Câu chuyện một góc vùng biên
Cập nhật ngày: 22/05/2017 14:41:18
Về lại vùng biên, về lại với những người nông dân thấy ấm lòng lạ! Nhiều nghĩ suy, nhiều trăn trở và nhiều niềm tin! Lễ ra mắt "Tâm Việt Hội quán" đơn giản nhưng đầy ắp tiếng cười. Những gương mặt lần đầu tiên được gặp nhưng sao thấy thân quen, thấy hình như đã gặp ở đâu đó?!? Thì đúng rồi, trên mảnh đất này, người nông dân đâu cũng vậy, cũng thân thiện, chân chất, hào sảng!
Mà cái Hội quán thứ 19 này thấy cũng quen quen. Một căn nhà tre lá nằm ngay giữa cánh đồng bốn bề lộng gió. Ngồi bên trong mà có thể nhìn toàn cảnh một góc vùng biên với biển lúa đang dợn sóng. Hôm nay là khởi đầu một hành trình mới của 56 thành viên, những người đã xác định cho mình là "những người cùng hội cùng thuyền! rồi! Thì vẫn là nông dân nhưng là nông dân "mới", biết hợp tác cùng nhau trong cuộc sống và trong sản xuất, kinh doanh. Thì vẫn là mần lúa nhưng là cách mần "mới", mần với cái tâm của những người tử tế để hạt lúa làm ra có thương hiệu, bán được giá cao hơn. Có một thành viên phát biểu thiệt sâu sắc: "Bây giờ mình hổng phải bán lúa nữa mà bán cái sức khoẻ cho người tiêu dùng".
Vậy là đúng rồi! Mình phải cùng nhau phá cái nghịch lý giữa sản xuất với xu thế tiêu dùng. Thì đó, thiên hạ ngày càng "ăn ít" gạo hơn thì mình lại sản xuất ra "nhiều hơn"; thiên hạ ăn "sạch" thì mình lại sản xuất "dơ"; thiên hạ ăn cái gì cũng đòi hỏi phải có thương hiệu, phải truy xuất được nguồn gốc thì mình lại đấu trộn, phun xịt tùm lum?!? Mình trách ai, trách mình hay trách thiên hạ đây? Ông bà mình dạy: "Tiên trách kỹ, hậu trách nhân"! Nếu có trách là phải trách mình đang đi ngược với xu thế thời đại!
Ngồi dự Lễ ra mắt mà cảm thấy ấm lòng. 56 thành viên quây quần bên nhau, bên cạnh là cán bộ từ xã đến Tỉnh, từ Đảng, Chính quyền đến Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội. Lại có doanh nghiệp cùng đến để chia sẻ với bà con diễn biến của thị trường. Vậy là, không gian Hội quán ngoài là nơi để bà con gặp gỡ, "nói cho nhau nghe và nghe nhau nói", thì đây cũng là nơi ban, ngành, đoàn thể, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp, nhà tư vấn đến để thông tin tình hình, giúp bà con mình ứng dụng khoa học kỹ thuật, đổi mới mô hình canh tác, liên kết đầu ra - đầu vô. Vậy là, không gian Hội quán cũng là nơi lãnh đạo địa phương đến với dân, "nghe dân nói, nói với dân, sống trong lòng dân". Nhiều bản báo cáo đánh giá cán bộ xã này, phường kia ít xuống cơ sở quá, không có thời gian "xuống dân". Trời ơi, tới cấp xã mà còn vậy thì cấp huyện, cấp tỉnh sẽ như thế nào đây? Không có thời gian hay không muốn, không chịu? Sao không thấy mỗi lần được đến với dân như vậy là mình như "cá gặp nước", như được tiếp thêm năng lượng, được thấu hiểu nhiều điều, vỡ ra nhiều chuyện, biết đâu là điểm nghẽn, đâu là nút thắt để "xúm nhau" mà vượt qua, mà tháo gỡ!
Hổng lẽ cán bộ mình hổng nhớ câu châm ngôn "Mọi lý thuyết đều màu xám, chỉ có cây đời mãi mãi xanh tươi" sao? Đến với người dân, đến với ruộng vườn là đến với cuộc sống vô cùng phong phú, sinh động. Lãnh đạo là biết truyền cảm hứng, tạo niềm tin cho xã hội. Niềm tin tinh thần vô hình sẽ biến thành vật chất hữu hình. Đến với người dân để tinh thần "đồng hành với nhân dân" không trở thành câu khẩu hiệu sáo rỗng. Đến với người nông dân, "cùng nông dân ra đồng" để bàn chuyện tái cơ cấu nông nghiệp chứ không loanh quanh trong bốn bức tường công sở. Một lãnh tụ đã nói: "Hãy để người nông dân suy nghĩ trên luống cày của họ", nhưng không được để bà con độc hành trên con đường thay đổi. Biết trao quyền cho người dân tự bàn kế hoạch thay đổi chính cuộc sống của bà con nhưng đồng thời cũng phải luôn bên cạnh bà con. "Cán bộ đi trước, làng nước theo sau" mà!
Đang vui trong bụng thì có một bạn trẻ trầm ngâm: "Chuyện hợp tác mần ăn nói thì dễ đó nhưng làm thì không dễ đâu, coi chừng hết hợp lại tan". Thật giật mình, mặc dù đã biết vậy nhưng sao nghe nói ra từ một người trẻ vẫn thấy đắng lòng. Anh Chủ nhiệm Hội quán cũng tư lự: "Phải từ thôi Anh ơi!". Đúng là đâu có gì dễ dàng cả đâu, làm gì có vụ một - vụ hai là đâu ra đó được, "Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh" mà! Mỗi thành viên Hội quán đều có những hoàn cảnh riêng, tâm thế riêng, bây giờ hợp lại để thống nhất cách nghĩ, đồng thuận cách làm thì cũng phải có thời gian. Đúng là như vậy nhưng cũng đừng đủng đa đủng đỉnh nữa!
Nhớ lại mấy hôm trước gặp một chủ doanh nghiệp chế biến gạo. Ảnh trăn trở, sao hợp tác với bà con khó quá. Mấy vụ rồi đặt cọc tiền trước cho bà con với yêu cầu lúa phải thuần giống, không có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật để nhà nhập khẩu người ta chấp nhận. Mà rồi, giống thì vẫn lẫn, lúa thì vẫn lưu tồn chất cấm. Tiền cọc thì bà con trả lại nhưng buồn là không có lúa để xuất khẩu. Lại đắng lòng!
Thấy người ta thay đổi thì mình phải biết sốt ruột lên chứ. Thấy nông sản người ta tràn vào xứ mình thì phải cuống quýt lên chứ. Hổng lẽ chấp nhận nông sản mình làm ra chỉ bán trên những chiếc xe đẩy hay trên vỉa hè với giá thấp, còn nông sản thiên hạ thì chễm chệ trên các kệ hàng sang trọng với giá cao! Bà con sốt ruột thì làm lãnh đạo càng phải biết sốt ruột hơn. Thời gian không chờ đợi một ai. Thiên hạ cũng đâu chịu đứng yên một chỗ mà chờ đợi mình.
Nếu nói "khởi nghiệp" là khởi đầu một "sự nghiệp" mới thì hôm nay cũng có thể nói là 56 thành viên Hội quán mình khởi nghiệp rồi còn gì. Mà khởi nghiệp thì không thể khởi nghiệp một mình, cần phải có sự đồng hành thật sự của cả hệ thống mà người ta gọi là "hệ sinh thái khởi nghiệp".
Trong bài hát "Tình lúa duyên trăng" của đôi ca sĩ "cây nhà lá vườn" hôm đó có câu nghe thiệt mượt mà, sâu lắng. "Quê hương ta, đất xưa vốn nghèo nhưng giàu tình thương nhau/Biết yêu lúa mầu, xa cuộc đời cơ cầu /Theo dư âm, tiếng ru quyến trọn chừng buộc vào mối duyên lành/Thương cho nhau, nắng mưa cấy cày ngoài ruộng đồng nông sâu/Sớm hôm tưới trồng, nào quản đời dãi dầu/ Vững tin có ngày, mình được nhìn lúa thơm vàng".
Vững tin có ngày! Phải có niềm tin, tin mình và tin người! Mọi người đã cam kết rồi thì phải nắm tay nhau làm cho bằng được nhé: "Tâm Việt Hội quán" - "Hội của những người nông dân sản xuất sạch"!
Xích Lô
(Thường Thới Tiền, ngày 20/5/2017)