Câu chuyện “bờ bao”
Cập nhật ngày: 08/05/2017 08:41:07
Từ "bờ bao" ngoài ruộng... và "bờ bao" trong người nông dân
Gần đây nổi lên câu chuyện mở rộng hạn điền để hướng tới tích tụ ruộng đất. Và, cũng như từ trước tới nay, khi có chủ trương gì mới thì sẽ có những tranh luận sôi nổi, có khi tưởng chừng triền miên, bất tận. Đây đó ở nhiều địa phương đã xuất hiện mô hình tích tụ "mềm". Trong dòng tộc thì thoả thuận gộp đất lại rồi giao cho một thành viên gia đình làm, những thành viên còn lại tới mùa được chia lúa để có thời gian rảnh rỗi đi làm chuyện khác. Có hợp tác xã cũng làm tương tự như vậy, thuê đất của nông dân mở rộng quy mô sản xuất nhằm tiết kiệm chi phí đầu vào và tạo vùng nguyên liệu đủ lớn để mà liên kết với doanh nghiệp. Thường khi mở rộng như vậy, người nông dân xoá các "bờ bao" để cải tạo đồng ruộng, thực hiện quy trình canh tác quy mô lớn.
Theo thông tin trên báo chí, tổng diện tích bờ bao cả nước chiếm khoảng 18% tổng diện tích sản xuất. Và theo nhiều người nói, nếu xoá được tất cả bờ bao trên cả nước thì sẽ tăng được tương ứng 18% diện tích canh tác. Con số đó thực hư thế nào không quan trọng vì bài viết này không đề cập đến điều đó mà nhìn ở góc độ khác.
Việc xoá bờ bao, mở rộng hạn điền, tích tụ đất đai, là một câu chuyện càng nghĩ càng thấy sâu sắc hơn, hệ trọng hơn. Đó là xoá cái "bờ bao" hữu hình là ranh đất giữa những miếng ruộng phải chăng chính là xoá đi cái gì đó vô hình: đó là một cách nghĩ manh mún trong người nông dân. Thường làm ăn quy mô nhỏ thì khó có thể nghĩ lớn, nghĩ đến lâu dài. Nói cách khác, sản xuất quy mô nhỏ người nông dân sẽ không có động lực để thay đổi, từ ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật đến đổi mới quy trình canh tác, từ sản xuất sạch đến truy xuất nguồn gốc để có thương hiệu... Chỉ khi quy mô sản xuất đủ lớn thì người nông dân mới thấy có động lực để thay đổi. Lúc ấy, người nông dân mới thấy cần thiết phải biết tính toán chi li từng khoản mục đầu vào để giảm chi phí sản xuất. Rồi đến một quy mô sản lượng đủ lớn, người nông dân sẽ thấy nhu cầu cần phải bảo quản và chế biến nông sản. Rồi người nông dân sẽ thấy tầm quan trọng của việc xây dựng thương hiệu, liên kết với doanh nghiệp, gắn với thị trường. Từ đây, nền nông nghiệp chúng ta mới thoát ra được "lời nguyền" chỉ bán nông sản thô, chất lượng thấp bao đời nay.
Như vậy, xoá "bờ bao" trong nông nghiệp chính là mở ra cách nghĩ mới, cách làm mới trong người nông dân để hướng tới sự thay đổi. Mở rộng đất đai chính là mở ra suy nghĩ mới cho bà con.
… Đến "bờ bao" trong hệ thống và "bờ bao" trong đội ngũ cán bộ, công chức
Cũng gần đây, một vấn đề thời sự khác là chủ trương đổi mới, sắp xếp lại các tổ chức trong hệ thống chính trị. Nào là nhất thể hoá, nào là kiêm nhiệm các chức danh, nào là hợp nhất các cơ quan, tổ chức tương đồng về chức năng, nhiệm vụ. Và cũng như bao lần thay đổi thì có tranh luận, rồi dẫn chiếu lý thuyết này, trích dẫn sách vở nọ. Nào là, tinh gọn bộ máy hướng đến hiệu lực, hiệu quả. Nào là, rút ngắn quy trình xử lý công việc để tăng sức cạnh tranh quốc gia, địa phương. Người tán đồng nhiều và người bất đồng cũng không ít.
Ở một góc nhìn khác và không kém phần quan trọng, hệ thống chúng ta còn quá nhiều "bờ bao". Sự cắt khúc, chia nhỏ các cơ quan, tổ chức đã dẫn đến tình trạng "cát cứ", cục bộ, "thấy cây mà không thấy rừng". Ai cũng thấy mình là quan trọng, thậm chí là quan trọng nhất. Đã cắt khúc mà lại thiếu hợp tác với nhau thì "tính hệ thống" không còn. Và như vậy phải thành lập hết ban chỉ đạo này đến hội đồng tư vấn kia để điều hoà công tác phối hợp. Và như vậy rồi phải họp hội nhiều, dẫn đến căn bệnh "đâu có họp thì ta cứ đi". Họp hội thì lãng phí thời gian, thay vì tập trung cho công việc chính, xuống cơ sở, tiếp cận xã hội để thẩm thấu sự vận động không ngừng, thì lại ngồi trong phòng họp này, hội nghị kia. Kết quả là hiệu suất công việc giảm và người dân lẫn doanh nghiệp sẽ là đối tượng chính bị chịu thiệt.
Nhiều đơn vị, tổ chức chỉ có vài ba người thì dẫn đến tình trạng "quan nhiều hơn lính" như báo chí đưa tin gần đây. Một đơn vị, tổ chức mà chỉ vài ba người thì khó có thể có không khí làm việc tích cực, năng lượng làm việc dồi dào. Và cũng như người nông dân sản xuất nhỏ, manh mún, đội ngũ cán bộ, công chức cũng sẽ không có động lực thay đổi, cũng khó có thể nghĩ lớn, nghĩ đến lâu dài. Và như vậy thì hiệu suất làm việc cũng giảm.
Từ năng suất của nền kinh tế đến hiệu suất làm việc của hệ thống chính trị
Theo thông tin trên báo chí thì năng suất của Việt Nam mình nằm trong nhóm rất thấp trong khu vực và trên thế giới: Bằng chừng này so với Singapore; bằng chừng này so với Thái Lan và bằng chừng này so với Hàn Quốc, Nhật Bản. Vân vân và vân vân. Nhìn ở một góc độ nào đó, có sự liên hệ gì giữa "hiệu suất làm việc" của hệ thống với "năng suất lao động" của nền kinh tế không? Suy cho cùng, nền kinh tế dù vận hành theo quy luật thị trường nhưng ít nhiều cũng bị tác động bởi sự vận hành của hệ thống chính trị. Tác động có thể là thuận chiều mà cũng có thể là ngược chiều, có thể thúc đẩy mà cũng có thể kìm hãm.
Vậy thì, cùng với xoá "bờ bao" trong sản xuất nông nghiệp thì rất cần xoá bỏ những "bờ bao" trong cách nghĩ và cách làm của hệ thống chính trị - Làm như vậy sẽ thúc đẩy "cách nghĩ mới, cách làm mới"!
Lê Minh Hoan
Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp