạy theo thành tích vì thành tích lớn nhất là được sự tin yêu, quý trọng của thành viên đoàn thể mình.

Nhịp sống càng ngày càng nhanh, các thành viên của đoàn thể còn bộn bề công việc, bà con thì phải bươn chải trong sản xuất, kinh doanh. Như vậy thì đừng nên rề rà trong họp hội, đừng dài dòng trong các bảng kế hoạch, báo cáo nữa! Mỗi khi làm một công việc gì hãy tự đặt câu hỏi, làm như vậy có hình thức không, có cách nào làm tốt hơn không, có thuận tiện cho thành viên của mình không...? Hỏi và tự tìm câu trả lời thì công việc sẽ hiệu quả và thành công.

“Sống là sẻ chia, là cho đi và nhận lại!”. Hãy giải phóng mình khỏi những giáo điều cũ kỹ và làm tươi mới những nghĩ suy của mình. Hãy tâm niệm và hành động như vậy.

Xích Lô

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn